NGHỊCH LÝ CỦA THẬP GIÁ

‘Thập giá Đức Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta’. Đây là câu châm ngôn mà Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn cho mình cũng như cho các nữ tu Hội dòng Mến Thánh gía, con cái của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn sinh : “Ai không vác Thập gía mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng làm môn đệ Thầy (Mt 10,38).” Con đường Thập gía là con đường duy nhất mà Chúa đã đi qua, đã vạch dẫn và mời gọi chúng ta tiếp bước theo dấu chân của Ngài .

Thập giá – Hình phạt khủng khiếp nhất

Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã viết : “Trong khi người Do Thái đòi tìm dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh vào Thập gía, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là sự điên rồ” (1 Cor 1, 22). Thời đế quốc Rôma, Thập gía là khung hình phạt dã man và ghê sợ nhất, chỉ dành cho những phạm nhân bị kết án tử hình. Tên tử tội bị đóng chặt vào hai thanh gỗ và được treo lên cao, nằm phơi thây giữa trời, ngực dãn ra rất khó thở, vừa đói khát, vừa bị lột trần truồng để cho thiên hạ nguyền rủa. Người khỏe nhất cũng chỉ cầm cự tối đa được một đến hai ngày rồi chết. Sau khi chết, xác của họ sẽ bị chim trời đến rúc rỉa và không được đem đi chôn để lòng đất khỏi bị hoen ố do tội lỗi bẩn thỉu họ gây ra. Đế quốc Rôma chỉ sử dụng hình phạt này cho ngoại bang, còn công dân Rôma được miễn. Trong bối cảnh xã hội như thế, người Do Thái xem án phạt này là một sự sỉ nhục, bởi vì họ vẫn coi mình là một dân tộc ưu tú được Chúa tuyển chọn. Còn người Hy Lạp thì nhìn những phạm nhân bị treo lên cây gỗ như là những con người điên điên khùng khùng, không sống theo lý tưởng khôn ngoan của nền triết học mà họ vẫn theo đuổi.

Nhưng, chính Đức Giêsu đã tự nguyện chọn cái chết ô nhục này. Ngài chấp nhận bị dìm xuống tận đáy bùn đen trong xã hội loài người, sống tận căn mầu nhiệm tự hủy để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta. Chính vì thế, khi Đức Giêsu phác vẽ viễn ảnh Thập gía mà Ngài sẽ trải qua, các tông đồ không thể chấp nhận, đặc biệt, Phêrô đã kịch liệt cản ngăn. Tuy nhiên, chính nghịch lý của Thập gía đã khai mở cho nhân loại một chân trời mới : Qua Thập gía sẽ đến vinh quang, qua cái chết nhuốc khổ, chúng ta sẽ được sống lại trong khải hoàn (Per crucem ad lucem).

Đây chính là chân lý mà thánh Phaolô đã nhắc lại trong bài đọc thứ nhất của Phụng vụ hôm nay. Ngài viết : “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được cùng sống với người” (Rm 6,8).

Thập Gía – Sự chọn lựa duy nhất của các môn đệ

Các môn đệ đã bỏ mọi sự để theo Chúa. Tuy nhiên, cho dầu đã được huấn luyện khá kỹ, các Ngài vẫn không thể hình dung ra con đường Thập gía mà Đức Giêsu hằng luôn mời gọi. Sau khi các học trò bộc bạch : “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự để theo Thầy”, Chúa mới từ từ cắt nghĩa để họ dần dần cảm thấu được phương thức trở nên môn đệ cách đích thực. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại việc từ bỏ cách tuyệt đối, và đây là đòi hỏi gay gắt nhất, sâu xa nhất. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác Thập gía mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu phải là tình yêu toàn hảo, không suy tính, không đắn đo hơn thiệt. Cũng vậy, một lần khác Chúa còn mạnh mẽ khuyến cáo : “Ai tra tay cầm cầy mà con ngoái lại phía sau, thì không thích hợp với nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Con đường theo Chúa không thể là con đường nửa vời, theo kiểu bắt cá hai tay. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan đã ghi lại mặc khải Chúa ngỏ cho Hội thánh ở Laodakia : “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Vì ngươi hâm hẩm không nóng cũng không lạnh, nên ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16).

Muốn trở nên môn đệ Chúa, các học trò phải đặt Ngài vào chỗ tối thượng cách tuyệt đối. Họ phải chấp nhận những nghịch lý, nhất là nghịch lý của Thập gía. Đây là điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay.

Cùng chết với Đức Kitô

Theo Chúa là chấp nhận đi vào lộ trình Thập gía. Mầu nhiệm Thập gía luôn hàm ngậm sự tự hủy, và cái chết trên Thập gía là cao điểm của hành trình tự hủy này. Việc từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn, v…v…chỉ là bước khởi đầu, và sự từ bỏ ấy phải đi đến tận căn, tức là từ bỏ ngay cả mạng sống. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các học trò ngày hôm nay : “Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được”.

Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, chết không phải là dấu chấm hết, kết thúc cuộc sống con người một cách vô nghĩa. Cũng như Đức Kitô đã can đảm tiến nhận cái chết nhục nhã để khai mở cho chúng ta một chân trời mới, thì cái chết của những ai tin vào Đức Kitô không phải là một cuộc ra đi nhưng là sự trở về, không phải là sự thất bại chua cay, nhưng là một dấu chỉ vinh thắng. Điều này Thánh Phaolô đã nhắc lại trong thư gửi giáo đoàn Rôma mà Giáo hội đọc lên cho chúng ta trong bài đọc 2 hôm nay : “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được cùng sống với Người. Thật vậy chúng ta biết rằng, một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người”.

Kết luận

Trên giường hấp hối, chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói với các chị em trong cộng đoàn : “Em đang chết, nhưng không phải em chết, mà em đang tiến về cõi sống”. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ khuôn mặt duyên dáng của nữ tu Cécilia Maria dòng Carmêlô trên giường hấp hối (hình bên dưới). Ngày 22 tháng 6 năm 2016, Chị đã chết an bình, đôi môi vẫn còn giữ một nụ cười thật duyên dáng cho dầu chị đang chịu đựng những đau đớn vì căn bệnh ung thư phổi. Sự tươi tắn của chị là dấu chỉ của niềm vui và tình yêu dành trọn cho Chúa Giêsu, như lời thánh nữ Têrêsa đã viết trong cuốn ‘Nhật ký một tâm hồn’: “Ơn gọi của tôi là tình yêu. Tình yêu là tất cả. Ơn gọi của tôi không là gì khác, ngoài tình yêu”.

Văn Hào, SDB

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.