TUÂN GIỮ LỜI CHÚA

Qua bài Tin Mừng, giúp ta tìm hiểu hai vấn đề:

1- Tuân giữ Lời Chúa.

2- Tìm hiểu sứ mạng của Đức Kitô.

1. TUÂN GIỮ LỜI CHÚA

Người tuân giữ Lời Chúa là người mến yêu Chúa, họ luôn muốn đáp lại tình yêu Chúa đã chọn gọi, họ sống hiệp thông và lưu lại trong tình yêu Chúa, họ muốn tuân giữ Lời Người, sống theo đường lối của Người và Người sẽ ra tay bênh đỡ họ (TV 37, 5). Họ như những người con ngoan vâng lời, làm theo những điều cha mẹ dạy bảo. Những người con ấy không khi nào bị cha mẹ ruồng bỏ, trái lại, họ được ấp ủ,  thương yêu và giáo dục để trở nên những người tốt. Mặc dù cha mẹ phải vất vả, lam lũ, ngay cả đến phải mất mạng sống để cho con mình được sống. Cũng thế, Thiên Chúa dựng nên con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc với Người. Người luôn khát khao mong mỏi và chờ đợi họ trở nên hoàn thiện. Ngài chuẩn bị cho họ từ thuở đời đời. Mỗi người sinh ra đều nằm trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu thương những ai tuân giữ lời Người, Người không những yêu, mà còn đến cư ngụ trong họ. Chúa Kitô mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi  đến lập cư trong lòng họ (Ga 14, 23).  Họ được nên một với Chúa trong ý nghĩ, hành động.  Những điều Chúa muốn cũng là điều họ muốn.  Mặc dù cuộc sống gặp  nhiều gian chuân thử thách, họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Mọi sự xảy đến, đều trở nên tốt lành cho những người yêu mến Chúa. Tình yêu luôn phải được chứng minh bằng hành động, bằng những hy sinh ngay cả đến mất tính mạng, như các thánh đã trở nên chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.  

Sẽ không phải chết: Chết có hai mặt diện, chết của thân xác và chết phần linh hồn (tình trạng mất ơn nghĩa cùng Chúa). Chết thân xác, chỉ là sự đổi thay chứ không mất đi. Lời Chúa nói ở đây ám chỉ về sự không phải chết phần linh hồn. Trong kinh Tin Kính người tín hữu tuyên xưng xác loài người ngày sau sống lại. Người tuân giữ Lời Chúa sẽ không phải chết đời đời. Cũng như Đức Kitô, chết là cởi bỏ chiếc áo thể xác, mặc lấy Đức Kitô trong vinh quang Thiên Chúa. Chết là giây phút yên nghỉ trong vòng tay yêu thương Thiên Chúa (I Tx. 4, 14).

2. TÌM HIỂU SỨ MẠNG ĐỨC KITÔ

Khi muốn tuân giữ điều gì, thường chúng ta nghiên cứu tìm hiểu rõ ràng về điều ấy.  Vậy những điều ấy phát xuất từ ai ? Để tuân giữ Lời Chúa, chúng ta cũng cần phải học hỏi Lời Chúa và tìm hiểu Đức Kitô.

Nếu không được ơn Trời ban cho, không ai có thể hiểu đúng  về sứ vụ của Đức Kitô. Do đó, đến với Đức Kitô, tìm hiểu về Người, trước tiên cần cầu xin với Chúa Cha lôi kéo chúng ta đến với Đức Kitô. Xin với Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng hướng dẫn chúng ta, giúp ta yêu mến hiểu biết và tuân giữ lời Người. Khi chúng ta cầu nguyện với lòng khao khát ước mong tìm gặp Ngài, Ngài sẽ tự mặc khải chính mình cho chúng ta.

–         “Chúa cư ngụ trong tôi, nhưng tôi lại cứ chạy đi tìm Người ở bên ngoài tôi”. Đó là điều thánh Augustinô đã bị lầm và trong bài Tin mừng hôm nay, Pharisêu cũng bị lầm như vậy, qua cách nhìn bên ngoài về Đức Kitô hiện diện giữa môi trường sống của họ. Họ chỉ có thể nhận xét:

–         Đức Kitô con ông Giuse làm nghề thợ mộc và bà Maria cùng là người họ hàng ở trong cùng lối xóm với họ.

–         Đức Kitô chưa đầy 50 tuổi mà ông đã thấy Abraham !… Qua đó, họ kết án Ngài là kẻ nói phạm thượng, tự tôn vinh chính mình ngang hàng với Thiên Chúa, là người bị quỉ ám. Vì họ không thể nào hiểu được sứ mạng Thiên Sai bí mật của Đức Kitô đang được Ngài dấu kín cho đến ngày Ngài phục sinh trong vinh quang Nước Thiên Chúa.

–         Trong đời sống hằng ngày, đôi khi chúng ta cũng bị rơi vào tình trạng nhận xét về tha nhân theo dáng vẻ bên ngoài, đưa ta tới chỗ sai lầm, chỉ vì những ý tưởng trong ta không được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa. 

Kế đến là lắng nghe giáo huấn của Giáo hội hướng dẫn ta yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.

Giáo Hội là mẹ hiền thay Đức Kitô dưỡng dục đời sống đức tin các Kitô hữu. Nhờ những qúa trình học hỏi giáo lý theo từng lứa tuổi, ngày nay chúng ta được hiểu rõ phần nào sứ mạng Cứu Thế của Đức Kitô. Nhưng để trở thành Môn đệ của Ngài, ta hãy sống thực hành Lời Chúa trong cuộc sống như Giáo hội mong muốn.

Các Lời khuyên Phúc âm tóm gọn trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, Sáu điều luật Hội Thánh…Là người Kitô hữu đúng nghĩa theo Hội Thánh mong muốn ngày nay, không chỉ là  chu toàn bổn phận phụng vụ, sống bác ái, tham gia mọi tổ chức trong giáo sứ…mà còn phải biết tìm tòi học hiểu sâu rộng về những mầu nhiệm Thiên Chúa đã mạc khải. Để qua sự hiểu biết sâu rộng ấy, họ mới có thể trở nên nhân chứng cho Đức Kitô và giới thiệu Ngài cho những người khác trong môi trường sống của họ.

“Họ đã lượm đá ném Ngài, nhưng Đức Kitô ẩn mình mà ra khỏi Đền thờ.” Rất nhiều trường hợp người Pharisiêu tìm cách sát hại Đức Kitô, nhưng giờ của Ngài chưa đến. Những sự kiện Chúa ẩn mình biến mất trước mặt họ mà đi đã xảy ra nhiều lần, nhưng không đủ làm cho nhóm Biệt phái và Pharisiêu nhìn nhận ra Ngài là ai ?

Nếu chúng ta có con mắt của Chúa Kitô, chúng ta sẽ nhận ra anh chị em sống chung quanh ta là chi thể Đức Kitô, chúng ta sẽ yêu mến họ như Đức Kitô mong muốn. Nếu vì lý do hiểu lầm nào đó, chúng ta làm hại anh em, Chúa sẽ bênh đỡ họ như đã bênh đỡ Đức Kitô, Con Một yêu Dấu của Người.

 Đan Viện Đa Minh

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.