“Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm”

Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác: đây là những từ rất mạnh được ĐTC Phanxicô dùng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 tại Nhà Thánh Mácta. Bài giảng của ĐTC đặt trọng tâm vào bí tích Thêm Sức. ĐTC khẳng định: Người lãnh nhận bí tích này “tỏ ý muốn trở nên Kitô hữu. Là Kitô hữu nghĩa là làm chứng cho Chúa Giêsu-Kitô”, đó là người “suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu”.

ĐTC nói thêm, ai đó có thể tuyên bố mình có đức tin “nhưng chỉ cần thiếu một trong những điều này, thì họ không phải là Kitô hữu”, “họ thiếu điều gì đó, có sự bất nhất ở đây”. Và người Kitô hữu “mà sống bất nhất phần lớn thời gian và thường xuyên thì gây rất nhiều tai hại”:
“Chúng ta đã nghe thánh Giacôbê, những gì ngài nói về một số người bất nhất huênh hoang nói mình là Kitô hữu, nhưng lại bóc lột nhân công. Ngài nói: ‘Kià, tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng các ngươi và không được các ngươi trả lương đang kêu lên oán trách các ngươi; và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh’. Chúa rất hùng mạnh. Nếu ai nghe thấy điều này, họ có thể nghĩ: ‘Nói sao nghe giống cộng sản quá!’ Không, không, chính thánh tông đồ Giacôbê nói điều này! Đó là Lời Chúa. Và bất nhất là vậy đó. Khi có sự bất nhất trong Kitô giáo và người ta sống bất nhất như vậy, người ta trở nên cớ vấp phạm. Và người Kitô hữu không có đời sống thống nhất trở nên cớ vấp phạm”.

Cớ vấp phạm giết hại

ĐTC nói tiếp: “Chúa Giêsu nói rất mạnh chống lại cớ vấp phạm: ‘Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn’. Một Kitô hữu bất nhất gây rất nhiều tai hại”. “Cớ vấp phạm giết hại”. ĐTC Phanxicô nói thêm: Chúng ta đã nghe nói: ‘Nhưng thưa cha, tôi tin Chúa nhưng không tin Giáo Hội, vì các người Kitô hữu nói điều này nhưng lại làm điều khác'”. Và còn nữa: “Tôi tin Chúa, nhưng không tin cha”. “Đó là vì có sự bất nhất”: “Hãy tưởng tượng, nếu anh em đứng trước một người vô thần và họ nói họ không tin Chúa, anh em có thể đọc cho họ hết một tủ sách nói rằng Thiên Chúa hiện hữu và ngay cả chứng minh được rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng họ vẫn không tìm thấy được đức tin. Nhưng nếu trước người vô thần đó, anh em làm chứng qua đời sống Kitô hữu thống nhất của anh em, thì trong lòng họ có điều gì đó bắt đầu hoạt động. Chính chứng tá của anh em sẽ gây ra nỗi lo âu này và Chúa Thánh Thần sẽ làm việc trên đó. Đây là một ơn mà tất cả chúng ta, tất cả Giáo Hội phải xin: ‘Lạy Chúa, xin cho chúng con có đời sống thống nhất’.”

Cầu nguyện để sống thống nhất với đức tin

ĐTC kết luận: phải cầu nguyện, ” vì muốn có một đời sống Kitô hữu thống nhất, phải cầu nguyện, vì sự thống nhất trong đời sống Kitô hữu là một ơn và chúng ta phải xin”: ” Lạy Chúa xin cho con được thống nhất trong cuộc sống! Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ làm cớ vấp phạm, xin cho con biết suy nghĩ như Kitô hữu, biết cảm nhận như Kitô hữu, biết hành động như Kitô hữu”. Và khi chúng ta vấp té vì yếu đuối, chúng ta hãy xin lỗi: “Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, tất cả, nhưng tất cả chúng ta cũng đều có khả năng xin lỗi. Và Chúa không ngừng tha tội! Hãy biết khiêm tốn để xin lỗi: ‘Lạy Chúa, con đã không sống cách thống nhất. Xin lỗi Chúa’. Trong sự thống nhất Kitô giáo chúng ta hãy tiến bước trong đời, bằng cách làm chứng như phải làm chứng những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô, những ai ý thức mình là kẻ có tội, nhưng có can đảm xin lỗi khi thấy mình sai lầm và rất sợ làm cớ vấp phạm cho người khác. Xin Chúa ban cho chúng ta ân huệ này!”

radio Vatican

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.