BÁNH TRƯỜNG SINH

Đưa một tư tưởng mới lạ, một chân lý siêu hình vào lòng người cần phải có khoa sư phạm, một nghệ thuật dẫn dắt tri thức đi vào tâm trí con người, đây là việc làm khá nhiêu khê, vì người lãnh hội tư tưởng mới lạ đòi hỏi sự hợp lý của điều họ chấp nhận, việc này cần thời gian chuẩn bị có khi rất lâu dài.  Đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, câu nói đơn giản chúng ta đã quen nghe: “Chính tôi là bánh trường sinh”.  “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (x. Bài Tin Mừng. Ga 6,24-35). Chân lý này cần phải hằng thế kỷ thời gian để chuẩn bị, vậy mà khi lần đầu tiên Đức Giêsu tuyên bố điều này đã có biết bao phản ứng trái chiều : “lời gì mà chói tai thế, lời gì mà sống sượng thế”, “một số người khác bỏ đi”.  Phép Thánh Thể là thực tại huyền nhiệm, một bí tích cao cả và trung tâm trong Kitô giáo, được chính Đức Giêsu khẳng định, Ngài dẫn dắt con người đi vào thực tại thần bí nầy cách tiệm tiến.  Dĩ nhiên tuyên bố nầy thật khó chấp nhận nếu không có đức tin công giáo.

 Việc chuẩn bị khởi từ thời xuất khỏi Ai-cập: trong sa mạc dân Do thái ca thán thiếu bánh và thịt, tức thì Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn … vào buổi chiều, các người sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê”.  Chim cút và manna từ trời rơi xuống nuôi dân trong bốn mươi năm hành trình sa mạc (x. Bài Đọc 1. Xh 16,2-4.12-15).  Sự  kiện lạ lùng nầy không làm cho con cái Ítraen thắc mắc hay đặt vấn đề, bánh từ đâu đến, và chim cút ai nuôi mà có.  Và một việc lạ lùng khác xảy ra, tám trăm năm sau đó, bánh được nhân lên và được ban phát từ tay Đức Giêsu cho dân chúng khi họ theo Người nhiều ngày trên đồi núi.  Thấy được ăn no mà không phải lao động, dân chúng đi tìm Đức Giêsu có ý muốn tôn Người làm Thần Nông Nghiệp để khỏi mệt nhọc vất vả, Đức Giêsu đã lánh đi nơi khác.  Manna từ trời và bánh hóa nhiều nuôi thể xác là dấu chỉ nói về của nuôi linh hồn, tức Phép thánh thể.

Miếng ăn đã dẫn dắt dân chúng đi tìm kiếm Đức Giêsu, đọc được thâm ý của họ và nhân cơ hội thuận tiện Người giảng cho họ về bánh hằng sống: “Hãy ra công làm việc vì lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”, và Người giải thích thêm: “Việc Thiên Chúa muốn là tin vào Đấng Người đã sai đến”.  Và Người minh định chim cút và manna trong sa mạc là do Cha ban chứ không phải là Môsê ban cho đâu.  Trên cơ sở đó Người nói lời mặc khải quan trọng: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.  Dân chúng nài xin thứ bánh ấy, Đức Giêsu liền nói ra điều Ngài ấp ủ từ lâu rất khó hiểu: “Chính tôi là bánh trường sinh”, là bánh nuôi sống linh hồn con người.  Muốn chấp nhận chân lý chói tai này phải có cái nhìn mới, cái nhìn đức tin siêu nhiên, vượt lên vật chất, như thánh Phaolô viết cho dân Êphêxô: “Anh em phải để Thần khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”(x. Bài Đọc 2. Êp, 4,17.20-24).  Chính Thần khí soi sáng và làm cho lòng trí chúng ta đón nhận chân lý siêu nhiên về Phép thánh thể.

Chắc chắn đây là thực tại nhiệm mầu, một phép lạ thần học mỗi ngày được thực hiện trên bàn thờ sau lời truyền phép của linh mục.  Phép Thánh thể lần đầu tiên được thiết lập một cách bí tích không đổ máu trong bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu vào chiều Thứ Năm Thánh, được gọi là Bữa Tiệc Ly và được thực hiện có đổ máu trên thập giá nơi thân xác Đức Giêsu.  Thánh lễ là hiện tại hóa mầu nhiệm tử nạn này một cách bí tích.  Thứ Năm Thánh và Thứ Sáu Thánh là hai mặt của cùng một bí tích Thánh thể, vào chiều Thứ Năm Thánh Chúa chết trên bàn tiệc bằng lời, chết trong tâm hồn, chiều Thứ Sáu Thánh, Chúa chết nơi thân xác để minh chứng lời Người nói trong Bữa Tiệc Ly là thật.  Lời nói và Việc làm đi đôi nhau để khẳng định chân lý: “Chính tôi là bánh trường sinh”. Thánh lễ là hiện tại hóa và tưởng niệm sự kiện xảy ra vào hai buổi chiều đó.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu mến lòai người đến nỗi trở nên bánh trường sinh nuôi sống linh hồn chúng con, chúng con xin cúi đầu đội ơn, yêu mến và cung kính thờ lạy. Amen

Lm. Louis Gonzaga NGUYỄN QUANGH VINH

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.