BỎ HẾT! BỎ HẾT!

Chúa ơi, từ bỏ là gì? Con phải từ bỏ những gì? Tại sao con phải từ bỏ mọi sự để có thể trở thành môn đệ Chúa?

Chàng thốt lên những câu hỏi ấy sau khi đọc Lời Chúa hôm nay (Lc 14,25-33). Lời Chúa đánh động tâm trí chàng, khơi dậy trong chàng những băn khoăn, ưu tư.

Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được….

Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Những lời ấy nhẹ nhàng rót vào tâm trí chàng. Chàng đọc thật chậm, từng chữ, từng câu như muốn nhấm nháp từ từ hương vị của rượu ngon mật ngọt. Những câu chữ in trên giấy lại hóa ra sống động lạ lùng. Chúng tỏ hiện bằng thứ âm thanh trầm bổng ngân vang trong tâm hồn chàng. Chúng phô diễn sức mạnh nó đánh bật các tư tưởng thầm kín trong tâm trí chàng.

Từ bỏ có phải là hành vi “dửng dưng”, chẳng thiết tha gì với “những sự trên đời”? Nhưng nếu mình không còn thích cái gì nữa nên mới bỏ nó, thì liệu đó có phải là từ bỏ đích thực? Chàng nghĩ đây là thứ từ bỏ nó làm cho chàng có thái độ xa lánh đời, xem đời là “cớ vấp phạm”. Bởi lẽ, nếu chàng chẳng còn ham muốn thiết tha chi với đời thì chàng bỏ “cái gì”? Bỏ đời ư? Vậy thì chàng chỉ còn cách sống một mình. Nhưng chẳng ai là “hòn đảo” cả. Người ta ai cũng cần có những mối tương quan với tha nhân, ai cũng cần những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống bản thân. Cho nên, chàng không thể nói là “bỏ đời” được.

Thế thì từ bỏ có phải là việc tách bản thân ra khỏi những gì níu kéo mình khỏi tiến bước? Nếu vậy, làm sao con ý thức những gì cản trở con, đè nặng con, làm cho con không thể theo Chúa? Có những thứ trước đây con rất quan tâm, nhưng nay con có còn thiết tha nữa? Có những người năm xưa con bị cuốn hút, nhưng nay hình bóng họ có trở nên lạt phai trong tâm trí con? Phải chăng đó cũng là một dạng “bỏ”? Bây giờ, con hãy liên tưởng đến hình ảnh của kẻ phải mang hành lý nặng nề đi trên một đoạn đường dài. Nếu con là kẻ ấy thì con có muốn bỏ bớt thứ gì đó để đôi vai đỡ đau nhức, để bước chân đỡ mệt mỏi, để đôi tay được thảnh thơi? Muốn vậy, con phải làm gì? Nhất định, con phải xem coi hành lý của con có những gì là cần thiết, những gì cồng kềnh không cần thiết. Khi con nhận ra rằng con đã mang những thứ vô dụng, chỉ khổ xác thân, liệu con có sẵn lòng bỏ những thứ ấy? Nếu không, con sẽ phải lê bước trên đường như con lừa khổ sở bước đi ì ạch.

Vậy còn từ bỏ gia đình, của cải và cả mạng sống mình để theo Chúa? Có nhất thiết phải từ bỏ mọi sự thì mới có thể theo Chúa? Bỏ mọi sự là không còn gì. Nhưng mình sợ mất tất cả. Mình sợ “cái không” : không nhà, không gia đình, không tài sản, không tri thức, không quyền lực, không mạng sống… Phải chăng mình phải “hóa không” thì mới trọn vẹn theo Chúa, mới có thể trở thành môn đệ của Chúa?

Hãy hình dung con đang đi trong đêm tối có ánh trăng soi đường. Lúc ấy, con tiếp tục đi hay con chỉ thích ngắm ánh trăng? Nhưng nếu con tiếp tục đi giữa đêm tối, vậy con nhìn bóng hình con in trên đường hay con nhìn thẳng vào khoảng trống mờ ảo sáng tối? Nếu con nhìn ánh trăng mà không chịu đi qua đoạn đường tăm tối thì con sẽ có nguy cơ bị nhiễm lạnh sương đêm. Nhưng nếu con đi mà chỉ nhìn ngắm bóng hình con thì con có nguy cơ bị thú rừng rình rập vồ xé. Hai cái nhìn ấy đều đưa đến tự sát. Thế nên, từ bỏ mọi sự không phải là nhìn ánh trăng mà quên đường đi, cũng không phải là nhìn bóng mình mà trốn tránh đêm đen. Từ bỏ mọi sự là nhìn thẳng phía trước, nhìn con đường mình đang đi, dù cho ánh trăng sáng đẹp, dù cho bóng hình mình siêu vẹo. Cũng vậy, con không thể trở thành môn đệ của Chúa nếu tình cảm gia đình làm cho con quyến luyến, như con thích ngắm nhìn ánh trăng. Con cũng không thể theo Chúa nếu con muốn bỏ gia đình chỉ vì gia đình con không yên ấm, không hạnh phúc… Làm như thế, con vẫn còn “vướng mắc”, hành lý của con vẫn còn nặng.

Cuộc đối thoại nội tâm làm cho chàng cảm thấy nhẹ nhàng. Giờ cầu nguyện của chàng biến thành giờ hỏi đáp. Chàng hỏi chàng về những vấn đề liên quan đến chàng. Chàng suy nghĩ để trả lời những vấn đề ấy. Chàng hài lòng lắm, bởi vì chàng “thu hoạch” được ít nhiều tư tưởng về sự từ bỏ. Ngày nào chàng cầu nguyện chiêm niệm mà không có “sinh hoa kết trái” tư tưởng nào thì chàng cảm thấy thất vọng, chán chường. Đúng hơn, chàng không thể hình dung ra một giờ cầu nguyện mà không có ý tưởng nào. Chàng rất chú ý đến tác động suy tưởng, đến kết quả suy tư. Cho nên, suy niệm mà không có tư tưởng là suy niệm thiếu hoa trái. Và chàng sợ bị tra hỏi là tại sao chàng lại để hoang phí giờ suy niệm ấy. Khi nỗi sợ ấy trỗi dậy, chàng bỗng nhiên tự hỏi “Từ bỏ mọi sự để làm gì? Để theo Đức Kitô ! Vậy mình có muốn làm môn đệ của Đức Kitô không?”.

Câu hỏi ấy khiến lòng chàng hụt hẫng. Chàng không tìm được chỗ bám víu. Chàng cảm thấy như đang chơi vơi trên không. Đã bao năm nay, chàng học nhiều về Đức Kitô, chàng nghe nói nhiều về Ngài, chàng tìm đọc những gì liên quan đến Ngài. Nhưng chưa bao giờ chàng hỏi lòng có muốn trở thành môn đệ của Đức Kitô. Dường như bao năm qua, chàng theo Đức Kitô không phải để trở thành môn đệ Ngài. Chàng muốn trở thành “ai” khác, chứ không phải “môn đệ của Đức Kitô”. Có lẽ chàng học biết về Đức Kitô chỉ để dìm mình trong cái nắng ấm áp của bờ biển thay vì vượt sóng ngàn khơi để hoàn thành lý tưởng theo Chúa. Chàng ngại ngùng, sợ biển sóng hay sóng biển lòng chàng khiến chàng trùng bước? Ý nghĩ ấy tỏ cho chàng biết con người thật của chàng. Con người ấy khiến chàng xấu hổ. Thì ra chàng chưa “bỏ” gì hết huống chi để trở thành môn đệ của Đức Kitô. Nhưng cảm thức xấu hổ ấy lại giúp chàng nhìn nhận rằng chàng yếu đuối biết bao. Bởi vậy, chàng thì thầm với Chúa lời nguyện này :
“Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?
Nào có ai hiểu được Ðức Chúa muốn điều chi?
Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.
Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng?
Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Ðức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh?
Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Ðức Khôn Ngoan mà được cứu độ.” (Khôn Ngoan, 9,13-18)

Đọc xong lời nguyện, chàng thấy lòng an bình. Thứ an bình thật sâu. Thứ an bình ấy đến với chàng không phải vì chàng đã trút bỏ hết mọi sự. Đúng hơn, nhờ sự bình an sâu lắng này mà chàng biết từ bỏ. Đó là Bình An của Đức Khôn Ngoan. Nhờ Đức Khôn Ngoan, chàng có thể từ bỏ mọi sự mà không cảm thấy “trằn trọc băn khoăn”, mà không tiếc nuối, mà không suy tính mình được gì hay mất gì. Giờ đây, chàng sẵn sàng bước đi theo Chúa để trở thành môn đệ của Ngài bởi vì Ngài đã yêu thương mà ban đức khôn ngoan là bình an cho chàng.

Trí Dũng

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.