Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (26,14-25)
14 Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói: “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su. 17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
SUY NIỆM
Đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy nỗi lòng của Chúa Giêsu trước sự phản bội của Giuđa: “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23). Hình ảnh Giuđa không chỉ làm chúng ta nhận ra sự đau buồn của Chúa Giêsu, mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tình yêu và lòng bao dung của Người. Giuđa không phải là một người xa lạ – ông đã từng cùng ăn, cùng uống, cùng sống bên Chúa, chứng kiến biết bao phép lạ Người làm. Không chỉ yêu thương, Chúa Giêsu còn tin tưởng ông đến mức giao cho ông nhiệm vụ quản lý tài sản của nhóm môn đệ.
Chúa đã nhiều lần cảnh báo Giuđa về hậu quả của việc phản bội, nhưng ông vẫn cố chấp theo ý riêng mình. Chúa Giêsu biết trước điều đó, nhưng vẫn yêu thương và nhẫn nại cảnh báo ông đến phút cuối cùng. Tuy nhiên, dù yêu thương Giuđa, Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của ông. Và khi Giuđa lựa chọn con đường phản bội, ông phải chịu trách nhiệm về chính quyết định của mình.
Khi đọc câu chuyện về Giuđa, có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình không giống ông – chúng ta không bán Chúa để lấy 30 đồng bạc. Nhưng nếu hồi tâm và suy xét dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy hình ảnh Giuđa cũng phản chiếu trong chính cuộc sống của mình: – Đã từng tuyên hứa từ bỏ tội lỗi khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, nhưng rồi có khi chúng ta lại chọn cách sống ngược lại với những gì Chúa mời gọi; – Bao lần đến với bí tích Hòa giải, nhưng liệu tội lỗi và những thói hư tật xấu có thực sự giảm bớt không? Hay chúng ta vẫn tái phạm, vẫn để những yếu đuối lấn át lòng trung thành với Chúa?; – Có khi nào đặt tiền bạc, danh vọng, thú vui trên hết, thay vì đặt Chúa làm trung tâm đời sống mình? Mỗi lần phạm tội, chúng ta lại đang phản bội Chúa theo cách nào đó. Đó không chỉ là một sự vấp ngã đơn thuần, mà còn là một lời mời gọi hoán cải – để chúng ta nhận ra và quay về với Người.
Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy dừng lại và tự hỏi: Chúa đang cảnh báo chúng ta điều gì? Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ tội lỗi để trở về với Chúa không? Hãy quyết tâm làm một hành động cụ thể để sống trọn vẹn hơn tư cách môn đệ của Chúa. Đừng trì hoãn! Vì Chúa đã hứa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18,21).
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày Chúa vẫn cảnh báo chúng con xa lánh điều xấu và thực thi điều lành qua tiếng lương tâm, qua Giáo hội, và nhất là qua Lời Chúa. Nhưng nhiều lần chúng con phớt lờ những lời mời gọi ấy và tiếp tục phạm tội. Xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám quyết tâm từ bỏ tội lỗi, biết thường xuyên chạy đến với bí tích Hòa giải, sốt sắng tham dự thánh lễ và sống xứng đáng hơn với tình yêu Chúa dành cho chúng con. Amen