Lm. Cao Gia An SJ
Dẫn nhập
Tin Mừng theo Thánh Lu-ca là Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Đặc biệt, ba dụ ngôn của chương 15 trong Tin Mừng Lu-ca là một kho tàng quý giá, giúp chúng ta chiêm niệm về Lòng Thương Xót và về dung mạo nhân từ của Thiên Chúa. Với bài cầu nguyện này, chúng ta dừng lại ở dụ ngôn về người cha nhân hậu (Lc 15,11-32). Chúng ta lần lượt soi lại bóng mình, qua hình ảnh của hai người con. Điểm đến của giờ cầu nguyện là chiêm niệm về hình ảnh của người Cha. Xin cho tâm hồn chúng ta rung lên trước cảm nghiệm về Tình Yêu vô điều kiện và vòng tay luôn luôn rộng mở của Thiên Chúa, để chào đón từng người con về lại mái nhà của mình.
ƠN XIN: Xin cho con dám tin tưởng vào lòng Thương Xót của Chúa.
Xin cho con biết quý trọng ơn được làm con cái trong nhà của Chúa.
Xinh dạy con biết sống tình anh em huynh đệ giữa những người tin và theo Chúa.
KHUNG CẢNH: Cái ôm của người Cha dành cho đứa con hoang đàng trở về. Đứa con rách rưới và bẩn thỉu nằm gọn trong vòng tay Cha.
ĐIỂM GẪM
-
Người con thứ
(1)Tội của người con thứ
Ở trong mái nhà Cha, nhưng người con thứ mơ về một chân trời khác. Giấc mơ muốn vượt thoát. Giấc mơ được đi hoang.
– Xin cho con phần tài sản con được hưởng. Tại sao người Cha lại chiều theo ước muốn của con mình? Tại sao lại để con mình ra đi? Tại sao người Cha lại chấp nhận để con rời xa vòng tay của mình? Suy niệm về ơn tự do mà Thiên Chúa đã ban cho tôi.
– Thu góp tất cả, rồi trẩy đi phương xa. Sự tuyệt tình của người con thứ gói gọn trong một chữ “tất cả”. Thu góp tất cả để ra đi, nghĩa là chả bao giờ anh còn nghĩ đến chuyện sẽ trở về. Anh tưởng rằng giấc mơ của đời mình nằm ở phương xa, bên ngoài mái nhà của Cha. Suy niệm về những lần tôi ‘bất mãn’ chuyện nhà, chuyện xứ, chuyện Giáo hội; những lần tôi muốn phá đổ và dứt áo ra đi.
– Sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Ra khỏi vòng tay của Cha, là tự do hay là sa đoạ? Là thoải mái vui sống hay phung phí và làm tàn hao đời mình?
(2)Hành trình trở về của người con thứ
Người con thứ khởi đầu bằng việc ra đi; nhưng kết thúc anh lại là kẻ ở trong nhà Cha, được mặc áo đẹp, đeo nhẫn đẹp, mang dép đẹp, được dự chung bàn tiệc với Cha. Đâu là ‘bí quyết’ làm lại cuộc đời của người con thứ?
– Anh ta hồi tâm. Bất cứ cuộc trở về nào cũng bắt đầu từ việc hồi tâm. Hồi tâm là nhìn lại mình. Nhìn lại có khi làm người ta đau nhói và xấu hổ. Nhưng không nhìn lại thì không biết đường về. Nước mắt hồi tâm có thể rửa sạch nhiều vết nhơ, và đó là điểm khởi đầu để làm lại.
– Đứng lên. Đứng lên là một cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời. Là quyết tâm làm lại. Là không chấp nhận ngồi lì ở nơi mình đã quỵ ngã. Là không để cho những lỗi lầm của quá khứ ám ảnh, kéo ghì và hạ gục mình. Đứng lên là cơ hội để sống lại.
– Đi về. Diễm phúc của người con thứ là dám tin rằng: dù sao đi nữa, mình vẫn còn một nơi để quay về! Đi xa rồi mới biết: không nơi nào bằng nhà mình, không vòng tay nào bằng vòng tay Thiên Chúa là Cha nhân hậu và từ ái.
Có điều gì tương tự trong hành trình đi hoang của người con thứ, và hành trình sống của tôi? Tôi học được gì từ ‘bí quyết’ làm lại cuộc đời của người con thứ?
-
Người con cả
Tội của người con cả
Người con cả có khởi đầu rất tốt. Anh ta luôn ở trong nhà Cha, luôn phụng sự Cha. Có thể nói, anh ta là dân ‘đạo gốc’ thứ thiệt! Nhưng kết thúc, anh là kẻ đứng ngoài. Anh “nổi giận và không chịu vào nhà” (c.28). Có điều gì không ổn trong cách sống của anh?
– Anh ở đâu khi người em dứt áo ra đi? Anh có trách nhiệm gì trong việc đẩy em mình ra khỏi nhà chăng?
– Anh làm gì khi người em trở về? Yêu thương hay xét đoán? Đón nhận hay loại trừ? Tôi cảm thấy điều gì qua cách nói của anh: “Còn thằng con của cha đó…” Anh là kẻ giữ em lại gần Cha (kéo em lại gần Chúa), hay là duyên cớ đẩy người khác ra xa (là cớ vấp phạm, là chướng ngại trên con đường người ta đến với Chúa)?
– Sống trong nhà Cha, nhưng có thật anh không đi hoang? Từ trong sự ganh tỵ, từ trong thành kiến, từ trong sự bất bao dung và thiếu thương xót, thiếu sự liên đới và thiếu tình yêu?
Tôi có gặp chút gì hình ảnh của mình nơi bóng dánh của người anh cả? Nếu chung quanh tôi còn nhiều ‘người em’ hoang đàng, thì do đâu? Tôi có phần trách nhiệm gì không?
-
Tấm lòng Người Cha