Thánh Danh Đức Maria

I. THÁNH DANH MARIA

Thánh Danh Maria theo tiếng Do Thái trong Cựu ước là Myriam, tiếng Aram là Maryam, tiếng Hy Lạp dịch Cựu ước là Mariam, tiếng Hy Lạp dịch Tân ước là Maria, tiếng Anh là Mary, tiếng Pháp là Marie, tiếng Latinh là Maria.

Trong Thánh kinh có tám người mang tên như Thánh Danh Đức Mẹ: 
1. Chị ông Maisen thường gọi là Miriam (Xh 15:20-21; Ds 12:1-10);
2. Một phụ nữ con gái của Ezra (1 Sb 4:17);
3. Maria Mađalêna, người phụ nữ được trừ khỏi bảy quỉ (Lc 8:2);
4. Maria chị Lagiarô và em của Martha (Lc 10:38-42);
5. Maria mẹ của Thánh Giacôbê và Gioan (Mc 15:40-47);
6. Maria vợ ông Clopas (Ga 19:25) có lẽ là mẹ của Thánh Giacôbê và Gioan;
7. Maria mẹ của Thánh Marcô tác giả Phúc âm II (Cv 12:12);
8. Maria là một Kitô hữu ở Rôma mà Thánh Phaolô gửi lời chào (Rm 16:6).

II. Ý NGHĨA THÁNH DANH MARIA

Thánh Danh Maria có những ý nghĩa:

1. Theo Thánh Giêrônimô, Maria tiếng Do Thái có nghĩa là “biển”. Do đó, Thánh Bênađô gọi Đức Mẹ là “Sao biển”. Giáo hội có Thánh thi “Ave Maris Stella”.

2. Cũng theo Thánh Giêrônimô, Maria tiếng Aram là “Marta = Bà Chúa”. Tiếng Latinh là Domina, tiếng Ý là Madona, tiếng Pháp là Notre Dame, tiếng Anh là Our Lady.

3. Maria tiếng Ai Cập là “mari” nghĩa là được yêu, là “mara” nghĩa là phương phi, hợp với vẻ thẩm mỹ của Á Đông là “lộng lẫy diễm lệ”.

4. Maria tiếng Ugarit là “mrym” nghĩa là cao sang, uy nghi, tuyệt vời.

5. Theo nhà Thánh Mẫu học Scheeben, Maria tiếng Do Thái là Miryam biến thành myrrha maris, stilla maris, stella maris.

6. Maria nghĩa hay nhất là “làm sáng tỏ” vì Mẹ là bức gương trong, phản chiếu ánh sáng hằng hữu, là trung gian ánh sáng ơn thánh, là rạng đông và là mỹ nữ lồng bóng mặt trời.

7. Maria có nghĩa Tân Evà đem lại ơn Cứu rỗi, tương phản với Evà đem lại ác hoạ.

III. CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ MARIA

Mẹ Maria có 12 nhân đức, đó là:
1) Ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến. 
2) Bốn nhân đức trụ: Khôn ngoan, Công bằng, Đại đảm, Tiết độ. 
3) Ba nhân đức theo lời khuyên Phúc âm: Thanh khiết, Khó nghèo, Tuân phục. 
4) Hai nhân đức theo gương Chúa Giêsu: Hiền từ và Khiêm nhượng.

IV. BẢY LỜI ĐỨC MẸ NÓI TRONG CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU

1. Mẹ quyết tâm giữ lời khấn trọn đời đồng trinh: “Điều đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1:34).
2. Mẹ sốt sắng nhiệt thành phục vụ Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1:38).
3. Mẹ trung thành vâng phục thánh ý Chúa: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền” (Lc 1:38).
4. Mẹ hoan hỉ chúc tụng Chúa: Linh hồn ngợi khen sự cao cả của Chúa (Lc 1:46-55).
5. Mẹ tỏ ra mẫu quyền của Mẹ với Chúa Giêsu: “Hỡi Con, sao Con làm như thế? Con thấy Cha con và Mẹ phải đau khổ tìm Con?” (Lc 2:48).
6. Mẹ yêu thương thông cảm những nỗi khó khăn người khác: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3).
7. Mẹ vững tin quyền phép Chúa: “Người bảo sao, các anh cứ làm như vậy” (Ga 2:5).

V. BẢY NIỀM VUI CỦA MẸ

Thánh Tôma Canterbury có thói quen đọc bảy kinh Kính mừng kính bảy niềm vui của Mẹ Maria là:
1. Thiên sứ truyền tin cho Mẹ;
2. Mẹ đi thăm viếng Thánh Êlizabeth;
3. Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu tại Bêlem;
4. Các đạo sĩ đến thờ lạy Ấu Chúa Giêsu;
5. Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thánh;
6. Mẹ biết Chúa Giêsu sống lại;
7. Ngày Mẹ hồn xác lên trời.

Nhưng một hôm, Mẹ hiện ra với Thánh Tôma Canterbury mà nói: Hỡi Tôma, lòng sùng kính của con rất đẹp lòng Mẹ, nhưng tại sao con chỉ nghĩ đến những niềm vui Mẹ đã cảm nghiệm ở dưới đất? Vậy con hãy tưởng nhớ những niềm vui của Mẹ ở trên trời nữa.

_ Nhưng làm sao mà con biết được? 
_ Con cũng đọc bảy kinh Kính mừng kính nhớ bảy niềm vui của Mẹ ở trên trời:

1. Vinh quang của Mẹ vượt trên vinh quang của tất cả các Thánh;
2. Ánh sáng của Mẹ chói chang, soi sáng các tầng trời;
3. Mẹ là Nữ Vương Thiên đàng;
4. Lời cầu xin của Mẹ luôn được Chúa nhấp nhận;
5. Thiên Chúa ban thưởng những ai sùng kính Mẹ;
6. Mẹ Maria được gần nhất Chúa Ba Ngôi;
7. Niềm vui Thiên đàng của Mẹ cho đến muôn thuở muôn đời.

VI. NIÊN SỬ CUỘC ĐỜI ĐỨC MẸ

Niên sử cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn dựa theo niên sử cuộc đời Chúa Giêsu Con của Mẹ:

Trước Chúa giáng sinh
– Năm 23/20 Sinh nhật Đức Mẹ, ái nữ của Thánh Gioakim và Thánh Anna.
– Năm 20/17 Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
– Năm 11/8 Đức Mẹ đính hôn với Thánh Giuse (Mt 1:16; Lc 1:27).
– Năm 7 Thiên sứ Gabrie truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1:26-38).
Đức Mẹ mang thai Chúa Giêsu (Mt 1:18-25).
Đức Mẹ đi viếng thăm bà Thánh Êlizabeth (Lc 1:39-56).
– Năm 7/6 Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu tại Bêlem (Lc 2:1-9).
Đức Mẹ đưa Chúa Giêsu chịu phép cắt bì (Lc 2:21).
Đức Mẹ lên đền tịnh tẩy và dâng Con (Lc 2:22-24).
Cụ già Simeon nói tiên tri về Chúa Giêsu và Mẹ (Lc 2:25-35).
Cụ bà Anna nói tiên tri về Chúa Giêsu (Lc 2:36-38).
– Năm 6/4 Ba vua đến thờ lạy Ấu Chúa (Mt 2:1-11).
Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Con trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-14).
– Năm 4 (?) Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Con trở về Nagiarét (Mt 2:19-23).
Sau Chúa giáng sinh
– Năm 6 Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ (Lc 2:41-50).
Đức Mẹ và Thánh Giuse sống với Chúa Giêsu tại Nagiarét (Lc 2:51).
– Năm 27/28 Mẹ với Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới Cana (Ga 2:1-11).
– Năm 30 Mẹ Maria trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu (Mt 12:46-50; Mc 3:31-35; Lc 8:19-21; Ga 2:12-13).
Chúa Giêsu gián tiếp ca ngợi đức tin của Mẹ (Lc 11:27-28).
– Năm 30 Mẹ Maria dưới chân thánh giá trên đồi Canvê (Ga 19:25-27).
Mẹ Maria và các tông đồ tại nhà Tiệc ly (Cv 1:14).
Mẹ Maria lên trời với Chúa Giêsu Con của Mẹ.

VII. NHỮNG BIỂU TƯỢNG ĐỨC MẸ

1. Rượu; hương dầu thơm (Dc 1:1-3).
2. Lều trại Kedar; trướng gấm của Salem (Dc 1:5).
3. Mặt trời; vườn nho (Dc 1:6).
4. Cam tùng toả mùi thơm nức (Dc 1:12).
5. Hoa thuỷ tiên cánh đồng Saron; hoa huệ thung lũng sâu (Dc 2:1).
6. Bồ câu nơi kẽ đá (Dc 2:14).
7. Cột khói ngát trầm hương (Dc 3:6).
8. Mắt bồ câu (Dc 4:1).
9. Tháp lầu Đavid (Dc 4:4).
10. Mật ong nhỏ giọt (Dc 4:11).
11. Cột bạch ngọc (Dc 5:15).
12. Đoàn quân dàn trận (Dc 6:10).
13. Rạng đông; mặt trăng; mặt trời (Dc 6:10).
14. Môi miệng Đấng Tối Cao (Hc 24:3).
15. Cột mây (Hc 24:4).
16. Ánh sáng không mờ phai (Hc 29:6).
17. Vòm trời; vực sâu (Hc 24:8).
18. Cây trắc diệp trên núi Hermon (Hc 24:13).
19. Cây cảm lãm trong cánh đồng; cây tiêu huyền
bên bờ nước (Hc 24:14).
20. Cây quế và dầu thơm ngát (Hc 24:15).
21. Xạ hương man mác (Hc 24:15).
22. Hòm bia Thiên Chúa (Xh 25: 10-16).
23. Hoa hường mầu nhiệm (Dc 2:1).
24. Vườn địa đường (St 2:8-14).
25. Tàu Noe (St 6:14-16).
26. Đền thờ Salomon (1V 6:1-37).
27. Chiếc thang Giacóp (St 28:12).

VIII. BẢY PHỤ NỮ TIỀN ẢNH ĐỨC MẸ

Theo các Giáo phụ, những phụ nữ sau đây trong Cựu ước là những tiền ảnh Đức Mẹ:

1. Bà Sara vợ của tổ phụ Abraham, son sẻ và đã cao niên mà được Chúa cho hạ sinh một con trai là Isaac, trưởng tộc một đoàn dân đông đảo (St 21:7-8). Mẹ Maria sinh hạ một cách lạ lùng Chúa Giêsu là trưởng tử một đoàn em đông đúc.

2. Bà Rakel có một sắc đẹp dịu hiền khiến cho Giacóp sẵn lòng làm rể ông Laban mười bốn năm để cưới làm vợ (St 29:17). Sắc đẹp tâm hồn Mẹ Maria khiến Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Con của Người nhập thể Cứu thế.

3. Bà Miriam là chị ông Maisen. Bà đã cứu em khỏi bàn tay sát hại của vua Pharaon, Ai Cập, đã được đặc ân nói tiên tri, là một trong những phụ nữ đầu tiên qua biển đỏ khô chân, đã cất tiếng ca ngợi cám ơn Chúa (Xh 15:20). Mẹ Maria đã cộng tác với Con Mẹ cứu nhân loại khỏi tội lỗi và tử thần.

4. Bà Deborah, dưới thời quan án của Israel, đã hạ sát Sisơra, đứng cản địch quân Canaan (Tl 4:4). Mẹ Maria đã chiến thắng Satan địch thù của dân thánh Chúa.
5. Bà Giuđitha vừa có sắc đẹp vừa có sức mạnh tinh thần. Bà đã hạ sát Holoferne, hùng tướng của Philitinh, để cứu dân thành Bethulia. Toàn dân ca tụng bà: “Bà là vinh quang của Giuđêa, là niềm vui của Israel, là niềm hãnh diện của dân tộc chúng tôi” (Gđt 15:9). Mẹ Maria đã vinh thắng trên Satan và đạp nát đầu nó, và đem lại vinh dự cho Thiên Chúa, hân hoan cho Thiên Đàng, và niềm hãnh diện cho toàn thể dân Chúa chọn.

6. Bà Esther là hoàng hậu của vua Assuerô nước Ba tư, đã cứu dân Israel khỏi nạn diệt vong (Et 2:17). Mẹ Maria là Nữ Hoàng đã cứu dân thánh Chúa khỏi nạn đoạ trầm.

7. Tân Evà. Bà Evà đã làm cho loài người phải sa đoạ, thì Mẹ Maria là Tân Evà đã làm cho loài người được phục hồi (Thánh Giustinô).

IX. NHỮNG TƯỚC HIỆU MẸ MARIA

1. Trạng Sư cùng với Chúa Giêsu là Trạng Sư để bầu chữa cho loài người trước toà Chúa Cha. Tước hiệu này được Giáo hội dùng từ thời Trung cổ trong kinh Lạy Nữ Vương và các văn kiện của Thánh Bênađô.

2. Đấng Đồng Công. Các Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Piô X, Piô XI, Piô XII và Công đồng Vatican II đã minh chứng Mẹ Maria đã đặc biệt đồng công cộng tác với Chúa Kitô trong công trình Cứu chuộc loài người. Riêng Đức Piô XI đã trực tiếp gọi Mẹ là Đấng Đồng Công (Coredemptrix).

3. Mẹ rất thánh. Mẹ là Mẹ toàn thể loài người vì Mẹ sinh ra Chúa Kitô là đầu, mà mọi tín hữu là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nên Giáo hội gọi Maria là Mẹ rất thánh của Chúa và của loài người.

4. Nữ tử Sion. Tiên tri Isaia và Mica gọi thành Giêrusalem là “con gái Sion”. Tiên tri Giêrêmia gọi “con gái Sion” là dân thành Giêrusalem, ám chỉ toàn dân thánh Chúa. Trong sách Khải huyền, đoạn 12, Mẹ Maria được ám chỉ là “con gái Sion” sinh ra một dân tộc mới mà Đầu là Con Trai chiến thắng Satan.

5. Gương mẫu. Công đồng Vatican II gọi Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt vời và hiếm có, là mẫu mực của Giáo hội về đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô (LG, 63).

6. Nữ tỳ của Chúa. Chính Mẹ Maria đã xưng mình là “nữ tỳ” của Chúa khi thiên sứ truyền tin cho Mẹ (x. Lc 1:38), và Mẹ đã tự phát trong Ca Ngợi khen: “Chúa đã đoái nhìn thân phận thấp hèn tôi tớ của Người” (Lc 1:48).

7. Đấng phù hộ các giáo hữu. Đức Piô V thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu” năm 1571 để cám tạ Mẹ đã giúp đạo binh Công giáo chiến thắng quân Hồi giáo ở vịnh Lepante, và để kỷ niệm Mẹ dẹp tan bè rối Albigensê nhờ kinh Mân côi hồi thế kỷ XII. Năm 1815, Đức Piô VII lập lễ Đức Mẹ phù hộ. Đức Mẹ phù hộ cũng là bổn mạng dòng Salêdiên, của Úc châu và Tân Tây Lan.

8. Đấng Vô nhiễm. Mẹ Maria đã được đặc ân đầu thai vô nhiễm nguyên tội mà Đức Piô IX đã định tín năm 1854. Và Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 với Thánh Bernađetta và xưng mình là “Đấng Vô nhiễm thai”.

9. Đấng Trung gian. Tước hiệu Mẹ trung gian đã được dùng bên Đông phương thế kỷ VI và bên Tây phương thế kỷ IX. Từ thế kỷ XVII tước hiệu này được dùng khắp nơi trong Giáo hội. Mẹ trung gian vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa được đầy ơn đứng giữa Thiên Chúa và loài người; vì Mẹ cộng tác với Chúa Kitô để giao hoà loài người với Thiên Chúa, và vì Mẹ là Đấng ban phát mọi ơn lành cho con cái Mẹ.

10. Mẹ Thiên Chúa. Đầu tiên Thánh Hippolitô đã tuyên đọc Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Năm 431 Công đồng Êphêsô tuyên tín Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” để luận án bè rối Nestoriô. Mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Do đó, Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa.

11. Mẹ Giáo hội. Công đồng Vatican II dạy: Giáo hội Công giáo dâng lên Mẹ Maria tình con thảo như đối với người Mẹ rất dấu yêu (LG, 53). Năm 1964, Đức Phaolô VI tuyên ngôn: Mẹ Maria là “Mẹ của Giáo hội”. Năm 1980, câu “Mẹ Maria là Mẹ Giáo hội” được thêm vào kinh cầu Đức Bà.

12. Mẹ thương xót. Tước hiệu Mẹ thương xót đã có từ thế kỷ III. Nhiều vị Thánh đã kêu cầu Mẹ thương xót. Thánh Đamianô, Thánh Bênađô, và Thánh Anphong kêu cầu Mẹ thương xót bằng kinh Lạy Nữ Vương. Mẹ hiện ra với Thánh Brigitta và nói: “Mẹ là Nữ Vương Thiên đàng, là Mẹ thương xót. Mẹ là niềm vui cho người công chính, là cửa cho tội nhân đến cùng Chúa. Không có người tội lỗi nào mà vô phúc ở ngoài tình thương xót của Mẹ. Không có người nào bị Chúa ruồng bỏ đến nỗi không trở về với Người và được Người thương xót nếu họ kêu xin Mẹ hộ giúp. Mọi người đều gọi Mẹ là Mẹ thương xót. Lòng thương xót của Con Mẹ đối với loài người cũng làm cho Mẹ thương xót. Mẹ cảm thương mọi người và tha thiết cứu giúp các tội nhân”.

13. Nữ Vương hoà bình. Năm 1917, khi thế giới bị Đệ nhất Thế chiến tàn phá, Đức Bênêđictô XV thêm vào kinh cầu Đức Bà câu “Nữ Vương ban sự bình an”. Mẹ khuyên nhủ con cái Mẹ hãy thực thi công bình và bác ái để họ được bình an trong Chúa Kitô.

14. Toà khôn ngoan. Tước hiệu Mẹ là Toà khôn ngoan có từ thời các Thánh Giáo phụ như Thánh Au-gustinô. Mẹ là ngai toà khôn ngoan, là đền thờ Đấng Khôn Ngoan, vì Mẹ hằng suy niệm trong lòng những mầu nhiệm của Chúa Giêsu Con Mẹ (Lc 2:19, 51).

15. Mẹ hằng cứu giúp. Mẹ Maria là Mẹ đầy lòng từ bi thương xót, hằng bênh vực chở che cứu giúp mọi người trong những nỗi gian nan cơ khổ. Từ thế kỷ III, người ta đã kêu cầu Mẹ cứu giúp với kinh “Chúng con chạy đến cùng Mẹ”. Đức Lêô XIII đã giải thích rõ ràng. Và Dòng Chúa Cứu Thế chuyên rao giảng về Đức Mẹ hằng cứu giúp.

X. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Giáo hội Tây Ban Nha đi tiên phong trong việc mừng lễ Thánh Danh Maria, và được Toà thánh phê chuẩn năm 1513. Đức Innocentê XI truyền dạy mừng lễ này khắp Giáo hội năm 1683 để cảm tạ Mẹ trợ phù Gioan Sobieski, vua Balan, chiến thắng quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ tại Vienna, và được mừng ngày 12 tháng 9, sau lễ Sinh nhật Đức Mẹ bốn ngày, cũng là ngày chiến thắng Vienna.

Lễ Thánh Danh Mẹ chỉ là lễ thường, nên đã bị bãi bỏ năm 1970, nhưng năm 1975 được hồi phục là một lễ Votiva (ngoại lịch).

XI. LỜI CÁC THÁNH

– Thánh Êphrem: Danh Thánh Maria là chìa khoá mở cửa Thiên đàng. 
– Thánh Ambrôsiô: Lạy Maria, Thánh Danh Mẹ là một thuốc dầu quí giá toả hương ơn Thánh Chúa. Xin Mẹ cho thuốc dầu Cứu rỗi vào tận thẳm cung trong linh hồn chúng con. 
– Thánh Phêrô Kim ngôn: Danh Thánh Maria biểu lộ đức Trinh khiết. 
– Thánh Isiđôrô Sévilla: Maria có nghĩa là Ánh sáng, vì bởi Mẹ sinh ra Chúa Kitô là Ánh sáng thế gian. 
– Thánh Germanô: Lạy Mẹ Thiên Chúa, ước chi Thánh Danh Mẹ là tiếng sau cùng phát ra từ môi miệng con. 
– Như hơi thở không những là một dấu hiệu, mà còn là căn do của sự sống, Danh Thánh Maria luôn trên môi miệng những tôi tớ Thiên Chúa, chứng tỏ rằng họ thực sự sống động, đồng thời phát sinh và gìn giữ sự sống của họ và cứu giúp họ mọi lúc. 
– Thánh Mêthôđiô: Lạy Mẹ Thiên Chúa, Thánh Danh Mẹ tràn đầy ơn thánh và phúc lành của Thiên Chúa. 
– Thánh Antôn: Danh Thánh Maria là niềm vui trong cõi lòng, là mật ngọt trong miệng, là âm điệu vui tai của những tôi tớ Mẹ. 
– Thánh Bônaventura: Lạy Mẹ Maria, Thánh Danh Mẹ huy hoàng tuyệt diệu, vì những người kêu tên Mẹ lúc chết không phải sợ mọi quyền lực của hoả ngục. Người ta không sợ đạo binh thù địch hùng mạnh như những quyền lực hoả ngục sợ Danh Thánh Mẹ và sự che chở của Mẹ. 
– Như sáp tan chảy trước lửa, ma quỉ mất ngụy lực đối với những linh hồn tưởng nhớ và sốt sắng kêu cầu Thánh Danh Mẹ. 
– Danh Thánh này ngọt ngào rất xứng với một Trinh Nữ thánh thiện dịu dàng, vì Maria có nghĩa là Biển đắng, là Sao biển, là Đấng sáng soi. Maria được hiểu là Bà Chúa. Maria là Biển đắng cho ma quỉ, là Sao biển cho người đời, là Đấng sáng soi cho các thiên thần, là Bà Chúa mọi thụ tạo. 
– Thánh Tôma: Maria có nghĩa là Sao biển, vì như thuỷ thủ được sao biển hướng dẫn vào hải cảng, các Kitô hữu tới vinh quang nhờ sự cầu bầu Hiền Mẫu của Mẹ Maria. 
– Chân phúc Henri Susô, C.P.: Khi đọc tên Mẹ Maria, tôi cảm thấy bừng lên tình mến và niềm vui đến nỗi trong nước mắt sung sướng tôi đọc tên cao đẹp này, tôi cảm thấy tim tôi như thoát ra khỏi ngực, vì tên dịu ngọt này giống như tảng mật ong tan ra trong chiều sâu thẳng của linh hồn tôi. 
– Thánh Bênađinô: Lạy Đức Nữ Trinh vinh hiển, xin Mẹ cho con sức mạnh, tài năng và lợi khẩu để con loan truyền vinh quang của Thánh Danh Mẹ cho giáo dân và con cái của Mẹ. 
– Thánh Antôninô: Thánh Danh Maria là niềm vui cho tim con, là mật ong cho môi miệng con, là nhạc điệu cho tai con. 
– Thánh Tôma Kempi: Quỉ dữ khiếp sợ Nữ Vương thiên đàng đến độ khi nghe tên Mẹ, chúng trốn chạy như bị lửa hồng. 
– Thánh Canisiô: Sau tên rất thánh và rất đáng kính của Chúa Giêsu, không có tên nào vinh hiển và quyền năng hơn tên Mẹ Maria. Khi nói đến tên này, các thiên thần vui mừng, các quỉ dữ run giùng. Kêu xin tên này, các tội nhân được ơn phúc và ơn tha thứ. 
– Thánh Lêonarđô Fort Maurice: Thường tên ngọt ngào Mẹ Maria đọc trên môi, bạn phải hình dung một kỳ công của quyền năng Thiên Chúa, rất tuyệt hảo và tuyệt vời đến nỗi cánh tay Đấng Toàn năng không thể tác tạo sự gì hoàn hảo hơn trong mẫu mực một thụ tạo tinh tuyền.

L.m. Phêrô, CMC

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.