Thập giá của con nặng quá!

Có một người ngoài Kitô giáo đã chỉ vào Thánh Giá và hỏi rằng: “Tại sao người Công giáo thờ một hình tượng ghê rợn và thê thảm như vậy?” Quả thật, đối với người đời thì hình khổ Thập Giá là một điều đáng kinh hãi. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại coi đó là phương thế duy nhất dẫn đến sự sống. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Đám đông nói Thầy là ai?” ông Phêrô tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Chắc hẳn khi nói câu này, ông Phêrô nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ dùng quyền uy của Đấng Thiên Sai để tái lập thịnh vượng cho đất nước Do Thái. Nhưng trái với điều ông nghĩ, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết trước Người sẽ hoàn thành sứ mạng Thiên Sai bằng con đường đau khổ và Thập Giá.

Thích sướng ngại khổ, tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Ai lại chẳng muốn đời mình xuôi chèo mát mái, khỏi phải đương đầu với gian nan trắc trở. Là Kitô hữu, chúng ta cũng không ra ngoài tâm trạng đó. Nhiều khi chúng ta muốn sống đạo một cách khỏe khoắn, không phải nhọc công gắng sức, không phải hy sinh khổ chế. Chúng ta mong ước quê Trời, và chúng ta cũng mong ước đường lên quê Trời cho thật êm ả! Lời Chúa ngày hôm nay đánh thức chúng ta khỏi tâm trạng cầu an đó. Lời đầu tiên mà Chúa Giêsu muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta trong mùa Chay năm nay là: “Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

Qua lời mời gọi trên đây, Chúa Giêsu muốn chúng ta xét lại cách chúng ta vẫn sống đạo hàng ngày:

– Chúng ta có thật sự sống theo tinh thần Tin Mừng không hay chúng ta chỉ là những Kitô hữu trên danh xưng?

– Chúng ta có thật sự sống chết vì đức tin không, hay đức tin cũng chỉ là một thứ gia vị thêm vào trong cuộc sống của chúng ta?

Hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta lựa chọn và xác định lại lập trường của mình trong việc sống đạo. Người muốn chúng ta có một quyết định dấn thân quyết liệt và dứt khoát, chứ không chỉ giữ đạo ngoài đầu môi chót lưỡi, hoặc giữ đạo theo thói quen. Người muốn chúng ta thật sự lên đường theo Người tiến về quê Trời.

Tiếp theo lời mời gọi lên đường, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta các điều kiện để vững vàng tiến bước. Người đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

Người ta kể một câu chuyện vui như sau: Có một người nọ than vãn với Chúa Giêsu rằng cây thập giá mình đang vác nặng nề quá, còn những cây thập giá của một số người khác thì lại nhẹ nhàng hơn. Chúa Giêsu bảo người ấy đem cây thập giá kia vào kho, rồi cho người ấy tự do lựa chọn một cây khác thích hợp với mình. Sau một thời gian lựa chọn, người ấy chọn được cây thập giá ưng ý và hí hửng đem tới khoe với Chúa Giêsu. Ngài mỉm cười và nói: “Đây chính là cây thập giá mà con đã bỏ vào kho hồi nãy!”

Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, con người đánh mất niềm an vui hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho thuở ban đầu. Vì phạm tội, con người bị đuổi khỏi vườn địa đàng, là nơi họ được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Ở ngoài vườn địa đàng, con người phải tự lực cánh sinh. Đàn ông phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để có cơm ăn áo mặc. Đàn bà phải mang nặng đẻ đau để lưu truyền nòi giống. Kể từ đó, con người phải liên tục đối đầu với những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống. Đau khổ và thập giá là hậu quả của tội lỗi. Con người tìm mọi cách, nhưng không tài nào thoát ra được. Nếu Thiên Chúa không ra tay cứu vớt thì nhân loại phải muôn đời sống trong khổ ải.

Vì yêu thương, Đức Giêsu Kitô đã xuống thế làm người. Ngài đã mang lấy thân phận con người như chúng ta, để chia sẻ những đau khổ và thập giá của chúng ta. Sau cùng, Người đã dùng chính cái chết và sự sống lại của mình để đánh bại tội lỗi và sự chết. Nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu, đau khổ và Thập Giá mang một ý nghĩa mới. Vất vả cực nhọc vẫn còn đấy. Nhưng chúng không đè bẹp được những ai tin vào ơn cứu độ của Người. Trái lại, chúng trở nên những cơ hội giúp con người thanh luyện và thăng tiến bản thân. Như một vận động viên leo núi, để lên cao, người ấy phải tốn nhiều sức lực và mồ hôi, có khi còn kèm thêm máu và nước mắt. Nhưng đổi lại, người ấy được hưởng niềm vui chinh phục đỉnh cao. Nếu ngại khổ ngại khó, người ấy sẽ đứng mãi dưới chân núi mà ôm ấp giấc mộng không thành!

Cuộc sống đạo của chúng ta cũng tương tự như thế. Để theo chân Đức Giêsu tiến lên đỉnh Canvê, chúng ta cũng phải trải qua bao gian lao vất vả. Hành trình đức tin là một hành trình leo ngược lên con dốc sa ngã mà ngày xưa tổ tông chúng ta đã lao xuống. Con đường đi lên đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng. Có khi phải chấp nhận tủi nhục, phải gánh chịu thiệt thòi. Thoạt nhìn từ bên ngoài, thập giá mà mỗi người chúng ta đang vác đôi khi nặng nề quá sức mình, và đôi lúc có vẻ phi lý. Thế nhưng câu chuyện vui mà chúng ta vừa nghe trên đây nhắc chúng ta nhớ rằng: những gian khổ mà chúng ta phải trải qua chính là những phương tiện thích hợp giúp chúng ta nên thánh. Chúa không trao cho chúng ta những thập giá vượt quá sức của chúng ta.

Khi trao thập giá, Người luôn ban cho chúng ta các ơn cần thiết giúp chúng ta vác được nó mà đi theo Người. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, ấy là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của chúng ta thôi. Chúa Giêsu biết rõ điều này nên Người dạy chúng ta phải từ bỏ chính mình trước đã rồi mới vác thập giá. Khi từ bỏ chính mình, chúng ta sẽ cậy dựa vào Chúa, sẽ bước đi dưới sự nâng đỡ của Chúa. Nhờ ơn phù trợ ấy, chúng ta sẽ vác được thập giá của mình và mạnh dạnh theo Chúa lên đỉnh đồi Canvê, can đảm chịu đóng đinh với Người để được cùng sống lại với Người.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, đứng trước thập giá, ai mà không ngại ngùng run sợ. Có ai dám tự hào là mình sẽ hiên ngang vui vẻ vác lấy nó? Chúa biết rõ chúng con là con người yếu đuối, hay ngại khổ ngại khó. Xin Chúa ban cho chúng con ơn can đảm và quảng đại, để con hăng hái vác thập giá hằng ngày mà tiến bước theo Chúa. Xin Chúa cho chún con hiểu và sống lời Chúa dạy: “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Amen.

quelle:Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.