Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người bị quỷ thần ô uế ám ngay trong vùng đất dân ngoại. Đây là vai trò và sứ mạng của Đấng Mêsia. Ngài đến để phá tan thế giới ma quỷ, đẩy lui bóng tối sự dữ và sự chết và dẫn đưa con người vào vương quốc Thiên Chúa, nơi sự sống viên mãn .
Mở đầu chương 5. Thánh sử Maccô nói đến địa hạt Ghê-ra-sa là một vùng đất không thuộc chủ quyền dân Do Thái. Tiếp đó, Ngài miêu tả phong cảnh chôn này là “1 đám mồ mả” “ và 1 kẻ bị thần ô uế ám” ra đón Chúa Giêsu. Chỉ trong hai câu ngắn ngủi, Thánh sử lột tả được vùng đất của tội lỗi và sự dữ, nơi ma quỷ chiếm lĩnh hoành hành. “ kẻ bị thần ô uế ám” là hiện thân của ma quỷ có sức mạnh phi thường “bẻ tan xiềng xích, đập tan gông cùm” và “ không ai kiềm chế được”. Như thế vớ 1 sức mạnh vô địch như vậy, con người đành bó tay và lãnh chịu sự thống trị của ma quỷ. Hơn nữa anh ta lại muốn đi tìm cái chết khi “lấy đá đập vào mình”. Với những hình ảnh rùng rợn ấy, tác giả như muốn vẽ lên bức tranh về thế giới ma quỷ. Đồng thời cũng muốn nói lên nổi thống khổ, đau đớn của con người khi sống trong thế giới ấy.
Bắt đầu từ câu 6, khi Chúa Giêsu xuất hiện, kẻ bị quỷ ám thay đổi tình trạng điên loạn, dữ dằn của mình, hắn chạy lại bái lạy Chúa Giêsu và thốt lên lời tuyên xưng Ngài là vị Thiên Chúa có quyền năng tiêu diệt chúng. Hắn nài xin Chúa Giêsu đừng tiêu diệt và loại chúng ra khỏi vùng đất này ( câu 6-7 ). Chúa Giêsu hỏi tên quỷ. Quỷ trả lời và lại nài xin tiếp. Chỉ trong 1 đoạn văn, mà ma quỷ đã nài xin Chúa đến ba lần đừng xua đuổi chúng (c 7.10.12). Chúng gợi ý và muốn gia nhập vào bầy heo đang ăn bên sườn núi (khoảng 2000 con). Chúa cho phép và bầy heo lao xuống biển, chết ngộp ở đó (c13). Thế là Chúa Giêsu làm trọn vai trò Mêsia của Ngài: diệt trừ ma quỷ và đưa chúng về nơi chốn của chúng (người Do Thái quan niệm: biển cả là thế giới của sự dữ và ma quỷ). Nhưng chúng ta hãy xem tiếp thái độ của từng lớp người, khi đứng trước công việc lạ lùng của Thiên Chúa
1 / Các kẻ chăn heo: bỏ chạy, loan tin và kể lại những việc đã xảy ra…(c 14.16 ). Trước việc kỳ diệu này, họ chỉ biết bỏ chạy, và kể lại mà thôi. Họ không ca tụng Thiên Chúa đã cứu 1 con người thoát khỏi gông cùm của sự dữ. Ngay cả bản thân họ cũng ơ hờ, như không dính dáng gì đến việc này cả. Kẻ bị thần ô uế ám hay được chữa lành cũng chẳng liên quan tới họ. Như một kẻ bàng quan, họ thấy lòng mình cứ trơ ra như “ hạt giống gieo trên vệ đuờng” không có đất nên trở ra héo khô hay bị chim trời ăn mất. Nghĩa là họ chẳng nhận ra thời đại Mêsia đã đến và hầu như họ cũng chẳng mong mỏi giây phút này.
2/ Người Dân trong vùng: đến xem và nài xin Chúa Giêsu rời khỏi họ. (c 14.17). Họ đến xem vì tính hiếu kỳ, tò mò… chứ đâu khao khát tìm hiểu “ điềm thiêng, dấu lạ”. Tệ hơn, họ còn “nài xin” Chúa Giêsu rời khỏi vùng của họ, có lẽ do tổn thất “2000 con heo”. Họ chấp nhận một người bị quỷ ám hơn là 2000 con heo phải bỏ mạng. Họ sợ Đấng Mêsia lưu lại nơi này là của cải vật chất của họ sẽ bị hao tổn, that thoát. “Ngài đến… mà chẳng ai tiếp nhận” ( x. Ga 1,11). Họ không dám đánh đổi tiền tài để nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Họ không nhận ra Chúa Giêsu là vị Cứu Tinh, mà chỉ thấy túi tiền của họ có nguy cơ trống rỗng.
3/ Người bị quỷ ám: nài xin ở với Chúa-ra đi rao giảng
Sau khi được trừ khỏi thần ô uế, anh ta đi theo Chúa Giêsu và muốn ở với Người. Nhưng Chúa Giêsu lại trao cho anh 1 sứ mạng “loan tin về mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào…?” ( c.19 ). Đây là một lệnh truyền cho những ai đã lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Đây cũng là sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mọi Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Ngày nay, sống trong 1 thế giới “ tranh tối, tranh sáng” và cũng có nơi bóng tối đen dầy đặc, người Kitô hữu chúng ta suy nghĩ gì trước lệnh truyền của Thầy Giêsu. Vị truyền giáo đầu tiên và gương mẫu cho chúng ta? Ngài đã đối đầu với sự dữ và chinh phục được nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa thêm sức và đồng hành với chúng ta. Để chúng ta đủ can đảm làm chứng và loan báo Tin Mừng Nước Trời đến mọi ngõ ngách tăm tối của cuộc đời./.