Chiêm ngắm thánh giá của Đấng đã phục sinh như thế nào?

Nhập nguyện

Xin cho con biết chiêm ngắm thánh giá của Đấng đang sống vì đã phục sinh và biết sống mầu nhiệm này.

Suy chiêm

  1. “Đức Giê-su còn hấp hối cho đến tận thế, không thể để Người cô đơn được” Pascal.
  2. Có thực Đức Giê-su còn hấp hối cho đến tận thế không? (1).

Cơn hấp hối và cái chết trên thập giá vẫn chưa chấm dứt. Pascal đã viết: “Đức Giê-su còn hấp hối cho đến tận thế, không thể để Ngài cô đơn được”. Trong từng chi thể nhân loại, Đức Ki-tô tiếp tục cuộc khổ nạn vinh hiển của Ngài … Ở đâu còn có người đau khổ, ở đó Chúa còn hấp hối và Thập Giá của Ngài còn sống động để thực hiện công trình cứu độ. Bạn không phải là duy nhất tháp tùng Đức Giê-su trong Vườn Cây Dầu và lên Núi Sọ: bạn hiệp thông với cả hoàn vũ, với sự đau khổ của nhân loại trong không gian và thời gian, đau khổ cá nhân bạn chẳng đáng kể là bao.

  1. Bạn có thể thờ ơ khi Chúa Giê-su vẫn còn đau khổ, các chi thể khác vẫn còn khổ đau hay không? (2-3).

Toàn thể thụ tạo rên xiết vì bị lệ thuộc vào tội lỗi và sự hư ảo. Nếu bạn không sống vô trách nhiệm, nếu bạn không quá yêu chuộng thế gian với những cái hào nhoáng làm hoa mắt, bạn không thể dửng dưng trước những tiếng rên xiết của thế giới nhân loại này: sự đau đớn càng sâu sắc khi con người ý thức được số phận của mình. Đức tin không cho phép tôi vô cảm, tôi cần phải nghiệm là “chúng ta cũng như toàn thể thụ tạo rên rỉ”.

Kinh nghiệm Ki-tô hữu bao gồm sự phiền muộn vì những đau khổ của nhân loại, sự thông hiệp vào nỗi ai oán của kiếp người. Yếu tố phiền muộn đã phải sâu đậm nơi bạn. Cũng như nơi anh chị em khác, bạn đặt câu hỏi, vẫy vùng, kinh nghiệm cái chết. Nghĩ tới đau khổ chồng chất nơi con người, nhớ tới những nét mặt đau thương, bạn nhận ra thập giá Đức Giê-su cắm sâu giữa lòng thế giới.

  1. Phải cầu nguyện thế nào?
  2. Phải quan niệm về sự rên xiết của nhân loại như thế nào? (6).

Không phải mọi rên xiết đều giống nhau: có những người rên xiết vì bị đè bẹp, thất thế, đang qua cơn hấp hối. Có những người rên xiết loan báo sự sống như người đàn bà sinh con. Bạn có thể tin chắc rằng những đau khổ bạn chấp nhận bây giờ báo hiệu một sự sống mới. Bạn là con Thiên Chúa, nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy, có Thánh Linh ngự đến sống nơi bạn.

  1. Phải cầu nguyện thế nào trước sự rên xiết của con người (4-5).

Trong cầu nguyện, bạn van xin Chúa Ki-tô thương xót những người chìm đắm trong cảnh khổ, Ngài đã đảm nhận “ra tay tế độ vớt người trầm luân”. Cùng với Chúa Ki-tô, bạn dâng lên Cha hiến lễ Tạ ơn, cùng với Ngài, dâng cơn hấp hối và hy lễ Núi Sọ. Khi chịu đau khổ với Chúa Ki-tô, bạn được vinh hiển với Ngài. Đời sống Ki-tô hữu là một kinh nghiệm đau thương và vinh hiển, một kinh nghiệm Phục sinh với Đức Ki-tô.

Thánh Phao-lô quả quyết: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Đau khổ và vinh quang không tỉ lệ với nhau, nhưng liên đới với nhau trong một tương quan nội tâm. Chính ở tâm điểm của sự chết mà sự sống nảy sinh, ta vượt qua đau khổ nhờ chiến thắng của Chúa Ki-tô.

  1. Phải sống ra sao? (7).

Mỗi ngày bạn phát sinh sự sống của con Thiên Chúa: thân xác bạn, mọi năng lực gắn liền bạn với nhân loại và hoàn vũ cùng nối liền bạn với Thiên Chúa. “Hiện giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được hiển hiện” (1Ga 3,2). Thần Khí của Thiên Chúa còn phải thấm nhập cả hữu thể bạn và cả hoàn vũ này. Ơn cứu độ toàn diện đang được thể hiện. Con người mới phải sinh ra mỗi ngày trong đau khổ. Tiếng rên xiết của bạn được hòa với tiếng rên xiết của Chúa Ki-tô, hiến dâng thân xác, chịu đau khổ, nhưng mầm mống chiến thắng đã đâm chồi nẩy lộc rồi.

    1. Suy chiêm Rm 8,18-27.

8:18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.
8:19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.
8:20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy
8:21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.
8:22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.
8:23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.
8:24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?
8:25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.
8:26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.
8:27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

linhthao.net

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.