Được biết tại Neuenkirchen, cha Giuse Huỳnh Công Hạnh, SVD tổ chức khóa học hỏi Thánh Kinh từ 19.04 đến 22.04.2012, do linh mục Giuse Hoàng Tiến Đoàn, SJ từ USA hướng dẫn về Tin Mừng Thánh Marco, tôi rất vui mừng hăm hở ghi danh tham dự, vì mỗi khi cầu nguyện với bất cứ đoạn Phúc Âm nào trong Marco tôi đều bị „hóc“ hoặc bị „mắc nghẹn“…
Chúng tôi được cha Giuse Hoàng Tiến Đoàn,SJ dẫn nhập vào khóa học bằng một câu chuyện dí dỏm về một vụ cướp ở thành phố Saigon, mà những nạn nhân trong cuộc và những người dân có mặt nơi hiện trường cũng cứ ngơ ngác không hiểu ra làm sao cả. Và sau khi dọ hỏi tìm hiểu thì họ thốt lên những lời „hèn chi“, „thảo nào“ „ờ há“, “chèng ơi“ …v.v..- và cha kết luận, trong Tin Mừng Marco chúng ta cũng sẽ thấy đầy rẫy những ngạc nhiên như thế.
***
Mỗi Phúc Âm được mỗi Thánh Sử mô tả một khía cạnh về chân dung Đức Giêsu Kitô, nhờ vậy tạo được sự phong phú về chân dung của Ngài. Mỗi Thánh Sử khi viết về cuộc đời, con người, sự rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các Thánh Sử nhắm vào những nhu cầu thiêng liêng khác nhau cho từng cộng đoàn thời đó và có cái nhìn thần học riêng biệt.
Matthêu viết cho giáo hữu cộng đoàn gốc Do Thái và làm nổi bật Chúa Giêsu là một bậc Thầy Đáng Kính. (kể lại những sự việc xảy ra để ứng nghiệm Lời Kinh Thánh Cựu Ước). Luca viết cho người ngoại giáo, (vì thế có nhiều tiếng Do Thái đã phải dịch ra tiếng Hy Lạp) mô tả chân dung Chúa Giêsu là một bậc Thầy Nhân Hậu.
Tin Mừng Marco viết theo thể văn chương cổ Hy-Lạp có cấu trúc đặc biệt mà Den Herrington SJ nói: ”văn chương của Marco là văn chương Hambuger”. Phúc Âm Marco là Phúc Âm có đầu tiên, viết vào khoảng năm 65 đến 70 sau Công Nguyên, đó là thời điểm Kitô hữu, vì theo Đạo Kitô nên bị bách hại và là thời điểm thành Giêrusalem bị quân Roma tàn phá.
Đây là Tin Mừng ngắn nhất, chỉ có 16 chương (660 câu). Là Tin Mừng của các Tin Mừng. Marcô viết cho cộng đoàn Kitô hữu gốc dân ngoại, phần lớn là gốc Hy Lạp, sống ở ngoài xứ Palestin. ( không phải là xứ Palestin ngày nay)
Chủ đề lớn của Marco: đề cao nhân tính của Chúa Giêsu. Tức là đề cao một Đức Giêsu lịch sử. Điều này Tin Mừng Marco mang một ý nghĩa sống động là loan báo chính Chúa Giê su chứ không phải viết lại những lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận thấy cơ chế luật pháp và tôn giáo thời bấy giờ bóp nát sự sống của con người, Chúa Giêsu không đồng ý với những luật pháp phi nhân bản đó, Ngài thương yêu và thương xót những kẻ bị hành hạ, bị phân biệt, bị gạt bỏ ra bên lề xã hội nên Marco mô tả chân dung Chúa Giêsu đích thực là một con người có giới hạn để họ thấy được họ rất gần với Ngài, Giêsu là đấng giàu lòng thương yêu, chậm bất bình và đầy nhân ái. Marco lột tả được Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu có một Tình Yêu thật mãnh liệt với những người dân ngoại vừa tin theo Ngài…. Marcô cho ta thấy được chiều sâu tâm tư của Chúa Giê su: Đó chính là thần học của Marco.
Tin Mừng Marco không có phần thơ ấu của Đức Kitô như những Tin Mừng khác. Marcô giới thiệu Đức Giêsu khi Ngài chịu Phép Rửa: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kito là con Thiên Chúa” (Mc 1,1) Từ „khởi đầu“ Marcô nói lên Tin Mừng cho nhân loại khởi đi từ Đức Giêsu. Marco giới thiệu Chúa Giêsu một đàng là Con Thiên Chúa Hằng Sống đầy uy quyền, chế ngự cả biển khơi, làm chủ cả đất trời và con người. Một đàng diễn tả chân dung Đức Giêsu Kitô có giới hạn của một con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố…làm nổi bật nhân tính của Chúa Giêsu (Chúa giận dữ, quát mắng, Ngài giận dữ rảo mắt nhìn họ….Chúa buồn khổ vì lòng họ chai đá, người bực mình nói với các ông v.v…) và Ngài giảng dạy như người có uy quyền trên thiên nhiên (quát mắng sóng gió “Im đi…”, có quyền năng trên ma quỷ ( ra lệnh cho quỷ xuất khỏi người bị quỷ ám) và quyền năng trên bệnh tật (chữa người mù, người câm, người băng huyết) trên sự chết (cho em bé 12 tuổi sống lại)…
Từ „khởi đầu“ này cũng ngụ ý dạy cho đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta là phải bắt đầu với Đức Giêsu Kitô, trong Đức Giêsu Kitôvà nên giống như Đức Giêsu Kitô.
Điểm bản lề của cấu trúc Tin Mừng Marco mà Dan Harrington, SJ gọi là Sandwiched hoặc Hamburger sections. Tác giả diễn tả văn chương cổ Hy Lạp, những câu, những đoạn hoặc cả sách theo cấu trúc đối xứng với nhau từng cặp một. Thí dụ: Phần thứ nhất (Mc 1,1 – 8,26) tương ứng sứ vụ của Đức Giêsu thực hiện ở Galile. Phần thứ hai (Mc 8, 31 – 16, 8) tương ứng sứ vụ Đức Giêsu thực hiện ở Giêrusalem. Đoạn ở giữa (Mc 8, 27-30) đây là cái trục, hay bản lề, hay đây là miếng thịt hoặc miếng cá trong cái bánh mì.
Lời tuyên xưng Danh Chúa Kitô và Sứ điệp của Tin Mừng Marco:
Khởi đầu Tin Mừng là lời tuyên xưng của Marco. “ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CON THIÊN CHÚA”. Phần kêt thúc, tuyên xưng danh Đức Giêsu Kitô là viên đội trưởng,một người dân ngoại, “QUẢ THẬT, NGƯỜI NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA”.
Marco luôn luôn đề cao lòng tín thác tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitôvào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Môn đệ và dân chúng đi theo Chúa Giê su, họ chỉ thấy Ngài là Đấng Cứu Thế đem bánh cho mình ăn và chữa bệnh cho mình mà thôi chứ không khám phá ra được Giêsu là một tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ nhân loại.
Ngay cả các môn đệ theo Thầy suốt thời gian Thầy đi rao giảng mà cũng không nhìn ra sứ mạng của Thầy mình; chả thế mà khi Thấy Giêsu đã loan báo cho các môn đệ biết mình sẽ phải chịu đau khổ thì Phêrô đã vội vã can ngăn. Và hai môn đệ Giacobe và Gioan, đã xin Thầy mình cho mỗi người đứng một bên khi Thầy làm vua. Cũng một trật như thế, chúng ta chỉ biết xin Chúa ban cho cái này cái nọ, giầu có, địa vị, xe hơi, nhà cửa v.v.… mà nếu có một chút thất bại, một chút đau ốm bệnh tật, một chút đau khổ, hoặc có vấn nạn xảy đến, hay không được như mong ước thì trách Chúa, bỏ Chúa ngay.
Thánh sử Marco đòi hỏi cộng đoàn Kitô hữu lúc bấy giờ cũng là đòi hỏi chúng ta ngày nay phải thực sự có một niềm tin tuyệt đối vào một Giêsu là Đấng chịu đau khổ,chịu chết và đã sống lại.
Nhìn tổng quát Tin Mừng Marco có 2 giai đoạn:
1. Marcô chương 1 đến 8: Đức Giê su Nazareth là ai? Đức Giêsu là một nhà rao giảng vĩ đại, Ngài rao giảng như người có thẩm quyền và chữa bệnh đầy uy quyền. Qua những hành động chữa lành và rao giảng người ta nhận biết Chúa Giêsu là ai. Ngài tỏ cho dân chúng biết Ngài là Đấng Messia chịu đau khổ và chịu chết và đã sống lại.
2. Marco chương 9-16; Ta phải làm gì để theo Thầy?: Chúa Giêsu công khai cho biết căn tính đích thực của Ngài là Con Thiên Chúa, Khi trình bầy Giêsu là đấng Messia chịu đau khổ, chiu chết và sống lại, Ngài đòi hỏi môn đệ của Ngài và chúng ta theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ngài. Đó chính là đời sống phục vụ tha nhân của chúng ta, những người con của Thiên Chúa.
Marco khẳng định rõ ràng chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa mới dẫn đường cho ta lên Trời.
*
Cá nhân tôi lần đầu tiên đi dự khóa học đã biết thế nào là môn “khoa hoc Thánh Kinh”: Trước khi đọc Kinh Thánh phải tìm hiểu về lịch sử, địa lý, thời gian, thời điểm và tình hình của cộng đoàn mà tác giả Tin Mừng đã viết cho cộng đoàn đó. Như vậy khi đặt mình là một nhân vật trong cộng đoàn thì mình mới thấu hiểu được sâu sắc rõ ràng tác giả muốn nói gì về chân dung Đức Giêsu.
Sau khi tham dự khóa Kinh Thánh nầy, nhờ sự giảng giải rõ ràng, khúc chiết của cha giảng huấn giúp tôi phân biệt được mục đích của từng Phúc Âm, cũng như nhận định được đúng hướng đi của từng Phúc Âm. Qua đó tôi không còn cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện, suy niệm các đoạn Tin Mừng mà tôi muốn cầu nguyện, nhất là với Tin Mừng Marco.
***
Còn rất nhiều những chi tiết cha đã dẫn giải về lịch sử của công đoàn dân ngoại này, về các tông đồ dấu yêu, khi đi rao giảng lúc thì Đức Giêsu la mắng họ, lúc thì bênh vực các ông, và rất nhiều nữa nhưng cái đầu óc lão hóa của tôi, một người sấp sỉ bảy mươi mùa xuân vàng không thâu nhận được hết. Chỉ mạo muội viết lại chút ghi nhận của mình trong khóa để chia sẻ với mọi người.
Tạ Ơn Chúa Thánh Thần đã đổ tràn Thánh Ân của Ngài trên hai cha và tất cả anh chị em trong khóa học này. Tôi đã thâu nhận được một số kiến thức giúp hữu ích khi đọc Thánh Kinh, vì nếu học cho tường tân về Phúc Âm này chúng ta phải cần đến mấy tháng trời, mà chúng ta chỉ có vỏn vẹn ba ngày.
Cám ơn cha Giuse Huỳnh Công Hạnh SVD, cha Giuse Hoàng Tiến Đoàn SJ và các anh chị em khóa viên đã cho tôi bao nhiêu là tình thương và niềm vui chan hòa trong giờ học hỏi, trao đổi…. Cám ơn hai chị Quyên, Liên đã cho chúng ta những bữa ăn rất tinh khiết và ngon miệng. Hai chị đã phục vụ mọi người với một tâm tình đầy bác ái và tấm lòng quảng đại (tôi rất ngưỡng mộ những cử chỉ dịu dàng, lời nói nhỏ nhẹ, ân cần và thầm lặng trong công việc phục vụ của hai chị. Thấy thương làm sao!!!).
Ngoài ra trong khóa còn có một ngày rất đặc biệt, ngày 20.04.2012 là ngày kỷ niệm 20 năm linh mục của cha Giuse Huỳnh Công Hạnh nên chúng ta được nhà bếp làm tiệc mừng. Ngày này cũng trùng hợp với ngày kỷ niệm 23 năm hôn phối của một chị tham dự viên. Chúng tôi được cha tuyên úy mời uống rượu Phú Quốc để mừng vui ca hát với nhau mà Tạ Ơn Chúa đã ban cho cha nhiều Hồng Ân trên con đường “trở thành linh mục hoàn thiện như Chúa Giêsu”.
Elisabeth Nguyen
[audio:http://linhthao.bplaced.net/wp-content/uploads/2012/11/ThapGiaDonCoiSaxophone.mp3|autostart=yes]