Đã nghèo mà còn lại mù nữa. Thê thảm thật!
Bác-ti-mê trong câu chuyện là đại diện cho bao thân phận khổ đau, đang cần đến những sự giúp đỡ của những tâm hồn nhân ái. Với người mù người ta vẫn thường nói rằng. Mù đôi mắt nhưng đôi tai rất thính. Điều này có lẽ đúng với anh mù trong câu chuyện ở trên. Từ ngay trong đám đông đang xôn xao kia, anh mù vẫn nghe được tiếng nói của nhiều người về Đức Giêsu. Vì thế chẳng trần chừ, anh đã kêu gào lên: „“Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ” Trong tiếng kêu của anh chất chứa một niềm hy vọng được cứu rỗi. Vâng, anh có quyền hy vọng, vì anh đã nhận ra được Đức Giêsu – con vua Đavít, Đấng mà mọi người đang chờ đợi. Tiếng kêu của anh cũng là tiếng kêu gào khẩn xin của bao con người trải dài hàng thế kỷ, những con người khổ đau nhưng không buông xuôi, mà vẫn tin tưởng, vẫn chờ đợi trong niềm hy vọng vào Đấng là Ánh Sáng, là Đấng sẽ đến để cất đi những gánh nặng của đời người, và trao ban một gánh nhẹ nhàng bình an.
Kế bên anh mù – một kẻ tàn tật của cuộc đời, có những con người „mạnh khỏe“ đang cùng sánh bước với Giêsu. Họ phản ứng thế nào trước thái độ của anh mù đáng thương kia?
„Đáng thương thật, nhưng hôm nay anh ta không được „hỗn“, chuyện gì chứ chuyện này anh mù không được xía vào. Chúng ta đang bận bịu tiếp rước một Đại Ráp-bi, vì thế Bác-ti-mê ơi, im dùm cái đi. Hãy tránh ra một bên, đừng quấy rầy Ráp-bi và chúng ta nữa. Nếu cần một chút tiền để mua một ổ bánh lót dạ chiều này, thì tiền đây hãy cầm lấy. Vậy là đủ rồi, hãy đi chỗ khác chơi dùm cái.“
Có thể đó là những tâm tình của những con người được gọi là „mạnh khỏe“ với anh mù đáng thương kia. Vâng, họ muốn cản bước anh mù trên bước đường đức tin của anh vào Đức Kitô. Với họ thì bụi đường hành khất và nghèo khổ không thể đụng tới gấu áo của Đại Ráp-bi là Giêsu kia.
Bạn thân mến, trở về với cuộc đời mình chúng ta hãy nghiệm lại xem, đã bao lần chúng ta, những con người tự cho mình là „mạnh khỏe và đạo đức“, đã cản trở những anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, khi họ đang cố gắng đứng dậy để tìm lại niềm tin, tìm lại chính Đấng có tên gọi là Giêsu – Giavê cứu thóat. Phải chăng với chúng ta, chỉ có những người „mạnh khỏe và đạo đức“ mới xứng đáng được gặp gỡ Giêsu và được Ngài cứu thóat?
Nhưng dù cuộc đời có dã man đến mấy, thì anh mù nhà ta vẫn không bỏ cuộc. Có lẽ đúng là „chai rồi không còn biết mắc cở“, vì thế cứ tiếp tục kêu lên, và càng gào lớn hơn nữa. Phải chăng qua thái độ kêu gào của anh, chúng ta nhận ra rằng, anh mù bệnh tật này có một con tim nhạy bén hơn những con người mạnh khỏe? Anh biết được rằng, Giêsu là ai, tại sao Giêsu lại rảo bứơc vào lòng đời, và Giêsu có thể làm gì cho anh, cho những thân phận khổ đau bên vệ đường. Tiếng kêu gào của Bác-ti-mê hôm nay như chính tiếng kêu gào của thánh vịnh gia ngày xưa:
„Lạy CHÚA, xin đoái thương, này con đang kiệt sức, chữa lành cho, vì gân cốt rã rời. Toàn thân con rã rời quá đỗi, mà lạy CHÚA, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?“ (Tv 6, 3-4)
Vâng, Thiên Chúa không còn trì hõan được nữa. Thiên Chúa đã đi vào cuộc đời, đang rảo bước qua vệ đường tăm tối kia. Ngài không thể đi qua mà không một ngóai lại để nhìn. Ngài không thể cứ vậy tiến bước, mà tai không nghe lời kêu gào thảm thiết. Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng cần phải tỏ lòng đoái thương trước những thân phận đang kiệt sức, những gân cốt đang rã rời.
„Đức Giê-su đứng lại“. Oh Thiên Chúa đã đứng lại rồi. Trái đất cũng xin ngừng quay để ngắm nhìn tình yêu thương của Thiên Chúa. Giữa đám đông đang ồ át tiến tới, một con người đã dừng bước. Dừng bước chỉ vì một thân phận hành khất mù lòa kia. Dừng bước chỉ vì một con người nhỏ bé khổ đau trong trái đất này. Đó là bước dừng của tình yêu. Giêsu là vậy đấy. Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng là thế đấy! Thực là ngỡ ngàng Bạn nhỉ! Dừng bước và trở về lại với đời mình, Bạn và tôi hãy nghiệm xem, có lúc nào Thiên Chúa, Giêsu, đã dừng bước chỉ vì Bạn, chỉ vì tôi không? Vâng, chỉ vì Bạn và tôi. Dù là những con người nhỏ bé và bất tòan, nhưng Ngài vẫn dừng bước để nhìn đến, lắng nghe và đón nhận chúng ta.
Giêsu dừng bước cũng làm cho đám đông theo Ngài cũng phải đứng lại. Trứơc đó họ còn quát mắng và bắt anh mù im đi, thì giờ đây họ hối thúc anh: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!“
Anh mù nhà ta phản ứng thế nào, khi Giêsu gọi anh? „Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.“ Mác-cô đã diễn tả thật hùng hồn. Cái áo chòang tượng trưng cho sự khổ đau mà anh đã mang vác từ bấy lâu nay, giờ đây không được phép làm cho đời anh thêm nặng nề nữa. Cái áo chòang mà anh thường trải ra bên vệ đường, để ông đi qua bà đi lại, ai thương thì thảy vào một cắc bạc, hay một mẩu bánh, giờ đây sẽ vĩnh biệt cuộc đời anh. Vâng, làm sao mà còn là hành khất nữa, khi đã gặp gỡ Giêsu. Rồi Bác-ti-mê không lum khum đứng dậy, mà „đứng phắt dậy“. Một thái độ của lòng khao khát, một thái độ của niềm tin tưởng và hy vọng tràn đầy. Giờ đã điểm! Giờ của niềm tin, giờ của ơn cứu rỗi, cần phải „đứng phắt dậy“, để chạy đến với Giêsu. Áp chòang đau khổ, vệ đường khổ đau không còn có thể cản trở Bác-ti-mê nữa. Phẩm giá làm người của anh đã được léo sáng nhờ chính Ánh Sáng của Đức Kitô.
Và khi đến gần Giêsu, thì anh mù lại bị „đụng“ một câu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Phải chăng Giêsu không biết Bác-ti-mê cần gì? Hay Giêsu không thấy anh ta bị mù lòa? Giêsu biết chứ! Nhưng khi Giêsu hỏi, thì không phải Ngài muốn tò mò, không phải Ngài muốn đi tìm một thông tin, một câu trả lời cho chính mình. Vâng, Giêsu hỏi, là Ngài muốn anh mù hãy trở về lại với thân phận của mình, ý thức về nỗi đau của mình, và cũng ý thức về điều anh khao khát, ý thức về điều mà mình cần tìm. Anh mù trả lời thế nào về câu hỏi của Giêsu?
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Một lòng khao khát Ánh Sáng trong lòng cuộc đời của đêm đen. Sự khao khát của anh vượt ra khỏi điều mà thực sự anh cần. Vâng, giữa đêm đen của đời người, giữa vũng lầy của khổ đau, thì còn gì bằng là được „thấy“ tình yêu, „thấy“ ánh sáng đem lại ơn chữa lành. Mà Ánh Sáng đó lại đến từ chính Đấng là Ánh Sáng thực nữa chứ. „Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian à chiếu soi mọi người.“ (Ga 1, 9) Và Ánh Sáng thực thì không bao giờ bị tắt được, không có sức mạnh nào, dù là đêm đen chằng chịt cũng không thể tiêu diệt đựơc: „Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.“ (Ga 1,5)
Theo Johannes Bours thì trong một bản dịch thời đầu, thì một người dịch đã thêm vào một từ trong câu trả lời của anh mù: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được Thầy.” Tại sao người dịch này lại thêm vào chữ „Thầy“? Sự thêm mắm thêm muối này thực là một gia vị đặc biệt cho câu trả lời của anh mù. Nếu chúng ta chấp nhận „gia vị“ này, thì ý nghĩa của câu trả lời sẽ rất thú vị. Dừng lại nơi đây một chút, chúng ta hãy thử hỏi những nhà đại chiêm niệm, xem họ sẽ trả lời câu hỏi của Giêsu thế nào: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? “ Thiết nghĩ họ sẽ trả lời rằng: „Trong niềm tin của mình, tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa đang ở trong tôi. Thực vậy, chúng ta nhớ đến sự ngất ngây của I-nhã thành Lô-giô-la.
Thời gian một năm ở Manresa (1522-1523) Chúa đối sử với I-Nhã như thày giáo dạy học trò, như qua những kinh nghiệm bị cám dỗ, kinh nghiệm bối rối và bị thử thách, kinh nghiệm sợ hãi về sự chết, kinh nghiệm về sự trông cậy và tin tưởng vào Chúa, kinh nghiệm an ủi và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Thánh Thể. Đặc biệt, I-Nhã đã được Chúa mở lòng và mở đôi mắt tâm hồn, để „am tường nhiều điều, vừa thuộc đức tin vừa văn hoá, dưới một luồng sáng rực rỡ khiến mọi điều trở nên mới mẻ“ (Hồi Ký I-Nhã số 30). Vâng, I-Nhã ngất ngây trước thị kiến đặc biệt này, ngài sung sướng biết bao nhiêu. Chính „cái nhìn“ đó đã thúc đẩy I-Nhã tiến bứơc và rồi từ từ ngài đã thực sự dâng trọn cả đời mình cho chính Giêsu, người bạn hữu thân yêu.
Còn với Têrêsa Avila, người đã nhiều lần ngất ngây khi được chiêm ngắm dung nhan của Thiên Chúa thì „Tất cả mọi sự tồi tệ sẽ đến, khi chúng ta không thể nhìn thấy được rằng, Thiên Chúa gần gũi chúng ta biết mấy.“ Với Âu-tinh thì „trách nhiệm trong cuộc sống của chúng ta không gì khác hơn là, chữa lành đôi mắt của tâm hồn, đôi mắt mà chúng ta dùng để nhìn ngắm Thiên Chúa.“
Lòng khát khao cho được nhìn thấy Thiên Chúa thực sự chính là một trách nhiệm đời người. Vâng, có gì hạnh phúc hơn, khi chúng ta được mở đôi mắt để nhìn thấy Thiên Chúa tình yêu. Điều này chúng ta cũng lắng nghe Đức Thánh Cha Biển Đức 16 nhấn mạnh trong bài giảng của ngày lễ đăng quang: „Thật sự là như vậy: mục đích của cuộc đời chúng ta là mặc khải Thiên Chúa cho con người.Và chỉ nơi nào Thiên Chúa được thấy thì sự sống mới thật sự bắt đầu. Chỉ khi nào chúng ta gặp Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô thì chúng ta mới biết sự sống là gì.“
Đúng vậy, sự sống đó chính Đức Kitô sẽ ban lại cho chúng ta, như khi xưa Ngài đã nói với chính Bác-ti-mê: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Lòng tin đem lại ơn cứu rỗi. Niềm tin làm cho sự sống sống lại và „nở hoa“ trở lại. Tuyệt thật! Ở đây xin mượn lời của Isaia để diễn tả:„Ngày ấy kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thóat cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.“ (Is 29, 18).
„Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.“ Trong bản La-tinh thì động từ „consequi“ chỉ việc đi theo. Như vậy, Giêsu nói với Bác-ti-mê „hãy đi“, có nghĩa là „hãy đi theo Ta.“ Vâng, cũng như bản dịch tiếng Việt: „đi theo Người trên con đường Người đi“. Cái sâu sắc nằm ở chỗ đấy. Giờ đây Bác-ti-mê được chữa lành và ra đi, nhưng đi theo Ánh Sáng là chính Đức Kitô, Đấng đã giải thoát anh khỏi bóng đêm của đời người. Nhưng Bác-ti-mê có hiểu rằng, đi theo Giêsu trên con đường của Ngài, nghĩa là sẽ phải cùng Ngài bứơc đi trên con đường thập giá? “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.“ (Mc 8, 34b). Ở đây cũng nên chú ý rằng, câu chuyện về anh mù Bác-ti-mê đều được ba thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca kể lại trong thời điểm trước khi Chúa Giêsu lên đường vào thành Giêrusalem để người ta reo hò: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! ” (Mc 11, 9b-10), nhưng sau đó vinh quang không còn nữa, mà thay vào đó là con đường thương khó với roi đòn, sỉ nhục, gai nhọn và cuối cùng là cái chết thê lương. Cái chết mà bao con người đui mù đã đưa lại cho Thiên Chúa.
____________________
- Gẫm suy về câu hỏi của Giêsu:
– Tôi lắng nghe câu hỏi của Giêsu: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?“ Tôi sẽ trả lời thế nào đây? Tôi đang khao khát điều gì nhất trong lòng mình? Chỗ nào trong tôi cần được chữa lành nhất?
– Tôi đang bị mù ở chỗ nào vậy, đối với chính mình, đối với anh chị em và với chính Thiên Chúa?
(Trích trang “SHALOM – TẤT CẢ ĐỂ VINH DANH THIÊN CHÚA HƠN”)