Hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu trong vai trò Người Mục tử chăn dắt đoàn chiên. Người Dothái vẫn luôn thắc mắc về “gốc gác” của Chúa. Chính vì thế, nhân lễ Cung hiến Đền thờ – một nghi lễ tẩy uế Đền thờ và khánh thành bàn thờ mới có từ thời Giuđa Macabê- họ đến gặp Người để chất vấn : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kytô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, trái lại, Người nhấn mạnh đến vai trò của người chăn chiên- một hình ảnh truyền thống về Đấng Mêsia của dòng dõi Đavít- đồng thời nhấn mạnh đến những con chiên được Chúa Cha giao cho Người.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Những ai sống trong nghề mới hiểu được thế nào là sự gắn bó mật thiết giữa chủ chiên và đoàn chiên. Chúa Giêsu không chỉ đúc kết một kinh nghiệm gắn bó giữa người mục tử với đàn chiên, Người còn cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa là Mục tử nhân lành và tất cả chúng ta là những con chiên được chở che, được yêu thương dưới cánh tay Người. Thiên Chúa là Đấng chăn chiên đích thực. Người đã dành cho đoàn chiên của mình bằng một tình yêu siêu vời, trong đó tất cả chúng ta dù tội lỗi xấu xa, dù tàn tật đui mù, dù đau khổ bệnh hoạn, dù nghèo nàn lạc hậu hay giàu sang phú quý,… tất cả đều chiếm một vị trí ưu tuyển trong trái tim Người.
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”. Nghe ở đây có nghĩa là gì? Trong thực tế, chúng ta thấy chiên là một loài động vật rất “nhạy” với tiếng của chủ. Nơi đồng cỏ, chúng có thể đi tứ tán khắp nơi, xen lẫn với các con chiên khác thuộc những chủ khác nhau để ăn uống, nhưng khi chiều về, chúng luôn nghe theo tiếng nói của chủ chăn để đi theo anh về chuồng mà không lạc sang bầy đàn khác. Cũng vậy, mỗi người chúng ta dù không cùng một giai cấp, màu da, ngôn ngữ, môi trường sống,… nhưng chúng ta đều có chung một tình yêu, một niềm tin vào Thiên Chúa. Chính vì thế, nghe tiếng Chúa là gì nếu không phải là lắng nghe tiếng nói của Người qua Lời Chúa hằng ngày; lắng nghe lời giáo huấn của Giáo hội qua các vị mục tử; lắng nghe tiếng nói của Chúa trong tận sâu thẳm tâm hồn mình,…
Một khi chúng ta lắng nghe tiếng của Chúa, hiểu thấu được thánh ý Người, hiệu quả tiếp theo sẽ là việc chúng ta được Chúa nhận biết. Được Thiên Chúa nhận biết nghĩa là chúng ta sẽ được kết hiệp cách mật thiết với Người. Điều này rất quan trọng. Lý do là vì tự sức mình, con người không thể nào kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa được nếu trước đó không biết lắng nghe và tuân giữ thánh ý Người. Thiên Chúa cho chúng ta được gắn bó cách mật thiết với Người qua người con Chí Aùi là Đức Kytô – Đấng đã đến thế gian mặc lấy xác phàm nhân loại và vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự hiến chính mình, trở nên của lễ không chỉ dâng lên cho Chúa Cha mà còn trở nên Mình và Máu nuôi sống nhân trần. Như thế, cách thức mà Thiên Chúa nhận biết chúng ta chính là Người cho chúng ta được gắn kết với Người trong sự hiệp nhất trường tồn và huyền nhiệm.
Lắng nghe tiếng Chúa, được Người nhận biết và chúng ta đi theo Người. Có thể nói được rằng quá trình Nghe – Biết và Đi theo Chúa Kytô, chính là hành trình ơn gọi của mọi Kytô hữu. Thật vậy, chúng ta bước theo Chúa Kytô không chỉ bằng lời giáo huấn mà còn bằng cả cuộc đời hoạt động của Người nữa. Cùng đích của đời sống Chúa Kytô chính là tình yêu và thập giá và Người muốn mỗi người chúng ta bước theo Người trong chính hành trình ấy. Những ai bước đi trong hành trình ấy sẽ thấy rằng đó đây trên con đường đó vẫn còn nhiều chông gai thử thách, có cả máu và nước mắt. Nhưng đó lại là điều làm chúng ta an vui và tin tưởng bởi chính Chúa Kytô – vị Mục tử nhân lành, đã hứa ban cho chúng ta “sự sống đời đời” làm gia nghiệp.
Chúng ta tạ ơn Chúa vì Người đã ân ban cho chúng ta được gia nhập vào đoàn chiên của Chúa. Chúng ta tự hào vì mình thuộc về đoàn chiên mà Người Mục tử nhân lành không ai khác chính là Chúa Kytô. Xin cho mỗi người chúng ta luôn hân hoan bước theo Người trong mọi nơi, mọi lúc trên hành trình lữ thứ này để làm chứng cho tình yêu của Người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb