sự phản bội của Judah và của Phêrô.

1/ Sự phản bội của Judah Iscariot: Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là phải báo tin cho các tông đồ biết thời giờ đã điểm. Chúa có thể làm ngơ để chuyện gì phải đến sẽ đến, nhưng Chúa muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông để họ đừng ngỡ ngàng khi nó xảy ra; và nhất là biết những chuyện xảy ra đã được xếp đặt trước. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”

Chúa Giêsu cho Judah biết sự phản bội của ông: Để khỏi gây hoang mang và ngộ nhận giữa các tông đồ, và cũng để cho Judah biết không có gì ông tính tóan qua được mắt Chúa, Ngài nói: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Judah, con ông Simon Iscariot. Có lẽ chỉ có 3 hay 4 người biết kẻ phản bội: Chúa Giêsu, đương sự, Phêrô và Gioan. Khi biết kế họach bị bại lộ; ngay khi Judah vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Judah liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh cho độc giả hiểu thế nào là “trời đã tối:” trời tối vì khi ăn Lễ Vượt Qua, trời bên ngòai đã vào đêm; nhưng tâm hồn của Judah từ lúc đấy cũng trở nên tăm tối, vì đã quay lưng lại với nguồn ánh sáng chân thật là Thầy mình.

2/ Chúa Giêsu nhận ra vinh quang Ngài nhận được giữa hai sự phản bội: Khi Judah đi rồi, cái chết trên Thập Giá chắc chắn sẽ xảy ra. Khi điều đó xảy ra là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh. Vinh quang Chúa Giêsu có được là qua con đường Thập Giá: không qua gian khổ sẽ không đạt tới vinh quang. Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Chúa Giêsu đã cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang tối cao vì Ngài vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chết trên Thập Giá. Nhờ sự vâng lời của Ngài, kế hoạch của Thiên Chúa cho con người thành sự thật: con người nhận ra tất cả những gì Chúa Con nói là sự thật, và sẵn sàng hy sinh đáp trả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Khi Thiên Chúa được tôn vinh, Ngài cũng sẽ tôn vinh Chúa Con. Ngài không những tôn vinh Chúa Con, mà còn siêu tôn Ngài bằng cách: cho sống lại, lên trời, trao vương quốc, và ban một danh hiệu trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu (x/c Phi 2:10-11).

3/ Sự phản bội của Phêrô: Chúa Giêsu biết rõ tính tình của Phêrô: nhanh nhẩu đoảng, hứa đấy rồi quên đấy. Ông rất nhiệt thành, nghĩ sao nói vậy; sống về trái tim hơn là về trí óc. Vì thế, Chúa nhắc nhở ông: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Chúa Giêsu biết cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của Phêrô. Đó là lý do tại sao Chúa nói với ông: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông chưa sẵn sàng theo Chúa hẳn lúc này, nhưng sẽ đến ngày ông sẽ cùng đi con đường thập giá với Chúa; lúc đó, lời ông nói “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” thành hiện thực.

Có một sự khác biệt lớn giữa hai sự phản bội của Judah và của Phêrô: Sự phản bội của Judah là sự phản bội có tính toán; sự phản bội của Phêrô là sự phản bội vì yếu đuối, xảy ra cách đột xuất vì không chuẩn bị. Sự phản bội của Judah không dành chỗ cho hối hận và trở lại; sự phản bội của Phêrô tức khắc quay về khi nhận ra mình đã làm điều đó: “Ông òa lên khóc!” (Mk 14:72).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Có những lúc chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi, và muốn bỏ cuộc; vì những cố gắng của chúng ta dành cho Chúa đã không mang lại kết quả tốt đẹp, lại còn đưa đến chia ly, phản bội. Khi phải đối diện với những giờ phút như thế, chúng ta phải nhớ lại hình ảnh Người Tôi Trung và Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Cứ can đảm tiến tới, vì Thiên Chúa luôn đồng hành, và Ngài là Người sẽ ban cho chúng ta phần thưởng sau cùng.

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.