Tông đồ
Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu.
Rồi hôm nay, Ngài đã sai các ông đi để thực tập truyền giáo. Và trước khi các ông lên đường, Ngài đã căn dặn: Đừng mang theo bao bị, đừng mang theo cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc và đừng mặc hai áo, nghĩa là Ngài bảo các ông phải ra đi trong một hoàn cảnh bấp bênh nhất, để tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng, cũng như luôn phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.
Lầm lỗi nặng nề nhất của người tông đồ hăng say và nhiệt thành, đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Hay như lời thánh Phaolô xác quyết: Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.
Đối với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng sẽ là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình một cách hiệu quả nhất vẫn là đời sống gương mẫu của chúng ta.
Vì thế, sau khi công bố tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con là ánh sáng thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy những công việc của các con mà ngợi khen Cha các con là Đấng ở trên trời.
Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.
Tuy nhiên, nói tới việc tông đồ, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ bởi vì họ cho rằng đó là bổn phận của giới tu hành, chứ không phải là bổn phận của họ, những người giáo dân sống giữa lòng đời. Đây là một quan niệm sai lạc, bởi vì đã là con cái Giáo Hội, chúng ta đều có bổn phận làm cho Giáo Hội được phát triển, được rộng mở, tùy theo hoàn cảnh và đấng bậc của mình.
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một mẩu chuyện cảm động như sau: Ngày kia có một thiếu phụ cùng tám đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà ta một bao. Bà nhận gạo rồi chia làm hai phần, Mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà trả lời: Tôi dành một phần cho gia đình Hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua, họ không có gì để ăn.
Người nghèo khổ nhất cũng có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc tông đồ, làm sáng danh Chúa bằng chính đời sống của họ.
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.