Ga 16: 20-23a
Vào ngày 4 tháng 9, 2016, Ðức Thánh Cha Francis tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Cả thế giới đều biết Mẹ Têrêsa là một vị thánh vĩ đại. Tuy nhiên, ít ai biết đàng sau những thành quả ngoại hạng về mặt bác ái, Mẹ có một đời sống nội tâm rất sầu khổ. Là nữ tu dòng Đức Mẹ Loreto chuyên lo về giáo dục. Vào năm 1946, mẹ đến Darjeeling dự khóa tĩnh tâm và để dưỡng bệnh. Trên chuyến xe lửa đến đó, mẹ đã có một chứng nghiệm kỳ diệu. Mẹ nghe thấy tiếng Chúa Giêsu kêu gọi: “Hãy đến, mang Ta tới chốn tồi tàn của người nghèo… Hãy đến làm ánh sáng của Ta.”(1) Chúa muốn mẹ bỏ nghiệp giáo huấn, tới Calcutta phục vụ những kẻ bần cùng sống nơi cống rãnh bùn lầy. Mẹ đã vâng lời Chúa Giêsu. Trong đơn côi, không tài chánh, bị nghi kị đủ mọi chiều, mẹ đã vượt qua bao nhiêu cay đắng để thực hiện sứ mạng ấy.
Khoảng đầu năm 1948, khi công việc cứu giúp dân nghèo đã có cơ sở, đột nhiên Mẹ Têrêsa thấy tâm hồn mình rơi vào khoảng trống vắng. Những cảm nhận tâm linh không còn nữa. Thiên Chúa hoàn toàn lánh mặt để Mẹ khắc khoải bơ vơ đi tìm mà không thấy. Nói theo ngôn ngữ của Mẹ, “người tình” đã bị Thiên Chúa “bạc đãi” và “ném bỏ” một cách “chán ghét”. Từ đó Mẹ sống trong đen tối của khủng hoảng đức tin. Khủng hoảng đến mức Mẹ hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Với sự kiên trì cầu nguyện và phục vụ. Tháng 12, năm 1979, trong đáp từ lãnh giải Nobel Hòa Bình, Mẹ Têrêsa tuyên xưng với thế giới, “Chúa Kitô ở trong tâm chúng ta, trong những người khốn cùng chúng ta gặp, trong nụ cười chúng ta cho và trong nụ cười chúng ta nhận.” Vâng Mẹ đã nhận được niềm vui của Thiên Chúa, không phải ở giải thưởng, mà là chính Chúa Giêsu.
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng cảnh báo các môn đệ của Ngài, đừng nản lòng, đừng u buồn về cuộc khổ nạn mà Ngài sắp chịu. Chúa Giêsu ví Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Các môn đệ sẽ lo sợ và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang. Đối với Chúa, đau khổ ở đời này không phải là những đau khổ khi hấp hối (đau khổ dẫn đến sự chết)… đó là đau khổ lúc sinh con (đau khổ dẫn đến sự sống)… Đây là một cái nhìn mới mẻ về sự vật. Một thái độ hết sức lạc quan. Chúa Giêsu mời gọi các ông hãy nhìn vào những niềm vui phía trước mà dấn thân, mà từ bỏ, mà hy sinh. Trong bài đọc I, có lẽ thánh Phaolô cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thấy sự cố gắng của mình không mang lại kết quả như lòng mong ước, lại còn phải chịu bao nhiêu những trái ý thử thách như hiểu lầm, đòn vọt, tù đày, nhất là những quấy nhiểu của những đồng hương Do-thái. Chính trong tâm trạng này, một đêm kia Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: “Con đừng sợ cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh vì Ta ở cùng con”. Vâng “Con đừng sợ . . . . vì ta ở cùng con”. Hành trình của Phaolô giờ đây mang một ý nghĩa mới, việc rao giảng Tin mừng hiển nhiên không phải là con đường bằng phẳng trơn tru, nhưng là những chông gai và thách đố. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng có lúc như bị Chúa bỏ rời trong hành trình phục vụ. Đức Cố Hồng Y Phaxicô Savie Nguyễn Văn Thuận cũng có lúc cảm thấy như bị chơi vơi trong cuộc sống, khi ngài đang ở độ tuổi sung mãn để phục vụ, biết bao nhiều chương trình, kế hoạch để phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội, vậy mà bỗng dưng bị giam cầm trong ngục tối, nhưng chính trong lúc đó, ngài nghe được tiếng Chúa nói: “Con chọn Chúa hay chọn công việc của Chúa”, và ngài đã nhận ra được, chọn Chúa là lẽ sống, là niềm vui, là hạnh phúc.
Phụng vụ hôm nay củng cố thêm niềm tin cho chúng ta, trên hành trình rao giảng Tin mừng và sống đạo, không thể nào tránh được những ngày tháng tâm hồn chúng ta cảm thấy như lạc lõng, thất vọng. Nhưng hãy tin rằng, Chúa luôn đồng hành và thêm sức cho mỗi người chúng ta, và hơn hết, như Chúa Giêsu đã hứa: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”, đó là động lực cho chúng ta tiến bước trên hành trình đức tin.
Tam Thái.