“Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”

Lời Chúa : Ga 8, 51 – 59

Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều người tìm tòi học hỏi để tìm sự thật và sống theo sự thật; nhưng cũng có những người tìm tòi học hỏi để tìm cách biện minh cho quan niệm và lối sống riêng của mình. Những người Do thái mà Đức Giêsu quở trách trong bài Tin Mừng hôm nay thuộc hạng người thứ hai, thay vì mở lòng để đón nhận sự thật về con người và thân thế của Đức Giêsu, thì họ lại tự vạch ra cho mình một sự thật chủ quan phù hợp với cách sống và lối nghĩ của họ. Họ là những người hiểu biết sâu rộng, song cũng là những người cố chấp, quyết bảo vệ thiên kiến của mình cho đến cùng.

Cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Do thái vẫn tiếp tục xảy ra kịch liệt, đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan nhấn mạnh về hai điểm chính yếu này: một là tuân giữ lời Người, thì sẽ không bao giờ phải chết; hai là tiết lộ thiên tính của Người là đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, Đấng mà cha ông họ ngày đêm yêu mến và tôn thờ.

1. “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”

Khi nghe Đức Giêsu nói “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (c. 51), thì phản ứng đầu tiên của những người Do thái cảm thấy bực mình, tức tối, họ liền gán cho Người đã bị quỷ ám nên lời nói của Người không phải là sự thật mà là do ma quỉ xui khiến. Lời này được lặp đi lặp lại hai lần trong câu 48 và 52 ở mức độ khẳng định càng lúc càng tăng: “chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám”. Rồi họ đưa ra bằng chứng hẹp hòi của họ về cái chết thân xác của cha ông họ là Apraham và các ngôn sứ để bắt bẻ Người. Họ nói: “Ông Apraham đã chết, và các ngôn sứ cũng vậy, thế mà ông lại nói “ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết!”. Nhưng thực ra, Đức Giêsu tuyên bố “tuân giữ lời Người” là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu, ai đặt niềm tin tưởng nơi Người và tiếp nhận Người, thì sẽ được thông phần vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ông Apraham và các ngôn sứ đã giữ và tin vào Người, nên họ hớn hở vui mừng vì đã thấy ngày của Con Người (c. 56).

2. Mạc khải về thiên tính của Người

Họ tự đặt câu hỏi cho Đức Giêsu: “ông tự coi mình là ai?”. Lợi dụng cơ hội này, Đức Giêsu cho họ thấy mối tương quan chặt chẽ của Người với Thiên Chúa Cha: “Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông”. Thật vậy, Tin mừng Gioan luôn nhắc đến mối tương quan cá vị này của Đức Giêsu, Người không bao giờ giới thiệu mình mà không qui chiếu về Chúa Cha, ngay cả trong tư cách của Người, trong lời nói cũng như việc làm, Đức Giêsu không nhận là của mình. Trái lại, Người tự nhận mọi sự đến từ Chúa Cha, Người đã được Chúa Cha sai đến và mọi hoạt động của Người nhằm mục đích tôn vinh Chúa Cha.

Ngoài ra, Người cũng cho họ thấy tương quan thân tình giữa Cha và Con chỉ là một, vì thế, Người biết rõ Chúa Cha và giữ lời Người. Đức Giêsu còn tỏ cho họ biết Người là Đấng hằng hữu, Đấng có trước ông Apraham tổ phụ của cha ông họ. Nhưng một lần nữa, vì bảo thủ quan điểm của mình, nên họ mù quáng đến nỗi không thể nhìn ra sự thật, mà chỉ thấy nổi lên trong mình một sự căm ghét muốn thủ tiêu Người, vì những lời Người nói nghe không lọt tai và đồng thuận với quan điểm hẹp hòi cố chấp của họ. Và hậu quả của sự cố chấp này dẫn tới hành vi lượm đá ném Người. Nhưng Đức Giêsu đã lánh nơi đó và ra khỏi đền thờ.

Với những bài học quý giá trên đây, con cầu xin Chúa Giêsu đừng để cho con trở nên cố chấp hẹp hòi với những quan điểm sai lầm của con, mà xin ban cho con biết noi gương Người, luôn nhẫn nại, quảng đại tha thứ cho những người có thái độ, hành vi hay lời nói xúc phạm đến con, để qua đó, họ cũng nhận biết Chúa đang ở trong con, và con chính là môn đệ đích thực của Ngài. Amen.

Nt. Maria Phạm Thị Hoa. OP

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.