Tại sao Đức Giêsu, Đấng vô tội, lại hạ mình để đón nhận phép rửa của Gioan? Gioan rao giảng phép rửa của lòng thống hối để được ơn tha thứ tội lỗi (Lc 3,3). Trong sự hạ mình khiêm tốn này, chúng ta nhìn thấy bóng dáng của “phép rửa” của cái chết đỗ máu của Ngài trên thập giá. Phép rửa của Đức Giêsu là sự thừa nhận và là sự khởi đầu sứ mệnh của Ngài với tư cách là Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Ngài hòa mình trong số các tội nhân. Đức Giêsu hoàn toàn hạ mình trước thánh ý Chúa Cha. Vì yêu thương, Ngài vui lòng đón nhận phép rửa của cái chết này để đền tội chúng ta. Bạn có biết niềm vui của sự tin cậy và vâng phục Thiên Chúa không?
Chúa Cha đã tuyên bố Người hoàn toàn hài lòng về người Con này, và nói rất rõ ràng cho tất cả mọi người đều nghe. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện khi Người xức dầu cho Đức Giêsu về sứ mệnh của Ngài, đã bắt đầu từ ngày đó, khi Ngài trồi lên từ nước sông Giođan. Đức Giêsu sẽ là nguồn mạch của Thánh Thần cho tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài. Lúc Ngài chịu phép rửa, các tầng trời đã mở ra và nước được thánh hóa, bởi sự ngự xuống của Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, dấu chỉ sự khởi đầu của sự tạo thành mới.
Làm sao chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm hạ mình khiêm tốn và phép rửa của Chúa Giêsu? Gregory thành Nazianzus, một giáo phụ ở thế kỷ thứ 7 nói với chúng ta rằng:
Chúng ta hãy chết đi với Đức Kitô qua phép rửa để được sống lại với Ngài; chúng ta hãy đi xuống với Ngài để được nâng lên với Ngài; và chúng ta hãy sống lại với Ngài để được vinh quang với Ngài.
Bạn có muốn nhìn thấy sự thay đổi trong cuộc đời mình không? Và bạn có muốn trở nên dụng cụ đắc lực hơn của Tin mừng không? Hãy suy gẫm sự khiêm hạ của Chúa Giêsu và hãy cầu xin Chúa Thánh Thần in đúc thái độ giống hệt này vào lòng của bạn. Khi bạn khiêm hạ, Thiên đàng cũng sẽ mở ra cho bạn. Thiên Chúa luôn sẵn sàng đổi mới chúng ta trong Thánh Thần của Người và thánh hóa chúng ta cho sứ mệnh. Chúng ta được gọi là “ánh sáng” và “muối” cho những người xung quanh. Thiên Chúa muốn tình yêu và chân lý của Người chiếu sáng ngang qua chúng ta, để người khác có thể nhìn thấy sự tốt lành và chân lý của sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Hãy cầu xin Chúa đỗ đầy lòng bạn Thánh Thần của Người, để bạn có thể chiếu tỏa niềm vui Tin mừng cho những người xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy lòng con Thánh Thần của Chúa, và đốt cháy tâm hồn con với niềm vui của Tin mừng. Chớ gì con tìm thấy niềm vui trong việc tìm kiếm những gì làm đẹp lòng Chúa, cũng như Chúa đã tìm thấy niềm vui trong việc tìm kiếm những gì làm đẹp lòng Chúa Cha.
Don Schwager (Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ)