Ánh sáng muôn dân (Lc 2,22-35)

1. Tiến dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha

Mỗi Kitô hữu được thuộc về Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Là Kitô hữu, chúng ta phải ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hoá bản thân mỗi ngày.

– Việc dâng Đức Giêsu vào Đền thờ mang ý nghĩa: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, lần đầu tiên đi vào nhà của Ngài, thế nhưng, không một ai thuộc giới lãnh đạo Giêrusalem, không một ai trong hàng tư tế, luật sĩ ra đón chào. Ngược lại, kẻ chào đón Vua của mình chỉ là ông Simêon, bà Anna, những kẻ thuộc nhóm “những người nghèo của Giavê”. Ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường, bị quên lãng trước mặt xã hội được ơn nhận biết diễm phúc đó.

Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ nghèo khó, khiêm nhường và thanh thoát mới dễ đón nhận ơn soi sáng của Chúa để thực thi ý Ngài và nhận ra diễm phúc của mình.

2. Nhìn vào Đức Mẹ và Thánh Giuse

Hai ông bà được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ luật: thanh tẩy và dâng Con vào Đền thờ.

Noi gương hai Đấng, chúng ta không nên tìm đặc ân, miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường, đơn sơ và tuân giữ mọi lề luật cua.

3. Nhìn vào ông Simêon

Sau khi đã nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, ông đã thốt lên bài ca chúc tụng:

– Tạ ơn Chúa đã cho ông trông thấy và bồng ẵm Đấng Cứu Thế trên tay;

– Tạ ơn Chúa đã sai Vị Cưú Tinh làm đèn soi cho thiên hạ và làm vinh danh cho nòi giống;

Sau đó, ông Simêon chúc phúc cho Hài Nhi và báo trước những đau khổ mà Người và Mẹ Người sẽ phải chịu.

Ông Simêon mới được nhìn thấy và ẵm Chúa vào lòng mà ông đã cảm nghiệm được diễm phúc lớn lao như vậy; huống chi chúng ta được rước Chúa vào lòng khi hiệp lễ thì diễm phúc biết mấy! Nhưng chúng ta có biết cảm tạ Chúa sau khi rước Chúa vào lòng Không ?

4. Cha Mẹ Hài Nhi ngạc nhiên, không phải vì những lời ông Simêon nói về Con Trẻ, nhưng vì thấy Thiên Chúa cũng cho những người xa lạ biết về Con Trẻ như vậy.

Khi thấy người khác, kể cả những người xa lạ được những ơn lành, được thành công trong đời sống, trong nghề nghiệp… chúng ta phải có tấm lòng rộng rãi để nhận ra ơn Chúa ban cho họ và hiệp thông với họ để tạ ơn Thiên Chúa.

5. Việc Đức Mẹ đem Hài Nhi vào đền thờ để làm nghi lễ thanh tẩy nhắc nhở chúng ta rằng, Mẹ là loài thụ tạo tinh ròng nhất trong nhân loại thế mà Mẹ đã vâng lời, tuân theo luật thanh tẩy của Môsê. Đó là mẫu gương cho chúng ta, những con người đầy tội lỗi, chúng chúng ta hãy nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và nài xin Chúa thanh tẩy chúng ta.

6. Cụ già Simêon đã trông mong cả một đời mới được nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Đó cũng là mẫu gương cậy trông và trung tín. Ai trung thành cậy trông như ông Simêon không bao giờ uổng công. Ông Simêon đã ẵm bế Hài Nhi, ẵm bế “Ánh Sáng muôn dân”, ẵm bế “vinh quang Israen”, là nắm chắc ơn cứu rỗi của mình. Ông Simêon biết chắc như thế nên ông thưa: “Lạy Chúa giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an.”

Ước gì vào giây phút cuối đời, mỗi người chúng ta cũng thưa được với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” như một bảo chứng của lòng trung thành, trông cậy vào Chúa.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.