CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP VÀO TAY NGƯỜI ĐỜI

Tin Mừng hôm nay (Mc 9,30-37) thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su loan báo cuộc thương khó của Ngài lần thứ hai. Ngài loan báo lần nhất ngay sau khi Phê-rô tuyên tín: Thầy là Đấng Ki-tô. Thái độ của các môn đệ thân tín mà đại diện là Phê-rô đã ra sức can ngăn Thầy đi vào con đường thập giá mà Cha muốn. Bầu khí hôm nay cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Các môn đệ không hiểu lời Thầy nói nhưng sợ không dám hỏi.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” Khi nói đến việc “Con Người bị nộp” các môn đệ hiểu Con Người là ai nhưng còn “bị nộp” thì ai có quyền nộp Đấng Ki-tô nếu đó không phải là Chúa Cha? Và tại sao Chúa Cha lại nộp Con Yêu Dấu của mình cho người đời giết chết? Lần thứ nhất loan báo cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói rất rõ rằng Ngài bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết còn lần này Ngài chỉ dùng cách bị động “bị nộp” mà không nói ai nộp. Đây là cách thức rất thông dụng dân Do-thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân mà tránh không nêu danh vì lòng tôn kính. Chúa Giê-su biết trước cái chết Ngài phải chịu vì nó không chỉ là một biến cố đơn giản xảy ra trong lịch sử nhưng điều ấy cho thấy nó đã nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã nói: Con Người phải chịu đau khổ và chết. Nếu Thiên Chúa đầy quyền năng mà lại để Con của mình phải chết trong tay người đời thì quả thật đó là một điều phi lý không thể chấp nhận được. Nhưng vì cái chết của Chúa Giê-su là biểu hiện tình yêu cao cả nhất mà Thiên Chúa dành cho con người, nơi Thiên Chúa hiến thân cho con người và nên một với con người cách trọn vẹn nhất là đi xuống tới cái đau khổ tận cùng của con người để cứu con người.

Đành rằng cái chết của Chúa Giê-su là do thánh ý nhiệm mầu của Chúa Cha, nhưng không thể không kể đến sự độc ác và ghen tương của con người gây ra như trong thư thánh Gia-cô-bê: “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau”. Đi xa hơn nữa, chúng ta nghe phường vô đạo nói với nhau: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hòa làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, và cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” (Kn 2,12.17-20) Những điều phường vô đạo lên tiếng đây có khác gì cách đối xử của hàng kỳ mục, các kinh sư và các Pha-ri-sêu với Đức Giê-su đâu. Như thế, cái chết mà Đức Giê-su phải chịu đã được Kinh Thánh loan báo hàng bao thế kỷ trước khi Chúa Giê-su nhập thể làm người.Các môn đệ không hiểu điều Chúa Giê-su muốn nói hay có thể là không muốn hiểu vì sợ cái kết cục đau thương của Thầy mà mình chẳng sao thoát khỏi sự liên lụy. Dù rằng lần nào loan báo thương khó Đức Giê-su cũng báo phục sinh thế nhưng các ông cũng chẳng còn nghe thấy điều gì khác ngoài những đau khổ như đám mây che kín tâm tư của các ông. Mà có để ý đến cũng chưa có kinh nghiệm phục sinh là thế nào nên cũng chẳng mấy quan tâm. Các ông tránh việc suy nghĩ đến những đau khổ bằng việc cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Việc tìm ra người nào lớn hơn cả lúc này nhằm mục đích gì? Có phải các ông muốn tìm ra người nào lớn nhất để hỗ trợ đặc biệt cho Thầy mình trong lúc “lâm trận” chăng? Hay là để thay thế Thầy lãnh đạo anh em khi Thầy bị giết? Thật ra chẳng có một lý do nào để các ông phải làm như thế cả nhưng vì lúc này các ông không còn khôn ngoan để nghĩ được gì phù hợp vời bầu khí lúc này nên làm thế để tránh né. Các ông cũng chưa thấu triệt được tư tưởng của Thầy là làm lớn là để phục vụ chớ không phải để cai trị. Việc Chúa Giê-su ôm lấy một đứa trẻ, một thành phần bị coi khinh trong xã hội Do-thái, và đồng hóa với em giúp các môn đệ bài học về sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ.

Cùng với các môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi đi theo một Đấng “bị nộp vào tay người đời”. Điều ấy chẳng dễ dàng với các môn đệ khi xưa cũng như đối với chúng ta hôm nay. Chúng ta muốn theo một Đức Ki-tô vinh quang để nhờ vinh quang của Ngài mà cuộc sống chúng ta được yên ổn và đầy đủ mọi thứ ơn lành, được mọi thứ bảo đảm mà không phải đối diện với những đau khổ, khó khăn và “bị nộp” như Ngài. Chúng ta cũng dễ tránh né những lời Ngài dạy buộc chúng ta phải thay đổi lối sống, lối nhìn cho phù hợp với tinh thần của Tin Mừng bằng những việc làm chẳng mang lại cho tâm trí chúng ta sự khôn ngoan hơn mà còn dẫn chúng ta đến sự mù tối của đức tin mà Chúa Giê-su đã từng trách các môn đệ.Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự khôn ngoan để hiểu những điều Chúa Giê-su dạy và có hành động phù hợp với giáo huấn của Ngài. Sự khôn ngoan của Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình và được trở nên công chính. Chính sự khôn này sẽ dẫn dắt chúng ta đến việc chấp nhận con đường khổ giá của Chúa Giê-su và giúp chúng ta theo Ngài cho đến cùng.Có Thiên Chúa phù trì,thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế.

 Gợi ý cầu nguyện:

Tôi theo một Đấng “bị nộp vào tay người đời” sẽ giúp tôi sống thế nào trước những biến cố “bị nộp” như Ngài?

Tinh thần khiêm nhường và phục vụ sẽ giúp tôi điều gì trên hành trình theo Đức Ki-tô chịu đau khổ?

Tôi sẽ sống thế nào để không “nộp”anh em cho người đời?

Làm thế nào để sống theo sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban?

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.