YÊU NHƯ THẦY

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương “.

Trước khi đi vào con đường khổ giá, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gấm được coi như bí mật cuối cùng và quý giá nhất của Ngài. Đó là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau“. Trước đây Chúa Giêsu đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương rồi, nhưng trong giờ phút chia tay thì đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau.

Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: “Điều răn của Thầyanh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 12). Thế là lời trăn trở củaThầy đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối  không bao giờ được đặt lại vấn đề và là một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên “yêu thương nhau” đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước cho họ “Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra“.

Sống yêu thương thì dễ hiểu rồi, bởi vì là con người thì ai ai cũng biết mình có bổn phận phải yêu thương. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất, là điều răn gồm tóm tất cả mọi điều răn khác. Nhưng phải yêu thương ai?  Chắc chắn đây không phải chỉ nói với những người lập gia đình, sống đời hôn nhân nhưng Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người. Vì thế ta phải hiểu chữ yêu thương nhau theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người. Giới răn của Chúa là như vậy. Nhưng nhìn lại thực tế, chúng ta chỉ yêu thương một số người như cha mẹ, anh chị em ruột, một vài bè bạn thân thiết, vài người yêu thương của chúng ta. Còn lại biết bao nhiêu người khác chúng ta chưa yêu thương, chúng ta không muốn yêu thương, và thậm chí chúng ta còn thù ghét nữa. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể yêu thương hết tất cả mọi người như Chúa đã dạy chúng ta? Hơn nữa, Chúa bảo chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Vậy yêu thương như Chúa Giêsu là yêu thương như thế nào? Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy không coi các con là tôi tớ, nhưng Thầy coi các con là bạn hữu của Thầy“. Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa; còn các môn đệ là người, là học trò. Cho nên nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ thì cũng được. Nhưng không, Chúa không muốn coi họ là tôi tớ thấp hèn, mà muốn coi họ là bạn hữu ngang hàng với Chúa. Nghĩa là Chúa tôn trọng họ. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi đôi với lòng tôn trọng. Vậy nếu chúng ta muốn yêu thương tất cả mọi người thì chúng ta cũng phải tôn trọng tất cả mọi người, như Đức Giêsu đã tôn trọng.

Chúng ta đang yêu thương một số người, như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, chồng vợ, người yêu thương của mình. Để cho những tình yêu thương ấy được bền vững, chúng ta biết tôn trọng nhau. Dù những người đó có điều gì trái ý ta, dù có điểm tính tình họ khác ta, ta cũng phải tôn trọng họ, bởi vì mọi người là một cá thể độc đáo không ai hoàn toàn giống ai. Ta không được bắt buộc ai phải giống như mình. Ta phải tôn trọng quyền của họ có khác với quyền của ta. Có như vậy mới tránh được những xung đột, sứt mẻ trong tình yêu thương nhau.  Và còn rất nhiều người mà chúng ta chưa yêu thương. Tuân giữ giới răn của Chúa, ta cũng phải cố gắng yêu thương họ. Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm là ta phải dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi kỳ thị, phải tôn trọng họ, tôn trọng những điểm khác biệt nơi họ, tôn trọng quyền tự do của họ, ngay cả khi họ có những khuyết điểm lỗi lầm ta vẫn phải tôn trọng con người của họ, bởi vì lỗi lầm là lỗi lầm, nhưng con người vẫn là con người, vẫn có nhân phẩm, và ta yêu thương là yêu thương chính con người đó, yêu thương chính nhân phẩm đó. Chúa Giêsu nói “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”. Theo lời Chúa dạy, chúng ta hãy cố gắng yêu thương tất cả mọi người, và theo gương Chúa làm, chúng ta hãy cố gắng tôn trọng tất cả mọi người.

Hơn nữa, chúng ta phải yêu người như Chúa yêu .Cha đã yêu mến Thầy thế nào,Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai, một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người gần gũi nhau hơn. Tình yêu đó chủ động đi bước trước, cho tôi tớ trở thành bạn hữu, người xa lạ trở thành thân quen. Để nếu cần, tình yêu đó sẵn sàng mạo hiểm đến liều mạng sống : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu“.

Tình yêu đáp lại tình yêu. Nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta phải biết đáp trả bằng một tình yêu trung tính đối với Thiên Chúa và tình yêu chân thành đối với mọi người anh em. Phải biết “Yêu như Chúa yêu” và “yêu người như yêu Chúa“. Yêu như Chúa yêu nghĩa là không đóng khung giới hạn, biết đến với mọi người. Yêu người như yêu Chúa, nghĩa là không chỉ nhận ra trong những con người chúng ta phải yêu mến khuôn mặt của người anh em, mà còn là khuôn mặt của chính Đấng đã yêu chúng ta bằng tình yêu lớn nhất của Ngài.

Mỗi thánh lễ là một cử hành về tình yêu lớn nhất, qua đó Chúa Kitô hiến thân cứu độ muôn người. Xin cho chúng ta hôm nay gặp lại chính mình là kẻ biết yêu người khác. Và xin Chúa luôn thanh luyện tình yêu của chúng ta để từng ngày chúng ta biết chân thành yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con luôn nhớ lời căn dặn của Chúa, để chúng con luôn biết sống yêu thương nhau, yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con, để chúng con luôn làm tròn sứ mạng Chúa đã trăn trối, để chúng con luôn là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.