Điều Răn Của Thầy

Nếu Chúa Nhật trước chúng ta đã suy gẫm về tầm quan trọng của việc ‘ở lại trong Thầy…ở lại trong tình thương của Thầy’, thì câu hỏi được đặt ra hôm nay sẽ là: làm cách nào để ‘ở lại trong Thầy’ được thật hữu hiệu? Vấn nạn này đã được chính Đức Giêsu giải đáp, và xem ra rất đơn giản và dễ hiểu: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Tuy nhiên câu giải đáp đó lại chẳng dễ hiểu chút nào bao lâu ta chưa xác định được: ‘các điều răn của Thầy’ là điều răn nào?

Trong chương 14 và 15, Phúc âm Gioan lặp đi lặp lại không dưới bảy lần về ‘điều răn hay lệnh truyền’ của Đức Giêsu (14:15.21.25; 15:10a.10b.11.12.17). Cho tới nay ta vẫn thường được nghe giải thích một cách dễ dãi: ‘điều răn của Chúa’ đương nhiên phải là mười điều răn Đức Chúa Trời và năm luật điều Hội Thánh. Tuy nhiên cách giải thích này xem ra không ổn tí nào, vì căn cứ theo mạch văn của đoạn Tin Mừng Gioan thì Đức Giêsu hình như đang đề cập tới một thứ ‘điều răn’ nào đó có nội dung rất khác với thập giới của Cựu Ước hay sáu luật điều Hội Thánh qui định. Điều răn này có tầm quan trọng vô đối vì là điều kiện thiết yếu để gắn kết trước hết Đức Giê-su với Cha của Người, rồi cũng để người môn đệ ở lại được trong tình thương của Thầy mình: “…Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Nếu vậy, ta cần tìm hiểu xem cụ thể ‘điều răn’ đó có nội dung gì mới được?

Thú thực cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa tìm được câu giải thích thỏa đáng cho một chi tiết liên quan nhỏ thôi: tại sao khi đề cập tới điều răn cách chung chung (14:15.21; 15:10a.10b.11) tác giả Gioan luôn sử dụng số nhiều ‘các điều răn’, nhưng khi nói cụ thể thì chỉ có một duy nhất: ‘Đây là điều răn của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là…’ (15:12.17)? Phải chăng, đối với các môn đệ có truyền thống Do Thái, giới răn nói chung (thập giới) luôn là số nhiều (trừ khi nói về từng giới luật một)? Ngay cả khi phải tóm gọn các giới răn đó lại, Đức Giêsu vẫn còn xác định hai điều căn bản: mến Chúa và yêu người (Mt. 22:36-40). Nhiều tác giả cho rằng: Đức Giêsu sử dụng từ ‘các giới răn’ đồng nghĩa với ‘các lời’ Thầy nói với anh em’ (14:23). Tuy nhiên khi phải xác định rõ nội dung ‘các giới răn của Thầy’ là gì, thì Người lại chỉ khẳng định có một điều duy nhất mà thôi: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (câu 12); điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”; tại sao lại chỉ là một mà không phải là hai?

Nếu Cựu ước coi: ‘ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’ là quan trọng hơn cả, thì ‘điều răn của Thầy’ lại không hề đề cập tới điều này. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì: Đức Giêsu nắm rất rõ bản tính con người; yêu mến hết lòng là điều hầu như không ai có thể làm được, nếu không có một ai chủ động đi bước trước. Ở đây sự chủ động hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, Ngài là người đi bước trước; “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Điều mà Người yêu cầu các Kitô hữu thi hành lại chỉ mang tính thụ động: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Nhận biết Thiên Chúa yêu thương mình là tất cả, đối với niềm tin của người tín hữu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Ngay cả Đức Giêsu, khi nói về tình yêu Người dành cho nhân loại, cũng đã khẳng định nguồn gốc: nó nằm ở đâu và ai là người chủ động. Do đó ‘ở lại trong tình thương của Thầy’ chính là điều bất cứ tín hữu nào cũng phải làm, đặc biệt những kẻ yếu hèn và tội lỗi nhất. ‘Ở lại’ này không đòi phải cảm thấy mình có cháy lửa yêu mến Chúa hay không, hoặc ‘cháy’ tới mức độ nào. ‘Ở lại’ chỉ để giữ cho được điều răn duy nhất là ‘yêu thương nhau’. Đúng vậy! ta chỉ có thể ‘yêu thương nhau’ nếu nắm bắt được: ‘Thầy đã yêu thương’ là như thế nào. Phải chăng: đó đồng thời cũng là thứ hoa trái, mà Chúa muốn chúng ta sinh nhiều và tồn tại mãi?

À, thì ra thế! Lúc đầu khi mới đọc cuốn sách ‘Come Be My Light’ viết về Mẹ Têrêxa Calcutta, nhân vật mà không ai ngờ đã từng trải nghiệm gần 50 năm sống trong tăm tối thiêng liêng trong tình trạng hầu như mất đức tin, vậy mà Mẹ vẫn không mỏi mệt lao mình vào các việc bác ái; tôi cho là quá nghịch lý! Sự thật đã được sáng tỏ một khi tôi nhận biết rằng đơn giản là Mẹ đã liên tục ‘ở lại trong tình thương của Thầy’. Và nếu hoa trái tình yêu nơi Mẹ chưa phải là ‘yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’, thì nó đã là ‘yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương’… Đó chính là ‘điều răn’ duy nhất của Thầy mà Mẹ đã nắm giữ, ‘để Mẹ ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của Mẹ tồn tại’.

Tôi cũng phải vậy thôi! Đừng quá lo lắng phải yêu mến Chúa như thế nào, mà giản đơn là ở lại trong tình thương mến của Thầy, và cố diễn đạt ‘ở lại’ đó qua việc thương mến và phục vụ tha nhân. Thật đơn giản và cụ thể quá phải không bạn?

Ôi, lạy Thầy Giêsu từ nhân, ‘điều răn của Thầy’ thật quá đơn giản! Chính bản thân con cũng đã từng nghiệm thấy: ‘yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’ là khó quá, ít ai đạt cho được. Thực ra Thầy chỉ tha thiết đòi con thụ động ‘ở lại trong tình thương của Thầy’, kể cả những lúc con yếu đuối tội lỗi nhất. Con xin Thầy cho con sớm đạt được hoa trái ‘yêu thương nhau’, nhờ liên tục trầm mình trong tình yêu ‘như Thầy đã yêu’. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.