1. Nguồn gốc các Bí tích
Truyền thống Giáo hội Công Giáo luôn dựa vào bản văn Ga 19, 31-34 làm nền tảng để khẳng định sự có mặt của các Bí tích. Bản văn Ga 19, 31-34 cho thấy một chứng cứ rất rõ về việc Đức Giêsu đã thiết lập các Bí tích. Chính từ nơi cạnh sườn Chúa Kitô bị treo trên thập giá, nguồn ân sủng được trao ban:
“Hôm đó là ngày áp lễ Vượt qua, người Do Thái không muốn để xác chết trên Thập giá trong ngày Sabát mà ngày Sabát đó là ngày đại lễ. Nên họ xin ông Philatô cho đánh dập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ đánh dập ống chân Người, nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 31-34).
2. Bí tích là gì?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo dậy: “Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh. Qua các bí tích, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh. Các nghi thức hữu hình dùng để cử hành bí tích, biểu thị và thực hiện ân sủng riêng của từng bí tích. Các bí tích sinh hiệu qua nơi những người lãnh nhận hội đủ điều kiện” (số 1131). Một cách đơn giản chúng ta có thể nói rằng: “Bí tích là dấu chỉ bề ngoài, chuyển thông ơn cứu độ bên trong”.
Dấu chỉ thì hữu hình, chúng ta xem thấy như: lời nói, cử chỉ, sự vật … và chúng thông chuyển ơn sủng được ban cho ta bởi chính Đức Giêsu và qua Linh mục hay Thừa tác viên mà chúng ta thấy ngày nay. Aân sủng ấy chính là đời sống Thần Linh mà khi ở đời này chúng ta đã được tham dự và mai sau sẽ tham dự một cách trọn vẹn trong Vương Quốc Thiên Chúa.
3. Tác nhân của các bí tích
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo khẳng định: “Dựa vào giáo lý Kinh Thánh, các truyền thống tông đồ và sự đồng tâm nhất trí của các giáo phụ”, chúng tôi tuyên tín rằng “các bí tích của Luật Mới đều do Chúa Giêsu thiết lập”. Như vậy, Chúa Giêsu chính là tác giả của các bí tích.
4. Mục đích việc thiết lập các Bí tích
Thánh Tôma dạy rằng: “Bởi lòng thương yêu lạ lùng, Người đã chịu treo trên thập giá, đã nộp mình vì chúng con và từ cạnh sườn bị đâm thâu Người đã đổ máu và nước ra, từ đó phát sinh các Bí tích của Hội thánh để khi mọi người đã được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế thì luôn được vui mừng uống nước nơi nguồn suối cứu độ”. Như thế, chính bởi lòng yêu thương vô ngần của Thiên Chúa, của Đức Giêsu Kitô đối với chúng ta mà Người đã thiết lập các Bí tích để hết thảy những ai tin nhận thì đều được hưởng ơn cứu độ từ nguồn Bí tích đó.
HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH
1. Bí tích là dấu chỉ của việc trao ban sự sống và tỏ bày lòng thương xót nên đòi hỏi tự do và tình yêu Chúng ta nhận biết rằng, để đón nhận bất kỷ một tặng phẩm nào người nhận cũng phải thể hiện tự do của họ trước tặng phẩm được trao cho họ, nghĩa là họ có chấp nhận đón nhận tặng phẩm được dành cho họ hay không? Như thế, Bí tích cũng là một tặng phẩm, là một tặng phẩm thần thiêng ban ơn ích cho nên cũng đòi hỏi sự tự do đón nhận nơi người lãnh nhận. Người lãnh nhận phải thực sự tự do để đón nhận, nghĩa là không vì ép buộc hay một sự cả nể nào … bởi nếu vì ép buộc hay cả nể thì giá trị của Bí tích thực sự sẽ không được trân trọng và hiểu biết một cách tường tận. Xét rằng, Bí tích là một tặng phẩm Thiên Chúa ban cách nhưng không song cũng đòi hỏi sự tự do đón nhận nơi người lãnh nhận. Tự do ấy chính là ý thức của người lãnh nhận, khiến cho họ biết trận trọng, gìn giữ và yêu mến tặng phẩm mà họ được ban tặng cho. Đi xa hơn chúng ta phải nói đến khía cạnh của tình yêu nơi Bí tích. Chính trong tình yêu mến mà làm cho ý nghĩa của tặng phẩm càng thêm giá trị. Tự nó, nơi tặng phẩm là Bí tích đã có giá trị sung mãn rồi, nhưng nếu người đón nhận đón nhận với tất cả tình yêu và sự tri ân thì chính tình yêu nơi người lãnh nhận khiến cho tặng phẩm thêm đẹp và ân nghĩa hơn nhiều.
Mặt khác, vì Bí tích thường được gọi là Bí tích đức tin, cho nên để đón nhận Bí tích đòi hỏi người lãnh nhận phải có niềm tin. Vì chính niềm tin ấy làm cho hiệu lực các Bí tích được thể hiện nơi chính đời sống của họ một cách mãnh liệt và giúp cho đời sống của họ càng thêm vững bước hơn.
2. Bí tích mang tính cộng đoàn
Dù cử hành cách cá nhân hay tập thể, thì Bí tích vẫn mang tính cộng đoàn bởi chính mầu nhiệm nội tại của Bí tích hàm chứa tất cả những điều ấy.
Như chúng ta đã biết, việc Đức Giêsu thiết lập Bí tích là vì lợi ích của con người. Và Bí tích được thiết lập cho mọi người. Chính mầu nhiệm trong Bí tích cho thấy giá trị đó. Một người khi gia nhập vào một gia đình, họ trở thành phần tử của gia đình. Họ được chứng thực bằng những cử chỉ hay là nghi thức tiếp nhận. Từ đó, họ được thừa hưởng những giá trị của một thành phần trong gia đình. Cũng vậy, việc trở thành một phần tử trong Hội Thánh.
Mỗi người được mời gọi trở thành phần tử trong gia đình Giáo hội qua những nghi thức tiếp nhận, và như thế, họ được liên kết trực tiếp với mọi thành phần trong gia đình ấy bằng mối dây của bác ái và ân sủng. Bí tích Rửa tội và Thánh thể cho chúng ta thấy rõ điều đó nhất. Mỗi thành phần được ví như một cành nho hay một chi thể trong một thân thể. Và như thế, mọi chi thể trong thân thể ấy điều được nuôi dưỡng bằng một nguồn sự sống đang lưu chuyển trong thân thể ấy.
Cho nên, mặc dù mỗi khi chúng ta lãnh nhận một Bí Tích là lãnh nhận một cách hữu hình, nhưng trong mối dây thông hiệp, chúng ta đang liên kết với nhau để trở nên một gia đình thánh trong một Thân Thể Thánh.
Chính vì thế, trong mọi trường hợp việc cử hành Bí tích, Giáo hội khuyến khích dân thánh của mình không ngừng tích cực tham dự cách đông đảo.
3. Các bí tích trong Giáo hội
Đã có nhiều lúc, người ta tranh luân xem có bao nhiêu Bí tích trong Giáo hội. Nhưng Giáo hội vẫn xác tín rằng có Bảy Bí tích đó là: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hoà giải, Bí tích xức dầu bệnh nhân, Bí tích truyền chức thánh và Bí tích Hôn Phối.
Trong bảy Bí tích này được phân chia thành 3 nhóm:
– nhóm các Bí tích khai tâm (hay còn gọi là nhập đạo), gồm: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thêm sức;
– nhóm các Bí tích chữa lành, gồm: Bí tích Giải Tội và Bí tích Xức dầu bệnh nhân;
– nhóm các Bí tích mang tính Xã hội, gồm: Bí tích Truyền chức thánh và Bí tích Hôn phối.
Các Bí tích được lãnh nhận một lần và ghi ấn tín đời đời là: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền Chức Thánh.