Chúa Biến Hình

Cứ mỗi mùa Chay đến, chúng ta thường cầu chúc cho nhau sống sự thánh thiện của mùa Chay. Chúng ta nhắc cho nhau biết kết hiệp với ơn Chúa để thay đổi chính mình – thay đổi để làm cho con người chúng ta được trở nên tốt hơn, được sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa nhiều hơn.

Đó là những mong mỏi của riêng ta và những lời chúc tốt đẹp từ những người thân, và qua đó nói lên niềm hy vọng của sự phục sinh của mỗi người. Mùa Chay thánh năm nay đang bước đến tuần thứ hai. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau đi hết chặng đường mùa Chay này để được hoán cải trong những ngày tháng còn lại hầu để chết đi con người cũ và cùng được phục sinh với Ngài.

Thánh Sử Máccô thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi ở chương 9 sau khi Ngài tiên báo cho các môn đệ lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Ngài ở cuối chương 8. Đây là sự kiện đáng được ghi nhớ trong sứ mạng làm người của Chúa Giêsu và được thuật lại bởi ba Thánh Sử Máccô, Luca, và Mátthêu. Câu chuyện bắt đầu với Đức Giêsu mang ba môn đệ, Phêrô, Giacôbê và Gioan ra riêng và dẫn các ông lên núi. Có lẽ đường lên đỉnh núi thì không xa lắm nhưng khó đi vì dốc, và khi lên đến đỉnh núi, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ. Ngài cho các môn đệ thấy vinh quang sáng láng của Ngài là một Thiên Chúa, và đó cũng như là một lời hứa của Ngài cho các môn đệ. Nếu các ông trung thành với Ngài, các ông sẽ được chung phần với Ngài trong sự vinh quang đó. Ngay lúc đó, Phêrô muốn được hưởng trọn vẹn và ở lại trong sự vinh quang của Chúa Giêsu, nhưng Ngài chẳng đáp lại lời nào và trở lại với con người thường nhật như các ông. Tiếp đến, Chúa Giêsu truyền cho các ông là không được nói với ai cho đến khi Ngài từ cõi chết sống lại (cf. Mc 9:2-7).

Nếu chúng ta nhìn lại hành trình của Phêrô, Giacôbê và Gioan từ lúc Chúa Giêsu mang các ông ra riêng và dẫn các ông lên núi và cho thấy vinh quang của Ngài cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, quả là một hành trình cam go. Mỗi người có mỗi ý nghĩ, mong muốn và hành trình riêng tư. Hai anh em ông Giacôbê và Gioan thì xin được ngồi bên tả và hữu của Ngài và sẵn sàng uống chén mà Chúa Giêsu sắp uống (cf. Mc 10:35-40). Còn Phêrô thì ngay lúc đó xin cho được ở luôn với Ngài trong sự vinh quang đó. Nhưng khi Chúa Giêsu đi vào cuộc tử nạn, tất cả vì sợ hãi mà cao chạy xa bay. Gioan và Phêrô đã không nỡ tâm bỏ Thầy mình và theo Ngài xa xa, và trong lúc sợ hãi Phêrô đã chối Thầy mình ba lần vì sợ liên luỵ. Có lẽ các ông tránh né và theo Ngài xa xa không phải vì các ông không yêu thương Thầy mình, nhưng sự sợ hãi đã chiếm ngự tâm trí và khiến các ông đành làm những điều mình không muốn. Vì hiểu tâm tình họ nên Chúa Giêsu chẳng bao giờ trách các ông mà Ngài lại còn tiếp tục giao cho họ những sứ mạng lớn lao. Với Gioan, Ngài gởi gắm mẹ Ngài, “Này là mẹ con” (cf. Ga 19:27), và với Phêrô, Ngài gởi gắm công việc còn lại của Ngài, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (cf. Ga 21:16). Nhận lời Thầy mà trong lòng các ông còn mang bao nhiêu nỗi lo sợ. Có lẽ trong lúc này các ông thật sự cảm nhận được hành trình theo Thầy Giêsu như thế nào. Theo Thầy là mất đi những ý nghĩ riêng tư, là khắc phục những sợ hãi để được trung thành với Thầy, là chấp nhận con người yếu hèn của chính mình để gánh lấy sứ mạng lớn lao mà Thầy đang tin tưởng nơi mình. Các môn đệ thật sự chưa hết nỗi sợ hãi với biến cố khổ nạn và Phục Sinh của Thầy mình. Các ông chưa thật sự vượt qua được những rụt rè và do dự của con người yếu đuối trước sứ mạng mà Thầy mình giao phó. Các ông chỉ thật sự biến đổi khi Chúa Thánh Thần hiện xuống và giải phóng tâm hồn họ để họ tung các cánh cửa đang đóng kín trong con tim mà ôm ấp một sứ mạng, một thế giới mới trong thần khí.
Hành trình của mỗi người chúng ta là môn đệ của Ngài cũng mang những nét tương tự như hành trình của Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu cũng mang mỗi người chúng ta ra riêng và gọi tên từng người khi vị Linh Mục xức dầu cho ta trong ngày chịu phép Rửa Tội, và Ngài gọi tên chúng ta một lần nữa khi Đức Giám Mục xức dầu cho ta trong ngày chịu phép Thêm Sức, “Hãy nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần, Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Hành trình được mời gọi làm những môn đệ chân chính của Chúa Giêsu được bắt đầu từ đấy, ngày mà Ngài tỏ mình ra cho chúng ta qua các phép Bí Tích. Cũng như các môn đệ, Ngài truyền cho chúng ta sứ mạng còn lại của Ngài, đó là hãy cùng Ngài sống và làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Lời mời gọi cao cả này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những ý nghĩ riêng tư, khắc phục những sợ hãi để được trung thành với Ngài, để chấp nhận con người yếu đuối của chính mình và xin ơn hoán cải hầu chúng ta làm trọn sứ mạng được trao phó như Ngài mong muốn, để khi mỗi lần chúng ta biết hoán cải là chúng ta được biến hình để trở nên giống như Ngài hơn.

Mỗi một ngày trên bàn thờ, Con Một Thiên Chúa biến hình để được đi vào dòng đời của chúng ta, để được nhập thể với những tế bào trong cơ thể và làm một với chúng ta. Khi được làm một với Ngài, chúng ta biết bỏ đi những ý nghĩ riêng tư và sống theo thánh ý Ngài, và với sức mạnh của Ngài, chúng ta biết mạnh dạn sống cuộc sống mà Ngài chọn cho ta. Qua những biến đổi hàng ngày, chúng ta biết chết đi dần dần cho chính mình trong niềm hy vọng được phục sinh với Chúa Giêsu. Vì khi chúng ta được phục sinh với Ngài, chúng ta sống lời mời gọi cao cả là sống để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Thật là khó nếu chúng ta phải biến đổi hoàn toàn trong cùng một lúc, vì thế chúng ta chỉ xin Ngài ơn được biến đổi từng chút một và từng ngày con người của mình. Trong mùa Chay thánh này chúng ta hãy cùng nhau xin Ngài biến đổi miệng lưỡi của chúng ta. Nó chỉ là một bộ phận nhỏ trong cơ thể mà có thể làm nhiều việc tốt cũng như xấu. Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta rằng, “Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa Là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (Gc 3:9-10). Chúng ta không thể dùng cái lưỡi để rước Ngài và dùng nó để nói những lời dèm pha, những chuyện không nên nói, hoặc phê bình nhau với một thái độ không ôn hoà. Thật sự biết bao nhiêu việc chia rẽ đến trong gia đình và cộng đoàn cũng chỉ vì chúng ta không dùng cái lưỡi trong thần khí yêu thương. Hơn thế nữa, chúng ta tiếp tục cầu xin Ngài ban ơn biến đổi những gì thuộc về ta đang cần được biến đổi; xin Chúa Giêsu thương dẫn dắt chúng ta vững bước với Ngài và sẵn sàng làm trọn sứ mạng Ngài giao phó và nhờ đó chúng ta cùng chung phần với Ngài trong vinh quang. Amen!

 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.