HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ ĐỨC KITÔ

Đức Kitô sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, tiếp nối và phát huy sứ mệnh của Ngài, họ phải ghi nhớ và sống những Lời Thầy Giêsu căn dặn:

1- Trước nhất phải lưu ý thực hành Lời Đức Giêsu dạy “Hãy cầm gậy trong tay” (Mc 6,8a): Gậy các môn đệ phải có trong tay chính là Lời Thiên Chúa các ông phải nắm vững và thi hành. Bởi vì “Lời Chúa phán ra là cây gậy đánh cường bạo” (Is 11,4b – Bản dịch NTT); thực vậy, người Tông Đồ Đức Giêsu chỉ dựa vào Lời Chúa mới có khả năng phục vụ hữu hiệu và được bình an, như lời Kinh đọc: “Cây gậy Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23/22,4). Bởi thế “con chẳng lìa xa điều Ngài quyết định, bởi chính Ngài chỉ giáo cho con. Theo lời hứa của Ngài, xin cho con vững bước, chớ để sự gian tà chế ngự được con” (Tv 119/118,102.133).

Sau đó mới lưu ý thực hành các chỉ thị khác: “Không mang bánh, bao bị, tiền vặn thắt lưng” (x Mc 6,8b):

2- Không mang bánh: Đi truyền giáo không lo lấy gì mà ăn, mà uống, mà mặc, chỉ lo làm vinh danh Thiên Chúa, còn về lương thực đi tới đâu người ta cho cái gì thì dùng cái đó, vì “làm thợ thì đáng được công” (Lc 10,7-8). Ai hết lòng lo việc Nước Thiên Chúa, những sự khác Chúa sẽ ban thêm sau (x Mt 6,33). Cụ thể giáo đoàn Galat chẳng tiếc ông Phaolô điều gì, nếu có thể họ đã sẵn sàng móc mắt dâng (x Gl 4,15); Luật Do Thái quy định: dòng tư tế Lêvi được chia 48 thành làm nơi cư ngụ, cùng với đồng cỏ thuộc các thành ấy (x Ds 35,7). Tuy nhiên Chúa phán với tư tế Aharon: “Đất chia cho chúng ngươi không có phần, ngươi không có phần gia nghiệp. Chính Ta là gia nghiệp của ngươi. Thuế thập phân Israel dâng cho Ta, con cái Lêvi sẽ được hưởng, vì dòng họ Lêvi có công phục vụ nơi Ta cư ngụ (Lều Hội Ngộ)” (x Ds 18,20-24). Chính Chúa cũng đã hứa: “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế” (Gr 31,14). Nhất là người môn đệ cần phải ý thức rằng khi làm tròn bổn phận Chúa trao chính là lương thực nuôi sống mình, như Đức Giêsu đang lúc đói khát, Ngài nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

3- Không bao bị: Người Tông Đồ chính là người quản lý trung trực của Thiên Chúa, bất kỳ lúc nào Chúa đến cũng gặp thấy đang chia sẻ đúng lúc phải thời (x Lc 12,42). Bởi thế không mang bao bị để thu tích của cải cho riêng mình.

4- Tiền không vặn thắt lưng: Làm việc tôn giáo không phải thương mại kiếm lời, hãy bắt chước ông Êlysa từ chối không nhận quà của ông Naaman, dù ông Naaman đã được ngôn sứ Êlysa chỉ cho đi tắm sông Giodan để được khỏi bệnh cùi (x 2 V 5,1-16). Chính vì vậy mà thánh Tông Đồ nói: “Đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1Cr 9,18).

5- Chân đi dép (x Mc 6,9a): Sẵn sàng lên đường để lãnh đạo mọi người thoát nô lệ tội lỗi, giống như ông Môsê nói với dân: Mỗi người hãy xỏ chân vào dép và mau mắn theo ông lên đường thoát ách nô lệ Ai Cập (x Xh 12,11).

6- Không mặc hai áo (x Mc 6,9b): Đó là người sống đơn giản, như Đức Giêsu nói với chị Matta đang lo lắng, bận rộn việc phục vụ bữa ăn: “Cần thì ít thôi” (Lc 10,42), để có điều kiện chia sẻ, như ông Gioan Tẩy Giả là mẫu người sống đơn giản: “Mặc áo da thú, ăn châu chấu và mật ong dại” (Mt 4,3), nên ông có lý để khuyên những người đến với ông: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có,và kẻ có của ăn cũng hãy làm như thế” (Lc 3,11). Bởi vì “giàu có, của cải lấp mắt không nhận biết Chúa” (Cn 30,8).

7- Vào nhà nào hãy lưu lại đó cho đến lúc đi ra khỏi nơi ấy (x Mc 6,10): Thánh Phaolô nhắc lại ý Chúa: “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng” (1Cr 9, 13-14). Bởi vì đi loan báo Tin Mừng là làm phát triển Nước Thiên Chúa, mà “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống” (Rm 14,17), nên không lân la từ nhà này đến nhà kia để kiếm chác ! Hoặc đứng núi nọ trông núi kia cao, chỉ muốn chọn nơi có nhiều lợi nhuận !? Hãy biết rằng việc Tông Đồ không phải là một nghề kiếm ăn, như lời tư tế Amatgia gán cho ông Amos: “Này thầy chiêm ơi mau chạy về Giuđa, về mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm” (Am 7,12). Người Tông Đồ của Chúa còn phải cần cù làm việc không thua ông Amos: ông làm nghề chăn súc vật hay châm quả sung cho chín để súc vật ăn. Có cần cù làm việc mới trở nên giàu có như Đức Kitô để có điều kiện phục vụ, chia sẻ cho đồng loại, làm cho người anh em không chỉ giàu về vật chất, mà còn được giàu ơn Chúa, mới giống Đức Giêsu, “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu, nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được nên giàu có” (2Cr 8,9).

8- Nơi nào không đón nhận anh em, thì hãy ra khỏi nơi đó rũ bụi chân làm chứng trước mặt chúng (x Mc 6,11): Đấy là cử chỉ của người Do Thái khi từ miền đất dân ngoại trở về quê hương, họ phải rũ bụi chân để làm chứng rằng: họ không bị nhiễm lây lối sống của dân ngoại không có Lề Luật Chúa hướng dẫn. Ai không đón tiếp môn đệ Đức Giêsu, họ bị liệt vào hàng dân ngoại, và người Do Thái khinh chê dân ngoại đến nỗi không thể ngồi ăn chung với họ (x Gl 2,11-14). Do đó Đức Giêsu dạy các môn đệ phải giũ bụi chân để tỏ dấu tố cáo những kẻ không tiếp đón các ông; cũng không nghe các ông giảng, chúng bị liệt vào hàng dân ngoại, thì các ông hãy phó mặc họ cho Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng,  Ngài tới vùng dân ngoại, làm cho dân đang ngồi trong bóng tối sự chết thấy được ánh sáng ban sự sống (x Mt 4,12-17; Ga 8,12). Người Do Thái còn coi dân ngoại chỉ là loài chó, họ mới là con Chúa, thế mà Chúa vẫn cứu con gái bà ngoại giáo xứ Canaan thoát tay quỷ ám (x Mt 15,21t). Người môn đệ Đức Giêsu phải nhớ rằng mình chỉ là đầy tớ vô dụng, không biết làm gì hơn là chu toàn bổn phận đã được trao phó (x Lc 17,10). Nói như thánh Tông Đồ: “Tôi trồng anh tưới, Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6), hay có tâm tư như ngôn sứ Isaia: “Tôi đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính Chúa minh xét cho tôi, và phần thưởng của tôi ở nơi tay Ngài” (Is 49,4). Bởi vì “chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc, và đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 84).

9- Hãy rao giảng Tin Mừng kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x Mc 6,12): Sám hối  không phải chỉ là ray rứt vì tội đã phạm, mà còn thể hiện bằng làm việc lành (x Lc 3,8). Chính vì vậy những người đến chịu phép rửa của ông Gioan, ai cũng đặt câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông Gioan đã chỉ cho họ: Hãy làm việc lành ngay trong địa vị của mình (x Lc 3,10-14). Vì hối cải là việc lành là hành động đầu tiên để được thâu nhận vào Nước Thiên Chúa. Thậm chí nếu họ không có điều kiện làm việc tốt, thì Chúa cũng cho họ vào Thiên Đàng ngay giống anh trộm lành (x Lc 23,39-43).

 10- Xua trừ ma quỷ (x Mc 6,13a): Vì Lời Chúa là vũ khí sắc bén xua trừ ma quỷ. Đức Giêsu đã dùng Lời Kinh Thánh để đẩy lui Satan ba lần nó tấn công Ngài (x Mt 4,1-11). Do đó thánh Tông Đồ khuyên chúng ta: “Hãy đội lấy mũ chiến cứu độ, đeo gươm Thần Khí tức là Lời Thiên Chúa,để dập tắt mọi tên lửa của Kẻ Dữ” (Ep 6,16-17).

11- Xức dầu chữa lành bệnh nhân (x Mc 6,13b): Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân, thì Ngài không cần dùng đến dầu hay loại thuốc nào, trái lại các môn đệ muốn chữa lành bệnh người nào, các ông phải dùng dầu, là dấu chỉ phải lệ thuộc vào Đức Giêsu. Thánh Gioan nói: “Dầu-Xức anh em đã lãnh nơi Ngài hiện lưu lại trong anh em, nên anh em không cần nhờ ai dạy bảo, phải hơn như Dầu-Xức của Ngài dạy anh em về hết mọi sự, và là sự thật, không phải là sự dối trá, nên chiếu theo điều Dầu-Xức đã dạy anh em hãy lưu lại trong Ngài” (1 Ga 2,27). Vì vậy mà hai ông Phêrô và Gioan gặp anh què ngồi ở Đền Thờ, các ông đã cho anh được lành mạnh, nhờ ông Phêrô nói: “Nhân danh Đức Giêsu người Nadareth anh hãy bước đi” (Cv 3,6b).

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.