Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
Khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần và có lần như thánh Luca kể lại “Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm”. Phúc âm đã kể lại một vài câu kinh ngắn mà Chúa Giêsu cầu nguyện, chỉ có lần này thánh Gioan kể lại câu kinh rất dài và tỉ mỉ của Chúa Giêsu. Điều đặc biệt hơn nữa là khi nói đến cầu nguyện, chúng ta nghĩ là mình cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Còn ở đây, chính Chúa Giêsu cầu nguyện và cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, cho các Tông đồ và những người theo Chúa sau này. Phải! Chúa Giêsu cầu nguyện cho các Tông đồ lúc bấy giờ, đồng thời Ngài còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong tương lai. Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta khi nghe những lời dạy của các Tông đồ và các Đấng kế vị các Tông đồ và tất cả những người theo đạo Chúa Giêsu.
Người nói: Con không chỉ cầu cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con. Tại sao Người cầu nguyện cho các Tông đồ? Vì Người sắp về cùng Cha Người, các Tông đồ còn ở lại, các ông đã được Ngài sống ở bên và gìn giữ. Bây giờ Người ra đi, nhưng họ còn ở lại trên trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo cho họ là phải, vì Người nói rằng: bởi họ không thuộc về thế gian này nên thế gian ghét họ” (Ga15,18); các Tông đồ còn phải bị bắt bớ, nhất là Người e ngại họ phải sa ngã. Vậy Người xin điều gì với Chúa Cha? Điều gì làm Ngài bận tâm hơn hết cho các Tông đồ lúc đó và cho ta sau này? Thì đây Người đã cầu nguyện ba lần:
– Cầu cho họ được hiệp nhất trong tình thương.
-Cầu cho họ khỏi bị bách hại.
-Cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật.
Thứ nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các Tông đồ được hiệp nhất trong tình thương; Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ chúng nhờ danh mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta. Người muốn cho họ hiệp nhất trong tình thương để khi nhìn họ, người ta biết được họ là môn đệ của Người “cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là nếu các con yêu thương nhau”(Ga 13,35), đó là cách tín nhiệm Người hơn hết.
Tình thương ấy phải vô điều kiện và cao thượng, tình thương mà Người đã biểu lộ là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Và nếu biết rằng yêu là dám chết cho người mình yêu, thì ở đây yêu là đưa người mình yêu được hiểu biết và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, để nhờ đó họ được hạnh phúc trọn vẹn, tức là được hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nêu gương hiệp nhất để họ noi theo, đó là gương hiệp nhất giữa Ngài với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha Chí Thánh, xin hiệp nhất để họ nên một như Chúng Ta là một”.
Thứ đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để gìn giữ cho các Tông đồ và chúng ta sau này khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Nói đến ác thần và sự dữ, Chúa Giêsu không những nhớ đến chúng ta phải chịu những đau khổ thử thách hay kể cả bị bắt bớ, vì Người đã biết và nói trước “thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em”(Ga 15,18-21). Sống trong tội lỗi là mất thân tình với Thiên Chúa, là xa rời Thiên Chúa, như vậy là phá vỡ sự hiệp thông với Chúa và trong Chúa. Sau đó, Người cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật: Xin Cha dùng Chân Lý Cha mà cho họ nên thánh, Lời Cha tức là Chân Lý, Cha đã sai Con xuống thế làm sao, Con cũng sai họ đến cùng thế gian như vậy.
Chính vì họ mà Con đã tự thánh hiến, ngõ hầu họ cũng được thánh hiến trong Chân Lý Chữ “thánh hiến” ở đây đa số các nhà bình giải Thánh kinh hiểu là thánh hóa và hiến tế, Chính Chúa Giêsu hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha. Người được thánh hiến, tức là được xức dầu để làm công việc Chúa Cha sai đi là thánh hoá và cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng được thánh hoá và hiến tế, cũng nhận ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự thật và trong Sự thật. Sư thật đó là gì? Là Sự thật của Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương, Ngài muốn cho con cái mình được cứu rỗi. Sự thật chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Cầu nguyện:
Mỗi chúng ta cũng được thánh hoá và hiến tế, cũng nhận ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự thật và trong Sự thật.
Dieser Beitrag wurde unter
Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den
Permalink.