Mt 12, 38-42
1. “Thưa Thầy chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”
– Những người này nghĩ rằng, khi thấy điều lạ lùng thì sẽ tin. Con người ngày nay cũng vậy, thích chạy đi xem những điều lạ lùng, vì nghĩ rằng điều này làm mình tin, hay củng cố lòng tin, hoặc có được chứng cớ cho lòng tin của mình.
– Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: thấy không tất yếu dẫn đến lòng tin: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ: mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu dài dài mỗi khi gặp khó khăn thử thách. Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giêsu làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
– Dấu lạ không tất yếu dẫn đến lòng tin, vì dấu lạ chỉ xẩy ra một lần hay vài lần, tại một nơi và trong một thời điểm. Trong khi tin, là tin vô điều kiện, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Tin là đi vào tương quan giao ước với một ngôi vị cách nhưng không. Thiên Chúa vẫn ban cho loài người dấu lạ. Nhưng dấu lạ được ban như một lời mời gọi, mời gọi tin, tin vô điều kiện, tin đến độ không cần dấu lạ; bởi vì người tin, sẽ có được con mắt chiêm niệm, thấy cái gì cũng lạ!
– Tương quan giữa “thấy” và “tin” hiểu như trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu trả lời gay gắt đến bất ngờ của Đức Giêsu.
2. Lời mời gọi
Thay vì làm theo yêu cầu của họ (vì nếu có làm cũng vô ích), Đức Giêsu mời gọi họ:
a. Trở về với chính mình: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ”
-
Họ sống với tha nhân như thế nào? Với những người trong gia đình thế nào?
-
“Ngoại tình”, trong bối cảnh Kinh Thánh, cũng có thể hiểu là thờ ngẫu tượng; đó là tiền tài, tài năng, sức khỏe, thành công, danh vọng…
b. Nhớ lại lịch sử cứu độ
-
Nhớ lại lời mời gọi hoán cải của ngôn sứ Giona, như một dấu lạ. Nhớ lại sự khôn ngoan của vua Salomôn, như một dấu lạ. Và đó là những dấu lạ rất đời thường.
-
Nhớ lại hình ảnh lạ lùng: ngôn sứ Giona trong bụng kình ngư, dưới lòng biển cả, được Thiên Chúa cứu thoát.
Nhớ lại để nhận ra “Dấu Lạ” Đức Giêsu-Kitô; Ngài là dấu lạ hơn mọi dấu lạ, Ngài là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ: dấu lạ trong lời mời gọi hoán cải, dấu lạ trong sự khôn ngoan, và nhất là dấu lạ trong chiến thắng ý muốn chết chóc của con người: ý muốn chết chóc nơi Giona, Ai Cập, và cả loài người thể hiện nơi cái chết của Đức Giêsu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta như thế đó, là một dầu lạ, nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa trong ơn gọi để ca tụng và tôn vinh Chúa suốt đời.
Trích dongten.net