Cứ để cả hai cùng mọc lên

Một điểm nổi bật của Dụ ngôn Cỏ Lùng mà chúng ta dễ nhận thấy, đó là sự quân bình và trưởng thành của các đầy tớ. Nếu không có sự quân bình và trưởng thành này của các đầy tớ, thì dụ ngôn có thể có một kết cục khác như sau:

Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Thế rồi, một trong số đầy tớ liền nói: “Cứ để tôi, thưa ông chủ. Vì tôi có thể phân biệt rõ lúa và cỏ lùng”. Rồi anh ta đi làm, và khi nhổ cỏ lùng, anh ta đã làm bật rễ những gốc lúa như ông chủ đã nói trước.

Ngày nay, có nhiều Ki-tô hữu cũng giống như những người đầy tớ quá nhiệt thành kia, không chấp nhận sự bao dung đối với những loại cỏ lùng xấu. Với sự nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa, họ sẵn sàng làm một cuộc thánh chiến với những ai họ nhận thấy là xấu, với ý định loại trừ họ ra khỏi Giáo hội, quốc gia, hay thế giới này. Rốt cuộc, họ mới nhận ra rằng mình đã mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng.

Bạn cứ tưởng tượng các đầy tớ ngạc nhiên và bị “sốc” thế nào khi họ trở về nhà báo cho ông chủ biết chuyện cỏ lùng đang mọc trong ruộng lúa của ông, và xin phép để đi nhổ cỏ lùng. Như những người nông dân tốt, họ muốn làm chuyện đó. Thế nhưng tại sao ông chủ lại cản họ không nhổ cỏ lùng trong ruộng? Có thể vì 2 lý do:

Trước hết, ông chủ biết rằng lúa đang sống và mọc lên cùng với cỏ lùng. Cỏ lùng có thể gây bất tiện tạm thời nào đó trong lúc này, nhưng chúng không thể làm lúa chết được. Thứ đến, đây là chuyện quan trọng, ông chủ biết thật khó để phân biệt giữa lúa và cỏ lùng. Chúng trông rất giống nhau. Chỉ khi mùa gặt đến, các đầy tớ mới có thể phân biệt được rõ ràng nhờ vào hoa trái của chúng. Cho dẫu các đầy tớ có thể phân biệt được chính xác cỏ lùng và lúa, thì ông cũng ngăn cản họ, vì lý do “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13,29).

Sau đó, Đức Giê-su tiếp tục giải thích cho các môn đệ rằng “Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần” (c 38). Lối giải thích này của Đức Giê-su làm sáng tỏ quan điểm của dụ ngôn: các người Ki-tô hữu không nên tìm cách loại trừ những kẻ xấu ra khỏi thế gian này. Họ cứ để kẻ tốt và người xấu sống bên cạnh nhau trong thế giới cho đến Ngày Thu Hoạch. Khi đó mọi sự sẽ dựa vào kết quả của họ. Chúng ta nên để kẻ tốt, người xấu sống chung trong một nhà, một căn hộ, một tòa nhà, một khu vực, một quốc gia, một thế giới, vì lý do đơn giản: chúng ta là những con người tốt nhưng cũng có thể phạm phải sai lầm. Một cách tự nhiên, chúng ta cũng có thể có ý tưởng giống như các đầy tớ trong dụ ngôn, thế nhưng ý tưởng đó không đúng. Các đầy tớ trung tín là những người biết nhận ra rằng họ có thể sai lầm. Sự bất khoan dung, ước muốn loại trừ người xấu quanh chúng ta, sẽ biến chúng ta trở thành những người đầy tớ bất trung đối với Thiên Chúa, Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45)

Những người đầy tớ quá nhiệt thành muốn loại trừ những người mà họ nhận thấy là xấu, rốt cuộc họ cũng đang đi tới ý định chống lại chính Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ tới trường hợp của chàng thanh niên Sao-lô mà sau này trở thành Thánh Phao-lô. Ngài đã từng một thời nhiệt thành ruồng bắt những người Ki-tô hữu, vì ngài đã mang nơi mình một quan điểm xấu. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những người “Ki-tô hữu nhiệt thành” muốn săn đuổi những kẻ phá thai, đồng tính, những người tín hữu da trắng với đầu óc kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa duy quốc gia, nòi giống…

Sứ điệp Tin mừng ngày hôm nay thật rõ ràng. Nếu bạn muốn trở thành người đầy tớ trung tín của Thiên Chúa, bạn cần được chuẩn bị để biết đón nhận những kẻ mà bạn nhận thấy là xấu xa. Chúng ta phải nhớ lời của Thày Giê-su: “Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (câu 30).

Văn Chính, SDB chuyển ngữ

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.