Sau khi đọc sách tiên tri Isaia(x. Is 61,1-2). Chúa Giêsu dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay, ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”(x.Lc 1,21). Chúa Giêsu không những tuyên bố mà Ngài còn thực hiện trọn vẹn lời tiên báo của tiên tri Isaia: Ngài đã đi khắp nơi rao giảng Tin mừng; giải thoát cho những kẻ bị giam cầm trong tội; trả tự do cho kẻ bị áp bức; chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền …Chúng ta cũng vậy, không chỉ đọc, suy gẫm và phổ biến Lời Chúa mà còn cần phải thực hành Lời Chúa, nghĩa là sống chứng nhân Tin Mừng. Đây là cách loan báo Tin Mừng có sức thuyết phục nhất. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy là các chứng nhân”. Có nhiều cách sống chứng nhân Tin Mừng, nhưng thiết nghĩ cách tốt nhất là sống hiệp nhất yêu thương: Sự hiệp nhất yêu thương đó đã được Thánh Phaolô diễn tả một cách rõ ràng trong bài đọc II, Ngài nói: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”(1Cr 12, 12-13).
Đức Kitô là thân nho, mỗi thành phần trong Giáo hội là những cành nho. Cành nho phải liên kết với thân nho (x. Ga 15,1-8). Mặc dầu mỗi thành phần trong Giáo hội khác nhau về tiếng nói, màu da, chủng tộc …Nhưng đều là chi thể trong một thân thể là Đức Kitô. Vì vậy, cần phải liên kết với nhau, cần phải hiệp nhất yêu thương nhau. Hiệp nhất yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, trong các cộng đoàn và trong toàn thể Giáo Hội. Các Kitô hữu đầu tiên đã sống hiệp nhất yêu thương khi tất cả các tín hữu chỉ có một lòng một ý, và để mọi sự làm của chung (x. Cv 2,44). Khi đạo Công Giáo mới du nhập vào nước ta, người ngoại giáo chưa biết gọi tên đạo chúng ta là gì, nhưng họ nhìn thấy các kitô hữu sống hiệp nhất yêu thương nhau nên họ gọi đạo chúng ta là đạo yêu thương. Cho nên, có thể nói “Yêu Thương” là tên gọi khác của đạo Công Giáo. Xin cho mọi người kitô hữu chúng ta biết sống hiệp nhất yêu thương để mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, như Chúa Giêsu đã từng nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xưa Chúa đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trước khi về trời, Chúa đã trao phó sứ mạng đó cho Giáo Hội và mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng đó bằng cách siêng năng đọc, phổ biến và thực hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen
Lm. Anthony Trung Thành