Hôm nay, chỉ là một ngày như mọi ngày trong ba trăm sáu mươi lăm ngày. Nhưng là những tín hữu Công Giáo, chúng ta còn dùng một thứ lịch khác. Đó là lịch Phụng Vụ.
Lịch Phụng Vụ hôm nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam . “Tử đạo” là gì ? Xin thưa, đó là chấp nhận hy sinh ngay cả tính mạng của mình cho niềm tin mà mình đã tin theo. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chỉ vì tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu, chỉ vì “trung thành theo bước Giêsu”, vì thế họ đã phải chịu bắt bớ tù đày, phải gánh chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt và cuối cùng là cái chết. Nhẹ thì gông cùm, xiềng xích. Bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt cho tới chết).…..
Thật ra, trước những sự tàn bạo đó, không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những chuyện này đã được Đức Giêsu tiên báo khi xưa rằng: “Anh em hãy coi chừng… người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24, 4-…9). Tin và theo Đức Giêsu, không chỉ dừng ở việc “có tâm hồn nghèo khó”. Không chỉ dừng ở việc có lòng bác ái “xót thương người”. Không chỉ là cần “có tâm hồn trong sạch”. Nhưng còn phải sẵn sàng chấp nhận, như lời Đức Giêsu đã phán, “… vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5, 1…11).
Trong một lần lên Giêrusalem, và để loan báo về cái chết của Người, một cái chết để cứu chuộc nhân loại. Đức Giêsu đã phán rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).…..
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo với hơn hai ngàn năm có lẻ, đã có vô số người đáp lời mời gọi đó để trở thành những “hạt lúa chứng nhân”. Họ sẵn sàng trở thành những “Martyr” cho tình yêu và chết cho tình yêu như Thầy của mình là Đức Giêsu “chỉ vì tình yêu đã chịu nhục thân chết cho trần gian… để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi”.(1) Những “Martyr” đó ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có người Việt Nam, được tiêu biểu bằng 118 vị chính thức được tôn phong là Thánh tử đạo . Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những chứng nhân sống động cho niềm tin vào một Giêsu. Một Đức Giêsu đã “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Người) mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Phaolô Lê-Bảo-Tịnh là một chứng nhân điển hình. “Khởi đầu là vị ẩn tu, kết thúc cuộc đời là vị tử đạo. Hai hình ảnh và hai lối sống có vẻ khác biệt nhau. Nhưng đối với một vị ẩn tu thì điều đó có gì là quan trọng. Vấn đề chính, đó là niềm tin. Niềm tin vào một Thiên Chúa. Lối sống có thể đổi thay nhưng niềm tin mới là nền tảng chính yếu. Và chính niềm tin đó đã dẫn đưa cuộc đời Ngài từ một ẩn sĩ trở thành linh mục nhiệt thành loan báo Tin Mừng Cứu Độ và để rồi, cuối cùng là phúc tử đạo vinh quang” (nguồn : internet).
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam còn “chứng thực” cho điều Đức Giêsu đã rao giảng rằng “không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) . Đó là trường hợp ba vị tử đạo tự nộp thế mạng của mình cho người khác. “…Vị thứ nhất : Linh mục Gioan Đạt vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”. Vị thứ hai, thừa sai Gagelin Kính, viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an. Vị thứ ba là linh mục Đặng Đình Viên, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng.
Những mẫu gương này làm ta liên tưởng đến thánh Maximilien Kolbe ở trại tập trung Đức quốc xã sau này”(2). ….. Qua những chứng từ trên, có thể nói rằng, các thánh tử đạo Việt Nam chính là tấm gương mẫu mực cho một đời sống đức tin và sự trung tín. Vâng, thật phải đạo khi hôm nay toàn thể Giáo Hội kính cẩn cất tiếng hát lên lời ca “Đây bài ca ngàn trùng. Dâng về Thiên Chúa. Bài ca thấm nhuộm máu đào”(3) để tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã “anh dũng tiến lên pháp trường” tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ. Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là để nhắc nhở mỗi chúng ta, là những Kitô hữu rằng “Ai quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25)
Một phút suy tư… “Tử vì đạo”. Vâng, điều này đã xảy ra ngay khi hạt giống đức tin được gieo trồng tại Palestina. “Tử vì đạo”… liệu hôm nay, điều đó vẫn còn xảy ra !? “Trên thế giới, cứ 5 phút, một Kitô hữu bị giết vì niềm tin của mình”. Đó là lời tuyên bố của nhà xã hội học người Ý, ông Massimo Introvigne, nhân bài tham luận tại buổi hội nghị về đối thoại liên tôn giữa các Kitô hữu, người Do thái giáo và Hồi giáo, diễn ra tại Gödollö (Budapest), vào ngày 2-3/6/2011, do Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu và bộ Tư Pháp và công tố Hungari tổ chức.(nguồn : internet). Sự bách hại vẫn còn xảy ra. Và chắc chắn là vẫn tiếp tục xảy ra. Bởi nếu không thì Đức Giêsu đã chẳng nói rằng : “Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22, 31). Thật chủ quan khi nghĩ rằng, câu nói này, Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho “anh cả Simon Phê-rô”! Có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Nhưng chắc chắn chúng ta vẫn bị Xa-tan cũng như con cái của nó “sàng sảy” cách này cách khác.
Trong thực tế, cái gọi là “bản sơ yếu lý lịch” với phần tự khai về tôn giáo cũng đã “sàng sảy” biết bao người tín hữu Việt Nam… Chúng ta phải chọn lựa như xưa kia các Thánh tử đạo đã chọn lựa. Hoặc là niềm tin phó thác vào Chúa. Hoặc là “được cả thế gian mà mất linh hồn”. Thánh Tôma Toán, thầy giảng dòng ba Đa minh, là một tấm gương mẫu mực về sự lựa chọn để mỗi chúng ta noi theo. Vâng, dù đã sau 13 ngày bị lột trần phơi sương không một hạt cơm vào bụng, quân lính đem bày trước mặt tử tội một mâm cơm đầy thức ăn ngon và mời mọc. Thế nhưng cụ già 76 tuổi đó đã từ chối và nói : “nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn”. (xuất giáo nghĩa là bỏ đạo). Là một Kitô hữu Việt Nam, sẽ thật nguy hiểm khi chúng ta bị cám dỗ rằng “đạo tại tâm” để rồi “giả vờ” ghi ba chữ “không tôn giáo” trên bản lý lịch của mình hầu dễ bề tiến thân trên đường công danh sự nghiệp. Chắc chắn điều đó không được Đức Giêsu dạy bảo và dĩ nhiên là Giáo Hội không hoan nghênh. Hãy nghe câu chuyện cụ E-la-da. Vâng, ông bị ép phải ăn một thứ thức ăn luật Do Thái cấm. Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục. Người ta dụ dỗ ông rằng “chỉ giả vờ ăn thịt cúng, làm như vậy ông sẽ thoát chết”. Ông E-la-na khảng khái trả lời “giả vờ là điều bất xứng”.
Các thánh tử đạo Việt Nam, điển hình như các Linh Mục Lê Tùy, Đỗ Yến, Hoàng Khanh, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Bảo Tịnh… nhất định không “giả vờ” khai man lý lịch là lang y, dù các vị được hứa là nếu khai như thế sẽ được trả tự do.(4) Sống chứng nhân là sống trong sự “sàng sảy” của Xa-tan. Đó chính là kinh nghiệm sống của Thánh Phaolô. Thánh nhân đã thú nhận rằng “thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cor 12, 7-9). Ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng ta sống một đời sống chứng nhân. Chúng ta có tin không ? Nếu tin… Nếu chúng ta tin… Vâng, vấn đề không phải là chúng ta sẽ phải đối diện với sự sàng sảy của Xa-tan như thế nào. Mà là… Hay nói một cách khác, nếu chúng ta tin, hãy nghĩ đến việc chúng ta sẽ “sống đạo” như thế nào ! Đừng quên rằng, chỉ khi chúng ta sống trung tín với niềm tin của mình và “bền chí đến cùng” như gương các thánh tử đạo Việt Nam . Vâng, chỉ khi đó, như lời Đức Giêsu đã phán, “kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. (Mt 24, 13).
Petrus.tran
1. Tạ ơn các Thánh tử đạo VN