Ơn gọi của đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế

Thánh Anphong Maria Đệ Ligôri đã trở nên vị thánh vĩ đại của Napôli và của thế kỷ XVIII. Ngài nỗ lực cống hiến cuộc đời cho công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ, nhất là cho những người bị bỏ rơi hơn cả. Chính ngài đã lập Dòng Chúa Cứu Thế để chuyên loan báo Tin Mừng cho lớp người này. Vậy làm thế nào ngài đã trở nên một vị thánh lớn và thực hiện được những điều kỳ diệu cho ơn cứu độ, đồng thời hoàn thiện ơn gọi của mình?

1. Tưởng như mọi sự đã được an bài.

Anphong sinh ngày 27.9.1696 tại Marianella thuộc Napôli. Ngài được sinh ra trong một dòng tộc quyền quý Ligôri, đồng thời ngài còn là trưởng nam, tức có quyền thừa kế. Chính vì vậy, cả dòng tộc đổ dồn vào cậu Anphong với những sự chuẩn bị cho tương lai thật chu đáo. Anphong được trang bị từ A đến Z! Nào thần học, văn chương, hội họa, nào âm nhạc, triết lý, khoa học, nào đấu kiếm, đua ngựa, săn bắn. Vì được đầu tư cách bài bản, cộng với lòng say mê học hỏi cùng với sự khôn ngoan xuất chúng, Anphong đã sớm thành công. 16 tuổi đã đậu tiến sĩ luật cả đạo lẫn đời và trở nên luật sư danh tiếng. Tương lai của Anphong đầy sán lạn và dường như số phận đã được an bài trong chính sự tiến thân vốn có của dòng tộc. Cho dẫu đã có trong tay nhiều thứ, lòng đạo đức của Anphong không hề sút giảm. Ngài vẫn “mê” Chúa và Mẹ Maria. Tuy vậy, cho đến lúc này, ơn gọi của Anphong vẫn chưa rõ ràng và chưa dứt khoát! Chỉ đến một ngày kia thì ơn gọi của Anphong mới trắng đen rõ ràng!

2. Thiên Chúa đã đi bước trước và tuyển chọn.

Một luật sư luôn thắng kiện. Vẻ vang quá! Hãnh diện quá! Đó làtrường hợp đặc biệt của luật sư tài giỏi Anphong và đó cũng là niềm vinh dự và niềm tự hào cho dòng tộc Ligôri. Thế nhưng, vào một “ngày chẳng lành” (tôi gọi đây là ngày Thiên Chúa đã đi bước trước để dọn đường ơn gọi cho Anphong), ngày của tháng 7.1723, Anphong đã thua một vụ kiện lớn mặc dù công lý thuộc về chàng luật sư danh tiếng và thân chủ của chàng. Thế gian là thế! Tuy nhiên, chính Thiên Chúa và Anphong đã thắng cuộc không phải trên vụ kiện mà là thắng cuộc trên cánh đồng bao la bát ngát của sự thánh thiện và những con người bơ vơ tất bạt và bị bỏ rơi. Thiên Chúa đã gọi và tuyển chọn Anphong cho sứ mạng cao cả. Đó mới chính là ơn gọi đích thực của Anphong. Bằng chứng cụ thể là Anphong đã dứt khoát giã từ pháp đình, quy hàng trước tượng Đức Mẹ và can đảm dấn bước theo tiếng gọi của tình yêu: đối với Thiên Chúa và đối với người bị bỏ rơi hơn cả. Thanh kiếm hiệp sĩ xin trao cách vĩnh viễn cho Mẹ Maria!

3. Ơn gọi nên thánh và thu phục các tâm hồn.

Sau khi cảm nghiệm được thế nào là “cú ngã ngựa của thánh Phaolô” qua biến cố “thua kiện” và từ giã pháp đình “ hẳn đó cũng là con đường mà Chúa muốn Anphong bước đi “ Anphong
đã sống hết mình cho Chúa Kitô và cho tha nhân. Âu cũng là thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình.

Trước tiên là việc sống với Chúa: Ngài đã tận dụng mọi phút giây để sống thân mật và kết hợp với Chúa. Ngài cầu nguyện nhiều giờ trong ngày. Sử sách ghi lại, ngài đã cầu nguyện tám
tiếng mỗi ngày! Với lòng đạo đức và sự quyết chí nên thánh của ngài thì ngần ấy giờ hẳn vẫn chưa thấm vào đâu! Ngài cũng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ cách đặc biệt. Từ
việc sống với Chúa và đời sống cầu nguyện mặn mà như thế, thánh Anphong đã cụ thể hóa bằng chính đời sống thánh thiện, yêu mến, khiêm nhường. Chẳng vậy, ngài đã vâng phục Đức
Thánh Cha để làm Giám mục Giáo phận Saint Agata mặc dù chẳng muốn tí nào. Ngài còn xác tín: “Ý của Đức Thánh Cha là ý Chúa!”. Khi chính ngài đã bị một vố nặng tưởng như bị trục xuất khỏi Dòng. Số là Đức Piô VI do sự kiện lịch sử đã chia cắt các nhà của Dòng tại Napôli ra khỏi các nhà tại nước Tòa Thánh. Thánh Anphong đã xác quyết: “Tất cả là ý Chúa” nên lấy lòng khiêm nhường mà đón nhận đồng thời muốn chịu đau khổ cùng với Đức Kitô chịu đóng đinh. Chẳng vậy, sau này Đức Thánh Cha Piô VI thấy rõ sự thánh thiện của thánh Anphong nên đã thốt lên cách chân thành – dường như muốn nói lên sự hối hận của mình vì đã hành động không đúng khi chia cắt các nhà: “Tôi đã hành hạ một Đấng thánh!”. Quả vậy, ngày 26.5.1839, ngài đã được phong thánh. 

Kế đến là việc thu phục các tâm hồn: Thật có lý khi tác giả ReyMermet nhận xét thẳng thừng nhưng đầy dí dỏm về cha thánh Anphong trong tác phẩm của mình: “Một Linh mục chẳng giống ai!”. Tại sao thế? Hẳn là có lý do. Số là thời ấy, hầu hết các Linh mục thích chọn địa vị hay chỗ tốt cho mình ở thành thị chứ ai đời nào lại đi tìm đến vùng đồng quê nghèo nàn heo hút khỉ ho cò gáy? Ấy vậy mà thánh Anphong đã chọn cho mình một con đường riêng ngược hẳn với các Linh mục trên: ngài chọn dân quê và dân bị bỏ rơi hơn cả. Âu cũng là thánh ý Thiên Chúa. Chính ơn gọi này đã làm nên Dòng Chúa Cứu Thế và làm nên một đặc sủng và một linh đạo đặc trưng của Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng của những người quê mùa dốt nát (đặc biệt về giáo lý, về lẽ đạo) và bị đẩy xuống vực thẳm của xã hội. Thánh Anphong đã lập ra các “Nguyện đường về đêm” để quy tụ và dạy lẽ đạo cho những người nghèo khổ, tất bật, bị bỏ rơi. Ngài cũng rảo khắp miền quê hẻo lánh Scala để thu phục những tâm hồn lạc nẻo, thiếu đói đời sống tâm linh nhằm đem họ về với Chúa Giêsu chí thánh. Đấng hằng canh cánh, ngong ngóng người môn đệ Anphong tiếp nối và thực hiện công việc của Người. Lòng chạnh thương người nghèo, bơ vơ, tất bạt của Anphong dường như “ăn khớp” và rập đúng y khuôn thầy chí thánh Giêsu được thánh Matthêu mô tả trong Tin Mừng đoạn 9 câu 36: “Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”. Thầy nào trò đấy! Chính nhờ sự thánh thiện và khả năng thu phục lòng người mà thánh Anphong đã đưa được nhiều tâm hồn trở về với Chúa Kitô, Đấng muốn cứu vớt mọi người.

Còn biết bao điều về ơn gọi của thánh Anphong mà người viết không thể nói hết được qua vài dòng chữ. Thật vậy, ơn gọi của thánh Anphong là ơn gọi dành riêng cho Chúa Kitô đồng thời
cũng dành cho mọi người, nhất là cho những người nghèo khổ, tất bạt. Ngài đã sống trọn vẹn cho Chúa Kitô và cho tha nhân. 

kính nhớ thánh Anfongso Maria Ligori.

Dieser Beitrag wurde unter Cac Thanh veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.