Tập tục nếp sống đức tin trong tháng Mười

Trong nếp sống văn hóa xã hội, tháng Mười Dương lịch là mùa bước vào tiết trời mùa Thu. Khí trời bắt dầu lạnh, lá cây bắt đầu thay mầu sang mầu đỏ rồi da cam và biến dần thành vàng úa rụng lìa khỏi cành.
Mặt trời vẫn còn chiếu tia nắng ấm xuống mặt đất. Nhưng thời giờ ban ngày có mặt trời chiếu sáng bắt đầu ngắn lại, và thời giờ ban đêm bắt đầu dài ra hơn.
Còn nếp sống đức tin đạo giáo có gì đặc biệt trong Tháng Mười không?
Giáo Hội Công giáo đều đặt ra trong mỗi tháng một trọng điểm về nếp sống đức tin đạo đức.

1. Tháng kinh Mân côi
Tháng Mười xưa nay theo tập tục đạo đức còn gọi là Tháng Mân côi. Ngày 07.10. hằng năm là ngày lễ kính Đức Mẹ Mân côi.
Năm 1214 Thánh Đominico truyền bá lòng sùng kính Đức mẹ Maria qua việc lần chuỗi đọc kinh Mân Côi như phương thế chống lại bè rối Albigen gieo vãi gây hoang mang về tín lý trong Giáo Hội thời đó.
Năm 1571 Đức Giáo Hoàng Pio V. đã ấn định ngày 07.10. hằng năm trong toàn thể Giáo Hội công giáo là ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.
Việc lần chuỗi tràng hạt đọc kinh mân côi là cung cách nếp sống cầu nguyện của người Công giáo xưa nay. Thế hệ ông bà cha mẹ, những người lớn tuổi, vẫn thường hay lần tràng hạt đọc kính mân côi hằng ngày. Lần hạt họ đọc kinh lạy Cha, kinh kính mừng, kính sáng danh, kinh cầu Đức Mẹ, giọng đều đều…với nhiều người nghĩ giống như máy móc.
Lần chuỗi đọc kinh mân côi trước mỗi chục kinh có lời nguyện ngắm suy niệm theo từng chặng đường đời sống Chúa Giêsu trên trần gian: Vui, thương, mừng và sự sáng, là ôn nhớ lại giáo lý căn bản về cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi Chúa sinh xuống trần gian làm người đến khi trở về trời.
Lần chuỗi đọc kinh mân côi có thể gây ra tâm lý nhàm chán, nhưng là cung cách sống đức tin, biểu lộ lòng tin cậy mến qua lời bầu cử của Đức mẹ Maria với Thiên Chúa.
Những việc này cần thiết giúp cho “bộ máy” đức tin đã khắc ghi sâu trong trái tim tâm hồn được hâm nóng bừng sáng lên.
Đó là cung cách cầu nguyện bình dân dễ làm mà lại mang ý nghĩa sâu thẳm, nhất là theo khía cạnh tâm lý, giúp cho tinh thần ý chí thêm vững mạnh trước những lo âu trong đời sống.
Nhiều người đã tâm sự, những lúc vướng trở gặp băn khoăn bối rối, bị bệnh tật, gặp khó khăn trong đời sống…họ hay thường lần hạt, dù chỉ đọc ngắn một hay hai ba chục kinh thôi. Lời kinh Mân côi đã giúp khôi phục tinh thần rất nhiều trong những hoàn cảnh đó.
Có những người tâm sự nhờ đọc kinh Mân côi, dù chỉ ít thôi, mà có được sức mạnh tinh thần khoẻ mạnh nhận ra yếu đuối khuyết điểm lầm lỗi của mình. Nhờ đó sửa đổi trở nên người tốt.
Có những người không dám cho là “ phép lạ”, nhưng đã cảm nghiệm thấy nhờ qua việc đọc kinh Mân côi cầu nguyện đã lãnh nhận được nhiều ơn đức giúp cho đời sống đạt thành công vượt qua khỏi những bước đường phức tạp khó khăn.
Ngày 13.10.1917 Đức mẹ Maria đã hiện ra lần chót với ba trẻ mục đồng ở Fatima cũng đã khuyến khích các em phổ biến lòng đạo đức sống đức tin qua việc lần chuỗi đọc kinh Mân Côi.
Cùng với nếp sống cổ võ kinh mân côi, trong tháng mười còn nói tới Thiên Thần của mỗi người nữa.

2. Tháng nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh
Theo tập tục sống đức tin trong Giáo hội Công Giáo, ngày 02.10. là ngày kính nhớ đến Thiên Thần bản mệnh.
Ngày còn thơ bé mỗi tối các bà mẹ thường cầm hai tay bé nhỏ của con
mình chắp laị trước ngực chúng và đọc kinh thay cho chúng. Trong lời cầu xin có câu: Xin Thiên Thần bản mệnh gìn giữ con đêm nay bằng yên!
Lời cầu xin này nói lên tâm tình tin tưởng vào một sức mạnh hình bóng thiêng liêng luôn đồng hành trong cuộc sống con người, nhất là nơi trẻ em.
Rồi khi em bé bắt đầu chập chững biết đi hay lúc chạy nhảy té ngã nằm xoài ra nhà, miệng khóc kêu la gọi ba má. Em té ngã nhưng mình mẩy tay chân em không có vết thương gì xảy ra. Mẹ em đến bế em lên và bà nói rót vào tai: Không sao đâu con. Con thấy chưa, Thiên Thần bản mệnh gìn giữ, nâng đỡ con. Con chỉ đau qua loa ngoài da thôi! Nín đi con, có mẹ ở bên con và Thiên Thần bản mệnh đang nhìn con đó!
Lời nói này không chỉ là một lời an ủi xoa dịu, đánh lạc hướng cho em quên đi sự đau đớn không khóc nữa. Không, lời nói này biểu lộ một lòng tin vào một nhân vật linh thiêng vô hình – thấy mà xem chẳng thấy!
Chúa Giêsu diễn tả về nhân vật linh thiêng này với đời sống các trẻ em như sau: Anh em chớ khinh khi một ai trong những kẻ bé nhỏ này; Thầy nói cho anh em hay: các Thiên Thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời! (Mt 18,10).
Như thế mỗi người có một Thiên Thần hằng theo che chở bảo vệ và Thiên Thần đó hằng nhìn thấy Thiên Chúa. Các Thánh Giáo Phụ tin là mỗi người từ lúc được tạo dựng trong bào thai đã có một Thiên Thần bản mệnh riêng rồi. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền còn nói đến mỗi dân tộc cũng có một Thiên Thần bản mệnh riêng ( Kh 2-3).
Niềm tin vào sức mạnh hình bóng vô hình đó là niềm tin vào Thiên Thần bản mệnh. Niềm tin này không phải là chuyện tưởng tượng của trẻ thơ, nhưng là niềm tin có nơi mỗi người.
Niềm tin này nằm sâu thẳm trong tâm hồn. Từ trong vùng sâu thẳm của tâm hồn ta luôn ngưỡng vọng tới một phép lạ, tới một sức mạnh huyền nhiệm linh thiêng giúp củng cố phấn chấn đời sống.
Niềm tin vào Thiên Thần bản mệnh giúp lấy laị bình an trong tâm hồn, mang niềm phấn khởi vui tươi và nhất là tâm tình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa.
Thiên Thần bản mệnh của tôi, của bạn, của chúng ta hướng dẫn và nối đường giây liên lạc giữa Thiên Chúa với con người.
Và tháng Mười còn là tháng nhắc nhớ người tín hữu chúa Kitô bổn phận làm chứng cho ánh sáng đức tin trong đời sống.

3. Tháng nói đến nhiệm vụ truyền giáo
Nước Việt Nam đã được truyền giáo từ hơn 350 năm nay. Đức tin vào Chúa đã thấm nhuần ăn rễ vào lòng con người xã hội Việt Nam, dù chỉ với hơn kém 08 triệu người Công giáo trong tổng số dân 90 triệu cả nước.
Giáo Hội Công giáo Việt Nam phát triển từ ngày đó, cho dù trải qua nhiều gian nan thử thách, bị bách hại cùng hạn chế ràng buộc.
Một vị Giám Mục người tây phương, sau khi khảo sát về tình hình nếp sống đức tin đi nhà thờ tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đọc kinh mân côi lần hạt trong gia đình, trong nhóm hội đoàn của người Công giáo Việt Nam thấy đông đảo sống động, đã nói lên tâm sự nhận xét : “Các ông bà không chỉ giữ đức tin vào Chúa cho riêng mình, nhưng đã tiếp tục rao truyền đức tin cho con cháu mình qua nhữnviệc sống đức tin đạo đức đó!”
Các bậc cha mẹ lo lắng việc giáo dục đào tạo con cái mình, nhất là việc tinh thần đạo giáo đức tin. Nỗi lo âu đó của các bậc cha mẹ thật là phải đạo và chính đáng. Nỗi lo lắng của họ bao gồm cả việc truyền giáo.
Việc truyền giáo không chỉ là việc của Giáo Hội, nhưng là việc của mọi người, mọi gia đình.
Việc truyền giáo không phải là việc học giáo lý cho thuộc bài. Nhưng là việc thực hành sống đức tin qua việc đọc kinh cầu nguyện đọc kinh mân côi riêng cũng như chung trong gia đình, việc tham dự thánh lễ, việc sống bác ái tình người.
Trong tháng mười, Giáo Hội nhắc nhớ người tín hữu Chúa Kito đến việc nối lửa cho đời. Ánh lửa đức tin vào Chúa đã tiếp nhận ngày chịu phép Bí tích rửa tội cần phải được gìn giữ để bừng sáng lên cho mình cùng cho gia đình con cháu.
Việc bác ái khởi đầu từ chính mình. Cũng vậy, việc truyền giáo làm chứng cho ánh sáng Chúa Kitô bắt đầu từ bản thân gia đình mình.
Ngạn ngữ trong dân gian có câu ca ví so sánh: “Tháng mười chưa cười đã tối!”. Thời tiết ngoài trời tối sớm hơn những tháng mùa Hè, nhưng ánh lửa đức tin vào Chúa vẫn bừng sáng soi chiếu đời sống con người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.