THÁNH GIOAN LASAN

Trong một thế kỷ ham chuộng tóc giả, phấn son cùng y phục xa hoa; ai là người để ý tới kẻ săn sóc đám lê dân? Trong khi mà vua Louis thứ XIV oai phong lẫm liệt giữa triều thần trong cung điện Versailles; trong khi mà Giám mục Bossuet hấp dẫn mọi người chung quanh giảng đài của ông; trong khi chiến thắng oanh liệt của hai ông Turenne và Condé vang dội châu Âu; trong khi mà thi kịch gia Corneille,Racine,La Fontaine chói lọi trên văn đàn; hỏi ai là người đếm xỉa tới một Linh mục chạy ngược xuôi tổ chức các trường từ thiện?

Đám trẻ nhỏ không có ai dạy dỗ

Đi lang thang chập choạng bước lạc loài

Gặp Lasan, kẻ đã được Chúa sai

Như ngọn lửa bừng lên trong đêm lạnh.

Vâng, giữa lúc các trường công nước Pháp cấm dạy đạo, Chúa Quan Phòng đã cho xuất hiện một vị Thánh chuyên lo giáo dục trẻ, khai mở các trường Công giáo, vừa dạy chữ, dạy nghề, vừa huấn luyện đạo lý. Đó là Thánh Gioan Baotixita La-san linh mục mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Thánh Gioan Lasan sinh ngày 30.4.1651 tại thành Reims(Pháp) trong một gia đình giàu có, sang trọng và đạo đức. Người theo học tại chủng viện Sulpice và thụ phong linh mục vào năm 1678. Nhờ ơn Chúa soi sáng, Ngài thấy được con đường lý tuởng của Ngài. Đó là “đào tạo giáo viên và mở trường dạy học”; một con đường với đầy những khó khăn, gian khổ và đau thương ngập tràn khiến Ngài đã từng phải thốt lên rằng: “Nếu tôi biết trước được công việc sẽ dẫn tôi đến đâu, thì tôi sẽ không bao giờ đụng ngón tay vào…”Thế nhưng, từng bước một và một cách tế nhị, kín đáo, Chúa dẫn đưa Người dần dần tới chỗ lo cho việc giáo dục trẻ nghèo, một nhu cầu cấp bách của xã hội đương thời.

Người đã thấy được hai thực thể: một thực thể tối thượng là Thiên Chúa;và một thực thể thấp hèn là con em giới lao động.

Người đã nhận thức được hai sự thật: một là Thiên Chúa luôn luôn muốn cứu sống hết mọi người; hai là trong khi ấy con em giới lao động lại sống quá xa ơn cứu độ.

Và Thánh Gioan Lasan đã quyết định đem ơn cứu độ đến trong tầm tay của trẻ hay nói đúng hơn là để bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa Quan phòng cứu sống trẻ.

Chính vì thế, Người bán hết của cải, phân phát cho kẻ nghèo, tới sống chung với một số giáo viên. Người đứng ra khai mở nhiều trường Công giáo, dạy văn hoá, huấn luyện nghề nghiệp nhất là hướng dẫn Giáo lý cho học sinh. Ngài ưu tiên cho học sinh nghèo, miễn phí cho họ. Chính vì đó mà Ngài gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Các trường khác chống đối Ngài vì trường họ mất học sinh, nhất là vấn đề học phí. Họ tố cáo Ngài, tổ chức cướp phá trường của Ngài. Chính quyền ra lệnh cấm Ngài dạy miễn phí trong thành phố Paris. Nhưng Thánh nhân vẫn không ngã lòng.

Trên hai vai nặng trĩu gánh học đường

Cha vững bước trong niềm TIN sắt đá,

Chén gian truân Cha nào đâu có sá,

Uống cạn ly vì hai chữ NHIỆT THÀNH.

Và thế là Ngài tiếp tục mở trường dạy miễn phí ở các nơi khác.

Lần lần với kinh nghiệm, ngài thấy rằng muốn cho công cuộc giáo dục đạt kết quả tốt, chẳng những là phải có một đội ngũ giáo viên có học thức cao mà cần nhất là đào tạo đức gương mẫu. Với ngưòi, nghề gõ đầu trẻ không còn là một kế sinh nhai mà là một nghề cao quý, và hơn nữa còn là một sứ mạng thiêng liêng.

Gõ đầu trẻ, một cái nghề bất hạnh

Sống qua ngày cho trọn kiếp tầm tơ

Nhưng này đây: một sứ mạng đang chờ

Cùng với Chúa dựng xây nhà Hội Thánh.

Vì thế, Ngài cầu nguyện với Chúa và quyết định biến đổi nhóm giáo viên của Ngài thành một cộng đoàn tu sĩ chuyên lo việc giáo dục đào tạo. Đó là Dòng Các Sư Huynh trường Kitô mà chúng ta thấy hiện có mặt khắp các nước trên thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho công trình giáo dục, Ngài đã định không một sư huynh nào được làm linh mục. Vì nếu làm linh mục thì các sư huynh phải lo việc mục vụ, không đủ thời gian lo cho việc dạy dỗ giới trẻ. Chính Ngài đã chăm lo huấn luyện đạo đức và nghiệp vụ cho các Sư huynh.Ngài thường nhắn nhủ: “Anh em hãy suy nghĩ điều tông đồ Phaolô đã nói:Thiên Chúa đã đặt trong Hội thánh có các tông đồ,các tiên tri và các tiến sĩ.Bây giờ anh em cũng sẽ thâm tín rằng chính Chúa cũng đã đặt anh em trong chức vụ đang ở.Về điều đó,chính vị Thánh ấy đã cho anh em một bằng chứng khi nói: có nhiều tác vụ và nhiều công việc nhưng chỉ có một Thánh Thần biểu thị trong mỗi ơn như vậy, để làm ích chung cho toàn thể tức là cho cả Hội thánh.

Do đó, anh em không được nghi nan gì về ơn mà anh em đã được, là giáo dục thiếu niên, rao giảng Tin mừng cho chúng và huấn luyện chúng trong tinh thần đạo đức. Đó là ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho anh em. Người đã gọi anh em đến chức vụ Thánh này. Vậy trong toàn bộ việc giáo dục của anh em, anh em phải làm cho lớp thiếu niên mà anh em có phận sự coi sóc, nhận thấy anh em chính là thừa tác viên của Thiên Chúa,khi anh em chu toàn phận sự với tình thương không giả dối và với sự chuyên cần chân thật. Hơn nữa, anh em còn phải dấn thân vào chức vụ không phải chỉ là thừa tác viên của Thiên Chúa mà còn là thừa tác viên của Đức Kitô và Hội thánh nữa.

Anh em hãy thao thức làm cho thiếu niên đi vào cơ cấu của ngôi đền thờ này là Hội Thánh, để một ngày kia chúng xứng đáng đến trước toà Đức Giêsu đầy vinh quang, không tì tích, không nhăn nheo hay xấu xa hầu chứng tỏ cho các thế hệ mai sau thấy các sự giàu sang phong phú của ơn Thánh mà Thiên Chúa đã ban cho chúng, khi cho chúng trợ giúp về giáo lý, lúc trao chúng cho anh em dạy dỗ và giáo dục để chúng được phần gia nghiệp nước Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kiô,Chúa chúng ta”.

Cuộc đời của Gioan Lasan đầy gian truân thử thách và chịu nhiều áp lực của thế quyền cũng như giáo quyền, nhưng Người vẫn luôn tin tưởng và phó thác vào bàn tay Chúa Quan Phòng. Người mất ngày thứ sáu Tuần Thánh 07.04.1719,tại Saint-Yon,thọ 68 tuổi. Lời cuối cùng của Người nói lên được thái độ thâm sâu của Người trước cuộc đời: “Tôi thờ lạy Thánh ý Chúa trong mọi sự đối với tôi”.

Chỉ bấy nhiêu việc cũng đủ ghi danh Người vào sử sách nhưng Người còn làm hơn nữa, Người đã dựng cho các trường tiểu học một hệ thống giáo dục mà nhiều điểm còn tồn tại tới ngày nay cho nên Người đã được coi là Vị gầy dựng nên trường tiểu học. Các sử gia phải lấy làm kinh ngạc khi thấy những nguyên tắc giáo khoa tân tiến ngày nay đã được Người áp dụng cách đây hơn hai thế kỉ.

Gioan Lasan không còn nữa nhưng hệ thống giáo dục, những công trình Ngài đã lao công vất vả để gầy dựng cũng như hội dòng Các Sư huynh trường Kitô vẫn sống mãi theo thời gian. Vì lý do rất đơn giản: Còn giới trẻ-Còn giáo dục;Còn giáo dục-còn các Sư huynh Lasan.

Chính vì thế,ngày 19.02.1888 Đức Giáo hoàng Léon XIII đã tôn phong Người lên bậc Chân phước và lên bậc Hiển Thánh ngày 24.05.1900.

Ngày 15.05.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tôn phong Người làm Quan Thầy các nhà giáo dục Kitô trên toàn thế giới.

Và công trình của Thánh Gioan Lasan,một công trình mà ANH luôn thâm tín là việc của Chúa-Domine,opus tuum-vẫn còn tiếp tục qua các Sư huynh Lasan, con cái của ANH, qua Chị em Lasan, con cháu của ANH, qua các nhà giáo dục,những người thông dự vào đoàn sủng Lasan, đang nối gót ANH dấn thân cống hiến cho giới trẻ, đặc biệt con em giới nghèo và lao động, một nền giáo dục nhân bản và Kitô, trong gần 350 năm qua trên 84 quốc gia trên thế giới.

(Theo Dòng Lasan VN)

bài đọc thêm: Tinh Thần Đức Tin Giúp Gioan La San Vượt Qua Khó Khăn Thử Thách

Dieser Beitrag wurde unter Cac Thanh veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.