Tự ngàn xưa, người ta đã biết dùng men ủ vào bột, để bột dậy men và làm ra những ổ bánh mì thơm ngon. Cũng có những thứ men hữu ích khác để làm rượu, dấm, sữa chua, v.v. Thế nhưng lại có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư thối, gây tật bệnh cho con người. Khi ví Nước Trời như men trong bột, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có loại men mang tên Kitô, chứ không phải “men Pharisêu và men Hêrôđê”, là thứ men kiêu căng giả hình, thứ men của lòng đam mê tiền của, thú vui và quyền lực; những thứ men đó làm cho con người ra hư hỏng. Các môn đệ vì còn nặng tinh thần thế tục với óc thực dụng, cứ mải lo lắng về tấm bánh vật chất nên không hiểu được lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Biết các ông đang có nguy cơ tiêm nhiễm men độc hại nên Ngài cảnh báo: “Hãy coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê”.
Lời cảnh báo của Đức Giêsu đối với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Phariseu và men Herode” có vẻ như chẳng liên quan gì đến chuyện các ông quên đem bánh theo. Hành trình vượt biển để đi qua bờ bên kia mà chỉ có duy nhất một cái bánh thì quả là nguy. Nỗi lo lắng của các môn đệ che lấp lời dạy của Đức Giêsu.
Lúc này các môn đệ vẫn không mấy bận tâm đến lời cảnh báo của Đức Giêsu mà các ông tiếp tục bàn nhau chuyện các ông không có bánh. Thế nên, các ông không tránh khỏi những lời quở trách của Đức Giêsu: “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ?”. Sau đó, Đức Giê su đã gợi cho các ông về hai lần hóa bánh để nhắc nhớ các ông quyền năng của Thiên Chúa nhưng các ông vẫn chưa nhận ra quyền năng của Đức Giêsu qua hai phép lạ hóa bánh đó, cũng như những lời dạy của Người.
Nhằm củng cố địa vị của mình, người Phariseu tìm cách dò xét và chỉ trích lối sống của Đức Giêsu và các môn đệ. Thái độ của họ phơi bày làm cho họ phơi bày sự thật về họ là những người tự phụ, kiêu ngạo, cứng lòng và đạo đức giả. Vì thế Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ đừng vì vẻ hào nhoáng bên ngoài của nhóm người này làm cho mình bị lôi cuốn. Đáng lẽ người Pharisêụ có trách nhiệm hướng dẫn dân chúng tìm kiếm chân lý, tôn thờ và thi hành ý muốn của Thiên Chúa hằng sống, thì họ lại chỉ tìm kiếm vinh quang cho mình. Chúa dạy: Phải coi chừng men Pharisêu.
Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa Giêsu đã dùng chữ “men” để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
Hình ảnh men trong Kinh Thánh cũng được sử dụng rất nhiều, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh nắm men dậy lên cả đấu bột để ví cho sự nẩy nở và lan tràn của nước trời. Và một lần nữa Chúa Giêsu lại nhắc đến men, nhưng hình ảnh men hôm nay Chúa muốn dậy các môn đệ lại là một thứ men xấu mà các ông phải coi chừng kẻo bị lây nhiễm, đó là men Pharisêu và men Hêrôđê. Men đó là một thứ men xấu, men giả hình, bất công, tham lam, khoe khoang, kiêu ngạo, ích kỷ… Chúa Giêsu đã luôn thấu hiểu bản tính yếu đuối của con người, con người dễ lây nhiễm những tật xấu hơn là tập được những tính tốt. Và cũng chính vì lẽ đó, nên trong thời gian Chúa Giêsu và các môn đệ đi rao giảng, nhiều lần Chúa đã nhắc nhở các môn đệ phải tránh xa những men xấu. Men xấu đó có thể là những lời khen ngợi tán dương cho thầy trò Giêsu, mỗi khi Chúa làm phép lạ hay trừ quỷ. Chúa cũng thường bảo các ông “Hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).
Men Kitô trái ngược hẳn với men Hêrôđê và Pharisêu. Đó là men yêu thương, khơi dậy lòng nhiệt thành hiến thân phục vụ trong vui tươi, hiền lành, khiêm tốn. Để men Kitô dậy lên, phải loại bỏ tinh thần thế tục và óc thực dụng là môi trường cho men Pharisêu và Hêrôđê phát triển.
“Men biệt phái” là thói giả hình, đạo đức giả, kiêu căng, phô trương,…; “men Hêrôđê” là thói háo danh, tham lam, yêu lợi lộc, quyền bính,… Tất cả những nết xấu này của những người Pharisêu và phái Hêrôđê đã bị Chúa Giêsu nhiều lần lên án. Thế nên, lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ năm xưa cũng là điều mà chúng ta – những Kitô hữu hôm nay phải cẩn thận đề phòng. Quả thật, sống trong xã hội xô bồ hiện tại, con người bị lôi cuốn bởi lối sống hưởng thụ, chạy theo danh-lợi-thú,… Không tỉnh táo, người môn đệ của Chúa Giêsu cũng dễ bị “lây nhiễm” những thứ “men” này. Để khỏi bị lây nhiễm những thứ “men xấu” trên, người môn đệ cần luyện tập một lối sống được tác động bởi những “men tốt”. Đó là một đời sống luôn kết hiệp với Chúa Giêsu qua việc chuyên chăm đọc và suy gẫm Lời Chúa; qua việc năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải; qua việc thanh luyện bản thân mỗi ngày. Nhờ vậy, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu nhiệt thành và góp phần làm cho thế giới hôm nay nồng thắm “men Giêsu”.
“Gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc” đó là một câu nói cửa miệng quen thuộc của giới trẻ hiện nay, nó được chế tác lại từ một câu tục ngữ của dân gian Việt Nam. Nghe qua câu nói đó thì có vẻ khôi hài, nhưng quả thực nó hàm chứa một ý nghĩa thật sâu xa. Gần một điều gì xấu con người ta rất rễ bị lây nhiễm xấu theo và việc Chúa Giêsu dậy cho các môn đệ phải coi chừng men xấu là một điều hết sức cần thiết. Ta cũng nên nhớ rằng Chúa Giêsu chỉ dậy các môn đệ phải coi chừng chứ không phải là hoàn toàn tránh xa men xấu, và đó cũng chính là lý do mà Chúa không ngại lui tới với những Người tội lỗi để tha thứ và cứu vớt họ.
Lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ ngày xưa, cũng chính là những lời dậy cho mỗi kitô hữu chúng ta hôm nay. Hằng ngày trong thánh lễ, chúng ta vẫn dâng tiến Chúa tấm bánh trắng tinh tuyền không men, với ý hướng nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa để tấm bánh mang một thứ men mới, đó là men Giêsu, men yêu thương và cũng là men trường sinh.
trích giaophanvinhlong