1. Người Pha-ri-sêu «công chính»
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời nguyện của người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, trong dụ ngôn của Đức Giê-su:
Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
Và theo Đức Giê-su, một lời nguyện như thế sẽ không làm cho một người sống rất công chính trước mặt mọi người, như là ông Pha-ri-sêu, trở nên không công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong khi đó, với một lời nguyện khác rất ngắn của người làm nghề thu thuế: «Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi», thì làm cho một người tội lỗi, đáng bị khinh chê trước mặt mọi người, trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vậy điều gì trong lời nguyện của người Pha-ri-sêu, vốn là người sống rất tốt về mọi mặt, làm cho Chúa không vui lòng, làm cho ông không còn đáng yêu trước mặt Chúa ?
Chắc chắn đó không phải là vì ông đã kể ra tất cả những gì mình đã làm trước mặt Chúa. Một em bé, sau khi đi học cả ngày, tối về kể lại một cách đơn sơ tất cả những gì mình đã làm cho bố mẹ nghe, sẽ làm cho bố mẹ rất vui thích. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên đơn sơ như em bé, kể lại tất cả những gì mình đã làm ; và chắc chắn, điều này cũng sẽ làm cho Chúa vui thích. Và đó chính là điều chính các Tông Đồ đã làm: «Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy» (Mc 6, 30).
Và lí do cũng không phải là vì ông nói dối trước mặt Chúa, nghĩa là kể sai sự thật; bởi vì, với tư cách là một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, chắc chắn ông đã kể lại một cách chính xác những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Nếu thế, ông có một cuộc sống rất đáng cho chúng ta khâm phục, thậm chí đáng bắt chước nữa; và ngày nay, các mục tử vẫn khuyên bảo như thế:
-
Về phương diện luân lí, ông không tham lam, không ăn trộm, không làm điều bất chính, nhất là không ngoại tình. Rất ít người, kể cả chúng ta nữa, có thể sống như ông.
-
Về phương diện đạo đức, ông là người rất sốt sắng, bởi vì ông ăn chay mỗi tuần hai lần ! Về chuyện ăn chay, chắc chắn ông sốt sắng hơn chúng ta, bởi vì chúng ta cũng ăn chay 2 lần, nhưng là cho cả năm !
-
Hơn nữa, ông còn đóng góp vào việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Về điều này, ông lại càng làm cho chúng ta phải khâm phục hơn, bởi vì ông không phải lâu lâu mới đóng góp, lúc có lúc không, nhưng ông đã đóng góp đều đặn, theo kế hoạch đã định sẵn, như ông thưa với Chúa: «Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con». Một phần mười thu nhập là nhiều lắm: chúng ta hãy tính thử: cứ một triệu, thì dâng cho Chúa một trăm ngàn ! Chắc chắn, ít ai trong chúng ta, thậm chí ít người trên đời này, đã quảng đại như vậy.
2. Người Pha-ri-sêu và «Kẻ Tố Cáo»
Một lời nguyện nói lên một cuộc sống rất tốt như thế, nhưng tại sao lại không làm cho người Pha-ri-sêu nên công chính, hay nói cách khác, không làm cho Chúa vui, không làm đẹp lòng Chúa, không hợp với Chúa, làm cho Chúa ngoảnh mặt đi? Đó là vì, cũng trong lời nguyện này, ông so sánh mình với người khác; hơn thế nữa, ông còn «chỉ điểm» cho Chúa một người cụ thể, mang tội đầy mình, đó người thu thuế đứng bên cạnh ông: «Con không như bao kẻ khác… hoặc như tên thu thuế kia».
Thế mà, tố cáo người khác trước mặt Thiên Chúa, lại là hành động mà Satan thích làm nhất, thích đến độ Satan có một tên gọi khác, theo sách Khải Huyền, là «Kẻ Tố Cáo»:
«Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo (tức là Satan) anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài» (Kh 12, 10).
Như thế, lý do làm ông Pha-ri-sêu trở nên không công chính trước mặt Chúa, đó là vì, trong lời nguyện của ông, ông hành xử giống như Satan, ông đóng vai trò của Satan, hay nói mạnh hơn, ông tự biến mình thành Satan, khi ngay trong lời nguyện của mình, ông thích nghĩ đến tội của người khác và tố cáo họ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi người thu thuế kia chỉ nghĩ đến tội của mình trước mặt Chúa một cách khiêm tốn và xin Ngài thương xót: «Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi».
3. Trong Đức Ki-tô không còn lên án
Chúng ta thường hình dung sự thiện buộc tội sự dữ, sự dữ buộc tội sự thiện. Chúng ta thường nghĩ một cách tự phát rằng người công chính và người tội lỗi buộc tội lẫn nhau[1]. Hơn thế nữa, chúng ta còn duy trì hình ảnh về một Thiên Chúa, Đấng Công Chính tuyệt đối, buộc tội con người vốn «tội lỗi bẩm sinh».
Thay vì sự thiện và sự dữ buộc tội lẫn nhau, thì chính hành vi buộc tội là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với sự thiện. Sự thiện thể hiện mình bằng cách đi qua hành vi buộc tội, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi; và trong Kinh Thánh, không thiếu những bản luận tội thốt ra từ miệng các ngôn sứ, các tác giả Thánh Vịnh và cả Đức Giê-su nữa. Nhưng đó không phải là chỗ đứng đích thực của sự thiện, không phải là chỗ đứng sau cùng của sự thiện. Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho sự dữ đứng vào. Chúng ta nói «rốt cuộc» vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời sau đây: «Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài» (Kh 12, 10).
Khác hẳn với ông Pha-ri-sêu, Đức Ki-tô vốn là Đấng công chính tuyệt đối và hoàn hảo, nhưng Ngài không khinh chê những người tội lỗi là chính chúng ta, như chính Ngài đã nói:
-
Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 17).
-
« Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. » (Mt 9, 13)
-
Và nhất là trên Thập Giá, Đức Ki-tô chịu đóng định đã tự nguyện bị đối xử như là một tội nhân, bị lên án như một tội nhận và ở giữa các tội nhân, để bày tỏ cho chúng ta lòng bao dung vô hạn của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta.
Và chính lòng thương xót là động lực mạnh mẽ và bền vững tái sinh chúng ta và biến đổi con tim chúng ta biết sống cho Chúa và qui hướng mọi sự về việc ca tụng Chúa, chứ không phải là những lời lên án và đe dọa bằng hình phạt.
* * *
Thánh Phao-lô xác tín: «Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa» (Rm 8, 1). Vậy nếu, Thiên Chúa không lên án chúng ta trong Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi cũng đừng lên án bản thân mình và đừng lên án lẫn nhau trong cầu nguyện, cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ