“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “

Phúc Âm: (Mc 6, 45-52)

 Vài hàng sơ lược

– Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Mác-cô kể tiếp cho chúng ta nghe chuyện Giêsu đi trên biển hồ. Hai câu chuyện này được nối kết với nhau qua câu 52 nhắc đến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Các môn đệ vẫn tiếp tục đi theo Đức Giêsu.

 – Điểm tương đồng giữa phép lạ hóa bánh ra nhiều và việc Giêsu đi trên mặt biển nằm ở chỗ: Cả hai lần này Đức Giêsu làm những điều kỳ lạ, dù rằng nhu cầu của người hiện diện không cấp bách. Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông dân chúng không có bánh ăn đấy, nhưng họ vẫn có thể đi vào làng để tự lo bữa tối cho mình (ss. Mc 6, 35). Trong phép lạ đi trên biển của Giêsu, các môn đệ đang ở trên biển một mình trong đêm tối, và cũng phải vất vả chèo chống, nhưng các ông không ở trong hoàn cảnh bị sóng và bão đe dọa, không như lần trước, với „một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước“ ss. Mc 4, 37)

 – Điểm khác biệt giữa hai đoạn là: Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Giêsu xuất hiện như là người Cha trong một gia đình Do-thái giáo, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Trong phép lạ đi trên biển, Giêsu xuất hiện và tỏ mình như là một Đấng ở thế giới bên kia, đến nỗi khi các môn đệ thấy thì sợ hãi, vì các ông tưởng là ma (câu 49).

 – Liên quan đến việc tỏ mình ra của Giêsu: So với chuỗi phép lạ từ chương 4, 35 đến hết chương 5, chúng ta thấy nổi bật tính cách cứu độ của Giêsu. Còn hai phép lạ hóa bánh ra nhiều và phép lạ đi trên mặt biển trong chương 6, làm nổi bật tính cách tỏ mình của Giêsu. Vâng, từ từ Giêsu mạc khải mình ra cho mọi người biết về Ngài.

 – Trong cái nhìn nhất lãm, thì chỉ có Mát-thêu (Mt 14, 22-33) lấy lại đoạn này của Mác-cô, còn Luca thì không thấy nhắc tới.

So sánh giữa hai đoạn của Mác-cô và Mát-thêu, sẽ nhận ra một số điểm khác biệt nhất định. Rõ ràng nhất là Mát-thêu đã đưa thêm vào câu chuyện Phêrô xin Giêsu được đi giống Ngài trên biển. Ngoài ra, phần cuối cùng của câu chuyện, Mát-thêu nói rằng: „Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! ” (câu 33). Qua đó, các môn đệ trong cái nhìn của Mát-thêu là những người có niềm tin, dù rằng là niềm tin kém cỏi như Phêrô (câu 31). Còn với Mác-cô, thì các môn đệ luôn xuất hiện như là những người cứng lòng, chậm hiểu. Nên ở câu cuối Mác-cô đã nói như sau: „Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!“ (câu 51-52)

  • Suy niệm

 „45 Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông.“

 Việc Giêsu giải tán đám đông, và bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, là chuẩn bị cho việc Ngài tỏ mình ra cho các môn đệ trên biển hồ. Cũng có những lần khác, khi tỏ mình ra, Giêsu cũng thường chọn lựa một số người, tách họ ra nhóm người, như khi Ngài biến hình (ss. Mc 9,2)

Bết-xai-đa, có nghĩa là „vùng của ngư dân“. Bết-xai-đa nằm ở phần cuối phía bắc của biển hồ Ghê-nê-sa-rét. Theo Mt 11,21 thì Bết-xai-đa là một trong những nơi bị Giêsu nguyền rủa, vì dân chúng cứng lòng tin quá: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối“. Tuy nhiên, Bết-xai-đa cũng là một trong những nơi Giêsu làm nhiều phép lạ. Ở đoạn này Mác-cô kể rằng, khi các môn đệ trên thuyền hướng về thành Bết-xai-đa, thì Giêsu tỏ mình cho các ông. Ở Mc 8, 22 – 26 thì Giêsu chữa lành cho một người mù tại Bết-xai-đa. Còn với Luca 9,10, thì Bết-xai-đa chính là nơi Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. (ss. A. Fuchs, Horst Balz & Gerhard Schneider (Hrg), Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament Band I, từ ngữ Bhqsai?da, -Betsaida)

 „46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.“

 So sánh với Luca, Mác-cô ít khi nhắc đến việc cầu nguyện của Giêsu. Nhưng mỗi khi nhắc đến, thì đều là dịp cầu nguyện lâu giờ trong đêm thanh vắng. Cũng như ở đây, từ biệt các môn đệ, Giêsu đi cầu nguyện lâu giờ trên núi, và trong đêm thanh vắng. (ss. các lần cầu nguyện khác ở Mc 1, 35 và 14, 32-42).

Lần cầu nguyện lâu giờ này, thep R. Pesch, là sự chuẩn bị của Giêsu trước khi Ngài tỏ mình ra cho các môn đệ (ss. Lc 3, 21 và 9, 28).

Hình ảnh núi (ss. Mc 3, 13) luôn được coi như „nơi Thiên Chúa quang lâm, tỏ mình“. Vì vậy, nơi này có sự hiện diện thật gần gũi của Thiên Chúa. Trong đoạn phúc âm của Mác-cô ở đây, hình ảnh núi có ý nghĩa như sau: Trên núi này, Giêsu đã giành thời gian để cầu nguyện, và sau đó như Gia-vê Thiên Chúa, Giêsu cũng đi từ núi cao xuống và tỏ mình ra cho các môn đệ. Liên quan đến điểm này, có thể đọc trong sách của tiên tri Kha-ba-cúc 3, 3: „Này Thiên Chúa tự miền Tê-man ngự giá, tự núi Pa-ran, kìa Đức Thánh quang lâm. Bóng uy phong rợp chín tầng trời, câu chúc tụng vang mười phương đất“

Ngoài ra, theo H. Kleine, trong phúc âm Mác-cô, núi luôn là nơi chốn mà nhiều điều đặc biệt đã xảy ra: Trên núi Giêsu chọn các môn đệ (Mc 3,13; ss.Lc 6,12). Núi cũng là nơi biến hình (Mc 9, 2.9; ss. Mt 17,1.9 và Lc 9, 28.37; 2P 1,18). Lới nói về cánh chung trên núi (Mc 13,3; ss. Mt 24,3) (ss. H. Kleine, Horst Balz & Gerhard Schneider (Hrg), Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament Band II, từ ngữ o;roj – oros)

„47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.“

 „Chiều đến“ ở đây thực ra là thời gian hoàng hôn, theo A. Pohl, vào khoảng từ 18-21 giờ. Như vậy có thể dịch là buổi tối đến. Hơn nữa, trong bản Hy-lạp là ovyi,aj – opsias có nghĩa là buổi tối.

Buổi tối luôn được coi là thời gian của bóng đêm với nhiều đe dọa. Vâng, với Giêsu, ở một mình trong bóng đêm thì có lẽ chẳng sao cả. Nhưng với các môn đệ, thì có lẽ sẽ sợ hãi lắm à. Hơn nữa, con thuyền chở các ông còn đang ở giữa biển hồ nữa chứ. Mà biển hồ lại tượng trưng cho sự hỗn mang với sức mạnh luôn đe dọa con người. Vì vậy, nỗi sợ của các môn đệ có thể tăng thêm nữa, dù rằng sự sợ hãi lần này không lớn như lần hãi sợ trước đây, khi con thuyền của các ông bị sóng to gió lớn đe dọa, và nước đã vào đầy thuyền (ss. Mc 4, 37).

Ngoài ra, thầy lại không có mặt trên thuyền nữa chứ. Vắng bóng thầy, lênh đênh trên mặt biển hồ, giữa bóng đêm u tối, và còn vất vả chèo chống nữa. Tội nghiệp thật! Thầy đâu rồi? Thầy có đến hay không?

 „48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.“

 Các môn đệ không bị đe dọa tới tính mạng, nhưng các ông gặp gió ngược, nên có lẽ con thuyền chẳng tiến lên được nhiều. Giêsu đã thấy sự vất vả của các ông, và Ngài đã tới. Ở đây, A. Pohl chú ý đến việc „Chúa thấy“. Vâng, việc „Chúa thấy“ không chỉ là cái nhìn thấy suông suông, sau đó thì chẳng màng tới, ngược lại khi Chúa thấy là Chúa thấy với tất cả tấm lòng thương xót của mình. Đôi mắt Chúa thực là đôi mắt của một mục tử nhân lành: „Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.“ (Mc 6, 34).

Vì vậy, Giêsu đã lên đường để đến với các môn đệ của mình. Lúc đó là vào canh tư, nghĩa là vào khoảng 3-6 giờ sáng.

Thời gian sáng sớm này, tương hợp với thời gian cứu rỗi của Gia-vê Thiên Chúa vào buổi sáng sớm: „Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng“ (Xh 14, 24); „Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển; ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.“ (Tv 46, 6);

Qua đó, Mác-cô đã diễn tả rất sống động tinh thần cứu rỗi của Giêsu. Vâng, như Gia-vê Thiên Chúa, Giêsu đến vào rạng đông, để cứu rỗi mọi người. Thật vậy, như mặt trời công chính mọc lên vào sáng sớm, Giêsu cũng đến vào sáng để sưỏi ấm muôn người, để đem ánh sáng đến cho muôn người đang bị bóng đêm bao phủ.

Và chính vào giờ này, lúc trời bắt đầu từ từ sáng, Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ của mình. A.Pohl chú ý đến động từ đến với, trong tiếng Hy-lạp là  peripate,w – peripateo. Động từ này có nghĩa là „đi đi lại lại“, „đến với“, và còn có ý nghĩa là „sống với“, diễn tả một tinh thần sống tập thể, cộng đoàn rất sống động. Trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy rõ tinh thần này: „Ta sẽ đi đi lại lại giữa các ngươi; Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta.“ (Lv 26,12); „Vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi đi lại lại giữa trại anh (em) để giải thoát anh (em) và trao thù địch của anh (em) cho anh (em). Vậy trại anh (em) phải là trại thánh, kẻo Người thấy có gì chướng nơi anh (em) mà không đi theo anh (em) nữa.“ (Đnl 23,15).

Như vậy, việc Giêsu đến với các môn đệ của mình, có ý nghĩa là Giêsu muốn chia sẻ với các môn đệ của mình những lúc vất vả chèo chống, nhưng khi các ông một mình ở trong bóng đêm, và lúc các ông đang lênh đênh một mình trên biển khơi. Tinh thần chia sẻ của người Bạn tri kỷ, của người Thầy luôn thương yêu học trò mình. Điều này thật là một an ủi lớn lao!

 Hơn nữa, cách thức đến của Giêsu cũng thật khác. Ngài đi trên mặt biển. Hình ảnh này tương hợp với đoạn 9, câu 8 trong sách của Gióp: „Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả.“ Và với Tv 77, 20: „Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.“ Cũng như trong Isaia: „Đây là lời ĐỨC CHÚA, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng.“ ( 43,16)

Ngoài ra, theo M. Limbeck, việc đi trên mặt biền đối với con người trong thế giới cổ đại có thể nghĩ đến, như triết gia Kleodemus đã có lần nhắc đến, và cả trong phật giáo cũng nhắc đến việc những môn sinh tốt lành của Đức Phật đi trên mặt biển (x. M. Limbeck, Markus-Evangelium, Stuttgarter kleiner Kommentar, kbw-Verlag, Stuttgart 1984, trang 89-90)

Nhưng khi đến với các ông, thì Giêsu lại định vượt các ông. Đã đến rồi mà lại định vượt qua. Phải hiểu điều này làm sao đây? Theo A.Polh và M. Limbeck, thì hình ảnh này không có nghĩa là „làm lơ“, ngược lại để cho các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, tương hợp với: „ ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy9 và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.” (Xh 34, 5-8) Cũng như tương hợp với: „Người phán: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” (Xh 33, 19), và „Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua.” (1V 19,11a)

Vâng, như Gia-vê Thiên Chúa, Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, để các ông có thể nhìn thấy vinh quang của Ngài. Ngài không chỉ có quyền năng dẹp yên sóng gió, mà còn có thể đi trên mặt biển. Thực Ngài chính là chủ của đất và chủ của biển. Vì vậy, hãy mở mắt ra để chiêm ngắm vinh quang của Ngài.

 „49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên.“

 Trước vinh quang mà Giêsu tỏ ra, tiếc rằng các môn đệ không thưởng thức nổi. Ngược lại, các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Phải chăng, Giêsu đã đi quá xa rồi? Phải chăng Giêsu đâu thể lại ở đây trên biển cả, Ngài đã đi lên núi rồi mà?

 „50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “

 Lần nữa Mác-cô nói rằng các ông nhìn thấy Người, điều này nêu bật sự xác thực về việc Giêsu tỏ mình ra, dù rằng các môn đệ vẫn chưa nhận ra Ngài, cho đến khi Giêsu lên tiếng.

Người bảo các ông, tiếng Hy-lạp là kai. kai, le,gei auvtoi/j.“  Theo  R. Pesch thì đó là công thức bắt đầu cuộc đối thoại. Như vậy, Đấng mới tỏ mình ra đã lên tiếng. Ngài muốn trở về lại với tương quan thầy trò, Ngài muốn dọn lại bàn tiệc của tình sư đồ, tình bạn hữu. Vì vậy mà Ngài đã lên tiếng và mời gọi các môn đệ bước vào cuộc gặp gỡ và trò chuyện với Giêsu.

Cứ yên tâm“ Lời nói của Giêsu muốn trấn an các môn đệ, muốn đưa các ông ra khỏi sự sợ hãi, và lời này cũng là lời dẫn vào cho lời tỏ mình của Giêsu. „Chính Thầy đây – evgw, eivmi„

Lời tỏ mình nêu rõ căn tính này của Giêsu nhấn mạnh rõ ràng rằng, Thực là chính Ngài rồi, và Ngài chính là như vậy đó. Vâng, với tất cả những gì Ngài có, Ngài ban cho, Ngài muốn, Ngài hứa và Ngài làm. Qua đó, chúng ta có thể nói trong ý nghĩa thiêng liêng, là Ngài tỏ mình và ở đó với chúng ta và cho chúng ta. Vâng, không chỉ với chúng ta mà còn „cho chúng ta“ nữa đó. Thực vậy, khi nào chúng ta cần đến bánh ăn, thì Ngài ban. Khi nào chúng ta cần được Ngài chữa lành, thì Ngài sẵn sàng giang tay cầm lấy và nâng dậy. Khi nào chúng ta muốn được nghe lời giảng dạy tốt lành, thì Ngài với ta ngồi xuống trên thảm cỏ xanh, hay tại bãi biển, và Ngài mở lời trìu mến dạy dỗ. Và Ngài cũng luôn mở tai để lắng nghe và mở lòng để đón nhận. Trước mặt Ngài chúng ta được phép sống và sống dồi dào.

 Trở về với lời của Đấng tỏ mình, chúng ta thấy lời này có hai ý nghĩa thần học: Thứ nhất Giêsu với bản tính là người và là Chúa đã tỏ mình trên biển cả, và thứ hai qua Giêsu chính Gia-vê Thiên Chúa cũng tỏ mình ra cho muôn người. Vâng, từ ngữ “evgw, eivmi„ cũng được sử dụng cho lần tỏ mình của Gia-vê với Mô-sê trong Cựu Ước (x. Xh 3,14). Nhưng tại sao khi tỏ mình ra, thì Thiên Chúa lại nói lên căn tính của mình. Theo R. Pesch thì việc giải thích căn tính của mình trong lúc tỏ mình là một điều quan trọng, vì người kể chuyện đã nghĩ đến điều, thần dữ có thể mượn chính hình hài của con người, và tỏ mình để lừa dối. Câu hỏi người này là ai và sự xác nhận anh ta là người này hay người nọ (x. Ga 21, 4.7) tương hợp với việc nêu rõ căn tính của Đấng tỏ mình ra. Việc nêu rõ căn tính này có ý nghĩa là Giêsu công nhận mình là ai: „Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? ” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” (Mc 14, 61 b-62)

Như vậy, việc Giêsu nêu rõ căn tính của mình đóng một vai trò quan trọng. Vâng, nhờ vậy mà các môn đệ mới nhận ra Ngài. Trước đó hai lần các ông nhìn thấy Ngài, nhưng tưởng là ma và rất hoảng sợ nữa.

Hiều thấu tâm trạng của các môn đệ, nên Giêsu đã thêm vào câu: „đừng sợ!“  Một lời an ủi và trấn an thật cần thiết. Khi đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, thì ai lại không sợ. Nỗi sợ này cũng là tự nhiên. Nhưng nỗi sợ này không như nỗi sợ ma đẩy con người vào đường cùng, mà nỗi sợ này cần phải thúc đẩy con người biết thờ lạy Chúa, biết chạy đến với Người, biết ở lại trong tình yêu của Ngài. Và thật là tuyệt vời, khi chính Đấng tỏ mình đã lên tiếng “đừng sợ”, là lúc Ngài mở rộng cánh cửa nhà mình, cánh cửa lòng mình để đón con cái vào nương ẩn. Nơi đó, chỉ có Ngài và con cái mà thôi.

 “51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt “

 Giêsu lên thuyền với các môn đệ nghĩa là Giêsu trở về lại với tương quan thầy với trò, trở về với tổ ấm yêu thương. Chính lúc Giêsu lên thuyền, là lúc gió lặng, là lúc các môn đệ được giải thoát. Vâng, ngồi chung một xuồng với Giêsu thì còn gì bằng nữa. Có Giêsu thì có tất cả. Dù cho con thuyền của cuộc đời có gặp sóng to bão lớn, thì cũng chẳng sao. Vâng, chẳng sao đâu, câu chuyện Giêsu ngủ trên thuyền đã chứng minh cho chúng ta rõ ràng điều này. Hơn nữa, khi Thiên Chúa tỏ mình ra, thì mọi quyền lực của thần thiêng cần phải câm lặng. Gió phải ngừng thổi, sóng phải ngừng đập, để vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện rực rỡ. Trước sự tỏ mình này và trước hiện tượng gió lặng khi Giêsu lên thuyền, các môn đệ thật là bàng hoàng sửng sốt. Vâng, không sửng sốt sao được, làm sao không bàng hoàng, khi chứng kiến thiên nhiên phải quy phục Thiên Chúa, khi chứng kiến vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện thật rực rỡ cao sang.

 „52 vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!“

 Câu 52 này đụng tới phép lạ hóa bánh ra nhiều. Vâng, khi chứng kiến Giêsu làm phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho hàng người ăn, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được căn tính của Đức Kitô, dù rằng các ông là những người được ưu tiên để hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, như Mác-cô đã nhắc đến trong 4, 11: „Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn.“

Thực vậy, trong mắt các ông còn quá nhiều ghèn, tâm hồn các ông còn u tối lắm. Cả biến cố Giêsu tỏ mình thật tường tận và lạ lùng trên mặt biển, các ông vẫn còn sợ hãi.

Tuy nhiên, sau này các môn đệ đã nhận ra được Giêsu là ai, như sự kiện Phêrô tuyên xưng đức tin: „Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8, 29). Nhưng dù sao các ông vẫn bị cấm không được tiết lộ danh tánh của Giêsu ra ngoài. Cho đến biến cố cuối cùng trên đồi Gôn-gô-tha. Vâng, đó chính là cao điểm mạc khải tỏ mình của Giêsu, một Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập tự. Và một người mà lại là người ngoại nữa chứ, đã tuyên xưng và công bố rõ ràng danh tánh của Giêsu: „Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39)

 Tham khảo

– Rudolf Pesch, Das Markusevangelium, Herder Verlarg, Freiburg 2000. Sonderausgabe, Band II/1, trang 357-364
– Adolf Pohl, Das Evangelium des Markus, R. Brockhaus Verlag Wuppertal 2005, Wuppertaler Studienbibel NT 1, trang 269-274
– Meinrad Limbeck, Markus-Evangelium, Stuttgarter kleiner Kommentar, kbw-Verlag, Stuttgart 1984, trang 88-92
– Helmut Merklein, Die Jesusgeschichte-synoptisch gelesen, Stuttgarter Bibelstudien 156, kbw-Verlag, Stuttgart 1994, , trang 131-133
– Horst Balz & Gerhard Schneider (Hrg), Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament Band I, II & III, 2.Aufl., Kohlhammer Verlag, Stuttgart-Berlin-Köln 1992

Nguyễn ngọc Thế sj

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.