Matthêu 5, 1-10
“Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống và các môn đệ đến gần bên Ngài. Bấy giờ Ngài mở miệng và dạy họ rằng:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Nước Trời là của họ!
Phúc thay ai hiền lành: họ sẽ được đất!
Phúc thay ai than khóc: họ sẽ được an ủi!
Phúc thay ai đói khát sự công chính: họ sẽ được no đủ!
Phúc thay ai xót thương: họ sẽ được thương xót!
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa!
Phúc thay ai xây dựng hòa bình: họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!
Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính: Nước Trời là của họ!”
Đoạn Phúc Âm nầy ở đầu “Bài Giảng Trên Núi”. “Tám Mối Phúc Thật” thường được gọi là “Hiến Chương Nước Trời.” Trong những điều Phước Hạnh, Chúa Giêsu cho thấy bản chất sự hạnh phúc đích thực cũng như sự chúc phúc của Thiên Chúa như thế nào. Giáo huấn của Ngài được khắc ghi trong truyền thống Thánh Kinh theo đó sự khôn ngoan và hạnh phúc đi đôi với nhau. Tiếng Hy-Lạp “makarios” có ý nghĩa “vừa được chúc phúc vừa phước hạnh” nữa.
Trong tám mối Phước Hạnh đó, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy bản chất đích thực của sự an sinh con người. Những điều Phước Hạnh có tính cách nghịch lý đó diễn tả một sự cách mạng luân lý trong bản chất con người chưa được hoàn thành. Vì vậy Nước Trời vừa “ở đây” vừa “sẽ tới”.
1.- “Tâm hồn nghèo khó” ám chỉ những người nghèo nàn về của cải vật chất mà Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng đề cập tới sự nghèo nàn tâm linh, tức thân phận làm người phải tùy thuộc vào Thiên Chúa. Khi chúng ta biết rằng chúng ta không thể tự thỏa mãn được mà phải liên thuộc và trách nhiệm lẫn nhau, lúc đó chúng ta có “tâm hồn nghèo khó”. Trong ý nghĩa đó, từ ngữ nầy cũng biểu thị những thái độ không sở hữu của cải vật chất và không dính bén vào bất cứ sự vật nào.
2.- “Ai than khóc” được chúc phúc bởi vì họ phải đương đầu với tình trạng ly cách chủ yếu khỏi Thiên Chúa trong thế giới hiện thực. Ở đây sự đớn đau không thuần túy ám chỉ sự đau khổ ngoại tại mà còn chính bản chất của thân phận con người khổ đau trên hành trình hoàn thiện. Sự an ủi là trạng thái cứu rỗi hay giải thoát.
3.- “Những người hiền lành” sẽ thừa kế gia nghiệp đất đai. Sự bất bạo động là một phương cách tuyệt hảo để chiến thắng sự dữ. “Đất đai” không nhất thiết ám chỉ cuộc sống hiện tại ở đời nầy. Sự dữ luôn luôn tự hủy hoại. Điều thất bại của sự dữ hệ tại ở chính sự hữu hạn của nó. Sự hiền lành dịu dàng vượt thắng vì mang tính chất vô hạn.
4.- “Yêu mến điều công chính” đem lại hạnh phúc. Sự công chính mang ý nghĩa kết hợp ý muốn con người với ý muốn Thiên Chúa. Sự công chính không thể tách lìa với lòng mẫn cảm thi thố trong cuộc sống.
5.- Những người mà chúng ta thực lòng “xót thương” đến lượt họ sẽ trở thành những kẻ thương xót người khác. Hai kiệt tác về lòng thương xót được đề cập tới trong Phúc Âm bao gồm việc bố thí cho người nghèo và tha thứ cho kẻ thù địch.
6.- Những người có “tâm hồn trong sạch” sẽ thấy Thiên Chúa. Sự trong trắng của tâm hồn bao gồm ở chỗ nhìn xem thực tại như đang xảy ra, không chút bi méo mó hay biến dạng bởi lòng vị kỷ. Điều nầy khác với đức khiết tịnh phát xuất từ lời khấn của tu sĩ và cũng khác với sự “trong sạch luân lý” theo ý nghĩa thông thường.
7.- “Những người xây dựng hòa bình” là con cái Thiên Chúa. Sự hòa giải những kẻ địch thủ là một công trình của Kitô hữu thường được Phúc Âm khuyến khích. Những tác nhân kiến tạo hòa bình đó đã thông phần với bản tính Thiên Chúa như Thánh Phê-rô đã nói trong một Thánh Thư của ngài, bởi vì bản tính của Thiên Chúa là mang lại hòa bình và hợp nhất ở nơi nào mà sự bất hòa và chia rẽ thống trị.
Trong câu kế tiếp, tín đồ được đảm bảo là “sự đau khổ mà họ chấp nhận vì Chúa Giêsu” sẽ được phần thưởng lớn lao. Ở đây Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ. Sự đau khổ của cá nhân Kitô hữu được hội nhập với Ngài một cách riêng tư. Những Kitô hữu đầu tiên cũng là một cộng đoàn bé nhỏ bị bách hại.
Sau cùng, Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ tầm vóc quan trọng của họ trong trần thế – đó là trở nên “muối” trong cuộc sống hiện thực và “ánh sáng” của chân lý. Sứ vụ của họ phải được người đời nghe và thấy qua những công việc phát xuất từ con tim nhân hậu.
Trích conggiaovietnam.net