Mt 25,1-13 – Mười trinh nữ

Chúng ta đang sống trong giai đoạn nằm giữa cuộc ngự đến lần thứ nhất và cuộc ngự đến lần thứ hai của Chúa Kitô. Bản chất của giai đoạn này là sự chờ đón Chúa quang lâm và dẫn đưa chúng ta vào Tiệc Vui Nước Trời. Câu chuyện dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25,1-13) nói cho chúng ta biết đâu là thái độ sống đúng đắn và cần thiết của chúng ta trong khi chờ đợi biến cố chung cuộc ấy.

Để bắt đầu, Đức Giêsu nói: “Bấy giờ, Nước Trời sẽ ví được như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn” (cc.1-2).

Câu chuyện dụ ngôn được bắt đầu bằng một công thức tương tự như một số dụ ngôn khác: “Nước Trời giống như chuyện…” (x. 13,24; 18,23; 22,2), nhưng có một điểm khác biệt: động từ “ví như” được chia ở thời tương lai. Lý do đơn giản là vì định hướng cánh chung của dụ ngôn được kể ở đây. Vì thế, chắc chắn yếu tố “bấy giờ” ở c.1 phải được hiểu là “Khi Con Người ngự đến trong vinh quang của Người” (25,31). Khi ấy, Nước Trời không giống các trinh nữ, nhưng là giống chuyện các trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Nói cách khác, khi biến cố quang lâm xảy đến, số phận của con người ta cũng sẽ giống như số phận của các cô trinh nữ trong câu chuyện dụ ngôn này: có những người ở trong trạng thái sẵn sàng nhưng cũng có những người không hề sẵn sàng cho một cuộc xuất hiện đột ngột của Con Người.

Các trinh nữ ở đây là những thiếu nữ chưa lập gia đình, những người bạn của cô dâu, nhận nhiệm vụ cầm đèn ra đón chàng rể. Trong số các cô trinh nữ đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Các cô dại “mōrai” (hạn từ mōros cũng được dùng trong 5,22; 7,26 và 23,17) được nêu ra trước bởi vì họ sẽ là tâm điểm chú ý của dụ ngôn. Hình ảnh các cô khôn “phronimoi” ám chỉ các môn đệ biết thi hành lời của Chúa Giêsu (7,24) và những người đầy tớ luôn sẵn sàng thi hành lệnh truyền của chủ (24,45).

“Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang bình dầu theo” (cc.3-4). Các cô khôn mang theo bình dầu, tức là họ có chuẩn bị cho trường hợp chàng rể đến muộn. Các cô dại không hề chuẩn bị gì cho trường hợp đó. Theo tập tục cưới hỏi của người Do Thái, chú rể sẽ đến nhà cha cô dâu để đón cô về nhà mình. Những cô trinh nữ phù dâu có nhiệm vụ cầm đèn cùng với cô dâu đón chú rể, làm thành một đám rước cô dâu về nhà chú rể, và ở đó, một tiệc cưới linh đình sẽ được tổ chức. Một khi đã nhận nhiệm vụ, các cô trinh nữ đó có nhiệm vụ phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó của mình.

Ở đây, trái với cách hiểu sai lầm của một số người, đèn và dầu chỉ là những chi tiết tự nhiên của câu chuyện, chứ không phải là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng gì. Điểm nhấn của dụ ngôn là ở sự chuẩn bị hay không chuẩn bị và ở tính cách bi kịch trong số phận của những người không biết chuẩn bị.

“Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (c.5). Có nhiều lý do khiến chú rể có thể đến chậm, ví dụ như trong trường hợp phải điều đình về sính lễ hay về các điều khoản của hôn ước. Dụ ngôn không nói lý do của sự chậm trễ, nhưng rõ ràng muốn coi sự chậm trễ này là một yếu tố quan trọng. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô trinh nữ đều thiếp đi, rồi tất cả (pasai) đều ngủ say. Chi tiết các cô trinh nữ thiếp và ngủ này cũng như chi tiết các cô thức dậy ở câu 7 không phải là những hình ảnh ẩn dụ về sự chết và sự phục sinh như một vài người đã hiểu một cách gượng ép và không chính xác. Vấn đề của các cô trinh nữ cũng không phải là sự thiếp đi và ngủ mất. Sự thiếp ngủ này chỉ là một chi tiết văn chương làm nổi bật sự đến chậm của chú rể và sự chờ đợi lâu dài của các cô trinh nữ mà thôi. Sự chuẩn bị hay không chuẩn bị của các cô (vốn là sự kiện mang tính quyết định đối với số phận của các cô) được nối kết với chi tiết các cô có mang theo dầu hay không, chứ không phải với chi tiết các cô thức hay ngủ khi chàng rể đến chậm.

“Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn” (cc.6-7). “Nửa đêm” có nghĩa là nhiều giờ đã trôi qua kể từ lúc các cô trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể. Đó là khoảng thời gian dài đủ để làm cho các ngọn đèn cạn dầu. Đột nhiên có tiếng la lớn thông báo sự kiện chàng rể đến, và các cô phải thức dậy và chuẩn bị đèn để đón chàng rể và tham gia vào cuộc rước đi vào tiệc cưới.

Lúc này, sự khác biệt có vẻ nhỏ nhoi lúc đầu lại trở thành một chuyện hệ trọng, sự có chuẩn bị dầu hay không bây giờ lại trở thành chuyện có thể tham dự đoàn rước và hoàn thành sinh mệnh của mình hay không. Vậy “các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn” (cc.8-9). Các cô khôn không thể thực hiện như lời đề nghị của các cô dại, không phải vì họ cứng cỏi hay ích kỷ, nhưng là vì tình trạng bất khả kháng của họ. Họ không thể có một chọn lựa nào khác. Sự từ chối của họ cho thấy hậu quả bi đát của một sự thiếu chuẩn bị. Lời xin của các cô khờ cho thấy tình cảnh bế tắc của họ, nhưng đồng thời, câu trả lời của các cô xin lại cho thấy đó là giải pháp duy nhất mà người ta có thể tính đến trong tình cảnh gấp rút này. Tất cả những điều đó tạo nên tính cách căng thẳng và xung đột trong câu chuyện.

Cần chú ý rằng tác giả dụ ngôn không muốn đưa ra một bài học luân lý về sự chia sẻ hay không chia sẻ, mà muốn nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc mỗi người phải luôn sẵn sàng trong trạng thái đã có chuẩn bị đèn cháy sáng để đón chàng rể và cùng chàng rể đi vào tiệc cưới, dù chàng rể đến sớm hay đến trễ.

“Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại” (c.10). Diễn tiến câu chuyện bỗng trở nên rất dồn dập với những biến cố nhanh chóng và ào ào xảy đến, một khi chàng rể đã xuất hiện. Các cô khôn được xác định là “những cô đã sẵn sàng”. Họ cùng với chú rể đi vào tiệc cưới. Và cửa phòng tiệc được đóng lại, vĩnh viễn phân biệt hai thế giới: bên trong và bên ngoài phòng tiệc.

“Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! Xin mở cửa cho chúng tôi vào!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (cc.11-12). Các trinh nữ khờ dại lúc này được xác định là “các trinh nữ kia”, tức là được đặt trong tư thế khác biệt với “những cô đã sẵn sàng” ở câu 10. Các cô cũng đến nơi đang diễn ra tiệc cưới. Dụ ngôn không nói rõ ác cô có mua được dầu hay không. Chúng ta cũng không có bất cứ dữ kiện nào để đoán rằng các cô không mua được. Nhưng việc các cô đến gõ cửa phòng tiệc là có thật. Và sự kiện các cô bị từ chối sẽ càng trở nên bi thảm và đau đớn hơn nếu đèn trên tay của các cô đang sáng, nghĩa là nếu các cô đã mua được dầu.

Các cô gọi cửa và van nài, giọng nghe rất tha thiết: “Thưa Ngài! Thưa Ngài!” (“kyrie, kyrie” – có thể dịch là “Lạy Chúa, lạy Chúa!). Tiếng kêu nài này gợi cho chúng ta nhớ đến lời thưa “Lạy Chúa, lạy Chúa!” trong 7,21-22, và như thế, là tiếng kêu nài vô ích. Đáp lại, chàng rể nói với họ một lời từ chối dứt khoát: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”. Các cô trinh nữ khờ dại, vì sự thiếu chuẩn bị đúng đắn của mình, đã bị loại khỏi niềm vui của tiệc cưới và không thể làm gì để thay đổi thực tế bi đát đó được nữa.

Để kết thúc, Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (c.13). Lời dạy này được nhấn mạnh bởi tác tử “oun” (vậy), cho thấy đây chính là điểm tới chính yếu của dụ ngôn. Mọi người đều được mời gọi phải canh thức. Đó không phải là tình trạng không ngủ (chính các trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn cũng ngủ say đấy thôi!), nhưng là một thái độ tâm linh, tinh thần và luân lý phù hợp để có thể đi vào tiệc cưới cánh chung khi Chúa đến, cho dù Ngài đến chậm chứ không như chúng ta tưởng. Thái độ canh thức ấy là một thực tại cốt yếu, được đòi hỏi là bởi vì thời điểm, giờ, ngày, tháng, năm xảy đến cuộc quang lâm là điều mà mà chúng ta không thể biết được (x. 24,36.42.44.50).

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

1. Kể dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: trong lãnh vực cứu độ, những người có cùng khởi điểm và có cùng những thực tại giống nhau trong cuộc sống sẽ vẫn có thể đi đến những kết cục cuộc đời hoàn toàn khác nhau, tùy theo cách sống của họ trong hiện tại. Nếu đó là cách sống theo hướng vhuẩn bị đầy đủ và đúng đắn cho việc đón biến cố Chúa đến vào ngày và giờ không ngờ, thì số phận đời đời sẽ là được vào dự tiệc Nước Trời. Nhược bằng đó chỉ là cách sống dại khờ, không chuẩn bị đầy đủ và đúng đắn cho việc đón biến cố Chúa đến, thì số phận đời đời sẽ là hết sức bi đát.

2. Giống như các cô trinh nữ khôn ngoan, các cô trinh nữ khờ dại cũng được mời gọi đi đón chàng rể rồi vào dự tiệc cưới. Các cô biết chàng rể chắc chắn sẽ đến. Các cô cũng tha thiết mong chờ chàng rể đến. Điều các cô thiếu là một sự chuẩn bị sãn sàng và đầy đủ những thực tại cần thiết để có thể thực hiện được lời mời gọi và nhiệm vụ dàng cho các cô và nhờ đó được thỏa lòng mong ước của mình. Các cô mang đèn nhưng không mang dầu theo. Sai lầm của các cô không phải ở chỗ các cô không hướng lòng về biến cố chàng rể đến, mà là ở chỗ các cô đã không có sự chuẩn bị phù hợp cho biến cố đó. Được mời gọi làm thành viên của đội đón chàng rể thôi, chưa đủ. Biết ràng chàng rể sẽ đến vào một lúc nào đó thôi, chưa đủ. Còn phải có sự chuẩn bị thích hợp nữa. Tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc đời và thế giới này rồi sẽ chấm dứt. Tất cả chúng ta đều biết rằng rồi sẽ có một lúc Chúa đến với mình trong biến cố chung cuộc của đời mình và mình được mời gọi đi cùng Người vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả chúng ta đều có đèn trong tay. Nhưng vấn đề là chúng ta có chuẩn bị để cái đèn ấy có thể cháy sáng vào lúc biến cố trọng đại xảy đến hay không. Sẽ là quá muộn nếu đến lúc ấy chúng ta mới vội vã đi mua dầu cho chiếc đèn của mình. Cơ hội tham gia đoàn rước vào tiệc cưới sẽ vuột mất khỏi tầm tay chúng ta.

3. Dụ ngôn cho thấy số phận chung cuộc của mỗi người là do chính người đó định đoạt. Thiên Chúa sẵn sàng đưa chúng ta vào tiệc cưới Nước Trời để sống trong sự hiệp thông phúc lạc và viên mãn với Ngài. Nhưng vấn đề là khi Ngài đến, chúng ta có ở trong tình trạng sẵn sàng và phù hợp để tiến vào Tiệc Nước Trời hay không. Điều đó tùy thuộc vào chính chúng ta. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể làm thay cho chúng ta được.

4. Sự canh thức được nó trong câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay không đồng nghĩa với sự không thiếp ngủ đi trong khi chờ chàng rể đến. Điểm cốt yếu của tình trạng canh thức được nói đến ở đây là một sự chuẩn bị đúng đắn, đầy đủ và thích hợp, để không đánhmất thời c7 mang tính quyết định. Canh thức là luôn sẵn sàng để có thể gia nhập đoàn rước vào tiệc cưới Nước Trời bất cứ lúc nào chàng rể đến.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

      1. 10 Trinh nữ

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet, Nhac veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.