Ý NGHĨA “TRO”

Ý NGHĨA “TRO”

Hàng năm, mỗi người Công Giáo đều đến tham dự Thánh Lễ vào Thứ Tư đầu Mùa Chay. Còn được gọi là Thứ Tư Lễ Tro.

“Tro” có ý nghĩa gì đối với con người? Có liên quan gì đến đời sống Đức Tin người Công Giáo chúng ta? Và tại sao lại phải xức “tro” trên trán?

Từ ngàn xưa vào thời Cựu Ước, “tro” đã mang hai ý nghĩa nhắc nhớ con người phải biết sống như thế nào. Thứ nhất, “tro” tượng trưng cho “sự thống hối ăn năn” và thứ hai, cho “đời sống khiêm nhường.”

Trong sách Sáng Thế 18:27, chúng ta nghe Abraham tự thú nhận: “Này tôi quả đường đột thưa với Chúa tôi – tôi chỉ là tro bụi.”

Về sau vào thế kỷ thứ 4 Công Nguyện, Giáo Hội mới bắt đầu dùng tro trong các nghi thức phụng vụ. Trong thời điểm này, những kẻ tội lỗi và hối nhân rắc tro trên thân mình. Họ bị trục xuất ra khỏi cộng đoàn trong một thời gian ngắn để thống hối ăn năn vì những trọng tội họ đã phạm – như tội phản đạo, chối đạo, sát nhân và ngoại tình.

Đến thế kỷ thứ 7, nghi thức thống hối này đã biến dạng và được áp dụng vào ngày Thứ Tư Lễ Tro. Kẻ có tội phải mặc áo nhặm và xức tro trên mình. Đồng thời, phải sống xa gia đình suốt cả Mùa Chay. Những người này không được bước vào Nhà Thờ và cũng không được nói chuyện với bất cứ một ai. Họ phải làm việc đền tội, cầu nguyện và ngủ dưới đất hoặc trên rơm và cũng không được tắm rửa hoặc cắt tóc cạo râu. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, những hối nhân này được ban ơn xá giải và trở về với gia đình.

Truyền thống này bắt đầu phổ biến và được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ vào thế kỷ thứ 11 – dưới triều đại của Đức Thánh Cha Urbanô đệ II.

Ngày nay, vào mỗi Thứ Tư Lễ Tro, các linh mục dùng tro gạch dấu thánh giá trên trán của bản thân mình và từng giáo hữu. Tro này chính là tro của những chiếc lá vạn tuế của Lễ Lá năm trước đã được đốt đi. Tro nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người. Con người được dựng nên từ bụi tro. Tro được sức lên trán để khắc ghi vào tâm trí thực tại cát bụi của con người chúng ta. Vì vậy, khi dùng tro ghi dấu Thánh Giá trên trán, linh mục sẽ đọc: “Ta là thân cát bụi – sẽ trở về cát bụi” (St 3:19) hoặc “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1:15).

THẾ THÌ “MÙA CHAY” và “LỄ TRO” CÓ LIÊN CAN GÌ ĐẾN TÔI?
Lá vạn tuế năm trước được đốt đi thành tro là một dấu chỉ thích đáng cho ý nghĩa của Mùa Chay. Lá vạn tuế năm trước được đốt đi cốt ý mời gọi mỗi một tín hữu chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của chúng ta trong năm qua. Ta phải xét lại những thói hư tật xấu, cách cư xử và thái độ sống của mình đối với tha nhân. Ta phải thiêu đốt tất cả những gì xấu xa tội lỗi của ta thành tro bụi và quyết tâm tu sửa cuộc đời mình.

Đồng thời, ta cũng cương quyết theo gương Chúa Giêsu bước vào sa mạc cát bụi để đối diện kẻ thù của mình – chính là Satan. Satan hằng luôn xúi dục ta chiều theo tính đam mê xác thịt, ham hố quyền hành và tham lam tiền của. Nhìn nhận mình là bụi cát, ta noi gương Chúa Giêsu sống tín thác, tự khiêm và kính sợ Thiên Chúa.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên một tạo vật mới. Ngài muốn tái tạo và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Song Ngài chỉ có thể tái tạo và cứu độ chúng ta khi nào ta tự hạ để nhìn nhận thân phận cát bụi của mình. Chỉ lúc đó, như Thánh Vương Đavít nói, Thiên Chúa sẽ: “Cất nhắc tôi lên từ đống phân tro.”

Mùa Chay trao tặng cho chúng ta cơ hội để thay đổi và hoán cải cuộc đời. Tro là dấu chỉ nhắc nhở chúng ta thực tại Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?
Nếu quý anh chị em thật sự muốn thực hiện những điều sau đây, thì chúng ta cần phải xin ơn can đảm để nói thật và sống thật với bản thân và với Thiên Chúa. Điều kiện căn bản và tiên quyết là: Sống Thật.

MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ:
Gia đình tề tựu với nhau trong giờ cầu nguyện. Trong buổi cầu nguyện, ông bà, cha mẹ và mỗi một người con trong gia đình nêu lên một thái độ, cách ăn nết ở, hoặc một cách cư xử nào đó mà mình muốn thay đổi để làm cho mối tình gia đình chan hòa đầm thắm hơn.

Thí dụ về thái độ cần sửa đổi:
– Bất cập: “Đâu phải việc của tôi đâu mà tôi phải “xía” vào. Đổi thành quan tâm và tích cực hơn: “Tôi có thể giúp được gì không?”
– Ôm đồm: “Không có tôi thì chẳng có ai làm được gì cả.” Đổi thành chia sẻ, cộng tác và thoát ly – không dính bén: “Tôi cần sự giúp đỡ của bạn.”
– Hấp tấp – Nhiều người tự bào chữa rằng làm nhanh làm lẹ tức là nhanh nhẹ, tháo vác, sáng trí. Nhiều công việc kéo dài trì trệ vì hấp tấp. Đổi lại thành điềm đạm, thận trọng và nhẫn nại hơn.
– Lê thê – chậm chạp cà rề. Nói cách khác, lười. Đổi lại thành phấn khởi, tổ chức và chủ động hơn.

Thí dụ về cách ăn nết ở:
– Dọn dẹp phòng ở hằng ngày.
– Gìn giữ vệ sinh cá nhân thường xuyên: đầu tóc, quần áo, thân thể …
– Tập thể dục thường xuyên để gìn giữ sức khỏe
– Bớt ăn bớt uống.
– Bỏ bớt những đam mê về phim ảnh, rượu bia, thuốc lá.
– Đọc kinh cầu nguyện thường xuyên hơn
– Đọc một đoạn Thánh Kinh mỗi ngày và suy niệm

Thí dụ về cách cư xử:
– Thay vì âu sầu, đổi thành tươi vui với người.
– Thay vì dửng dưng, đổi thành niềm nở tiếp đón – chào hỏi người thân, khách lạ hoặc bạn đồng nghiệp.
– Thay vì nói lại chuyện xấu của người khác – tức là phao đồn tin xấu, thì tìm những điều tốt để bản thảo và noi theo.
– Thay vì chê trách nhau, khen ngợi và cảm ơn nhau nhiều hơn.
– Thay vì nói một lời có nhiều ngụ ý ám chỉ, thì nói lời đơn thành yêu mến, khích lệ người nghe.
– Thay vì nói lời làm buồn lòng hoặc gây hoang mang, nghi kỵ và phân bì cho người nghe, thì ta quyết tâm nói những điều có lợi, tức là tạo niềm vui, bình an và tin tưởng cho người nghe.
– Đặt ra kế hoạch giúp đỡ người nghèo. Để dành tiền lẻ, đồ hộp, quần áo, thức ăn khô, rồi chọn một ngày trong tháng, đem đến Nhà Xứ hoặc một cơ quan từ thiện nào đó để để trao tặng.

MJTRUONGLUAN C.Ss.R

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.