Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng. Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33). Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy, vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng. Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị. Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18), đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33), trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại. Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30). Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình. Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình, Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc, mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh. Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người. “Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36). Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ