Biểu tượng rõ ràng nhất của thứ Năm Tuần Thánh là Bữa Tiệc Ly, Chúa lập Phép Thánh Thể, và truyền chức Thánh. Nhưng một chi tiết tuy nhỏ, mà lại hết sức quan trọng liên quan đến Thánh Thể và chức linh mục, đó là Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ.
“Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” (Gio 13:8). Đây là cốt lõi của ý nghĩa Vượt Qua, mở đầu cho việc lãnh chức Linh Mục, và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, “đã biết giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Gio 13:1), còn phương tiện Ngài dùng để về là cái chết nhục nhã trên thập giá.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn hành động rửa chân để chuẩn bị cho các môn đệ hiệp thông với Ngài? Thưa bởi vì nếu không có hành động này, Ngài cũng không biết phải nói sao với các ông về những gì Ngài đã và sẽ làm cho các ông, dĩ nhiên, là cho toàn thể nhân loại.
Nếu Ngài không rửa chân cho các ông, ám chỉ phép thánh tẩy bằng máu của Ngài, hẳn là các ông cũng như nhân loại đều chẳng được hưởng ơn Cứu Độ. Được dự phần Nước Trời sau này. Do đó, mà Ngài phải bằng mọi giá thuyết phục các ông kể cả đe loi để các ông, nhất là Phêrô chấp nhận để cho Ngài làm việc này.
“Các con gọi ta là Thầy là Chúa thì phải lắm, và đúng thật Thầy như vậy” (Gio 13:13). Hãy tưởng tượng, một bậc thầy cũng là Chúa quì gối trước mỗi môn đệ, nâng từng bàn chân xù xì, đen đủi và bụi bặm lên rửa, lau, và cung kính hôn chúng ta mới thấy hành động ấy mang ý nghĩa cao cả như thế nào.
Hiển nhiên, Chúa không hành động với lý lẽ tầm thường. Bởi vì trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài đã có quá nhiều cơ hội để các ông hiểu và chấp nhận lời Ngài, cũng như khiến các ông phải nể phục. Qua những phép lạ Ngài đã làm từ việc cho kẻ mù thấy, điếc nghe, què đi, câm nói, và chết sống lại, nhưng có lẽ các ông vẫn chưa sẵn sàng tham dự Mầu Nhiệm Đau Khổ và Phục Sinh của Ngài. Chưa hiểu được giáo lý yêu thương của Ngài. Và vì thế, Ngài đành phải hạ mình xuống để rửa chân cho các ông. Luôn tiện, dạy các ông bài học phục vụ, và bác ái.
Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng khi suy niệm về hành động rửa chân của Chúa, đó là Ngài đã không rửa mặt, rửa tay, hoặc gội đầu cho các ông như lời Phêrô đã đề nghị. Ngài chỉ chú tâm vào những bàn chân lấm láp bụi đất của các ông.
Ngài không rửa mặt, rửa tay và gội đầu, vì đó là chuyện của các ông, và dầu sao những việc làm ấy còn có chút dễ dàng, thanh cao. Nhưng Ngài chọn rửa chân, là để hoàn toàn chấp nhận phần khó khăn nhất, vất vả nhất, và một hình thức nào đó tầm thường nhất để minh chứng sự quan tâm và tình yêu Ngài. Và rồi chỉ khi đã được thanh tẩy hoàn toàn, chúng ta mới được kêu mời vào tham dự Mầu Nhiệm Thánh Thể, Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài.
Đến đây chúng ta chắc đã cảm được và hiểu được phần nào thái độ tự hạ và tình yêu thương của Chúa qua hành động rửa chân. Cũng như Phêrô, chúng ta phải để Chúa rửa chân cho mình. Đúng hơn, chúng ta phải kêu cầu để được Ngài rửa chân cho, vì chỉ có thế, chúng ta mới xứng đáng dự phần với Ngài.
Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là phần đóng góp của mình. Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều kiện tham dự này không chỉ là để Ngài rửa chân, mà còn phải rửa chân cho nhau: “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Gio 13:140). Một điều kiện coi như dễ nhưng lại rất khó thực hiện.
Khó lòng thực hiện vì cái giá của hành động rửa chân của Chúa Giêsu là trận đòn nhừ tử trong dinh Philatô, là những bước đi lảo đảo trên đường đến núi Sọ, và là cái chết treo trên thập giá. Điều này xem như vượt quá sức chịu đựng của con người tự nhiên. Nhưng như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô nếu không chấp nhận được rửa chân, và không rửa chân cho nhau, chúng ta không được dự phần với Chúa.
Vậy anh em tôi là ai? Là người cha, người mẹ, người anh, chị, em. Là những người mà tôi va chạm và tiếp xúc mọi ngày trong cuộc sống. Là những người mà tôi thích, tôi ưa cũng như những người tôi không ưa, không thích. Tất cả họ cần được tôi rửa chân bằng những nụ cười tha thứ, bằng thái độ chấp nhận, bằng cử chỉ hòa nhã, bằng những đối xử công bằng, tôn trọng, và yêu kính như tôi yêu mến, và tôn kính chính Thiên Chúa.
Chúa đã rửa chân chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng phải rửa chân cho anh chị em mình, nếu như chúng ta muốn tham dự phần với Chúa trong Phục Sinh vinh quang.
Trần Mỹ Duyệt