Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ. Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu. Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy.
Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania, Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa. Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu. Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3), Đấng trả lại cho anh sự sống.
Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này, cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ. Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, khiến cả nhà sực nức mùi hương. Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.
Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51). Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).
Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.
Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy. Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. “Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo?”
Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo. Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.
Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu. Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu. Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).
Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ