Sống Mầu Nhiệm Nhập Thể Giữa Dòng Đời

Qua mầu nhiệm Nhập Thể và nhập thế, Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại, sống giữa dòng đời trong thân phận một con người. Người nhận lấy tất cả mọi ưu tư, muộn phiền, cùng với bao niềm vui, nỗi buồn của kiếp người, để tỏ bày tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người, để cảm thông, chia sẻ, cứu độ và giải thoát con người khỏi mọi hệ lụy của tội lỗi, nhằm dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa trong hạnh phúc viên mãn. Theo cách diễn giải của thánh Irênê thì, “Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.”

Thật vậy, Con Thiên Chúa làm người và sống trọn kiếp người, đã làm cho cuộc đời con người có ý nghĩa. Vả lại, mầu nhiệm Nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời, đã trở nên khuôn mẫu cho ta về ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Mầu nhiệm đó mời gọi chúng ta “đi vào giữa lòng thế giới” với tất cả nỗi niềm của con người thời đại: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.

Hai ngàn năm trước, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để cho con người được sống và sống dồi dào. Người đã chạnh lòng trắc ẩn trước mọi khổ đau của con người, đã thi ân giáng phúc, cứu giúp mọi người, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng. Trong suốt hai ngàn năm nay, Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn tiếp tục “nhập thể” trong trần gian để thi ân giáng phúc cho trần gian. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở những thành “cánh tay nối dài” của Chúa Giêsu, để có thể chăm sóc, chữa lành, xoa dịu phần nào nỗi khổ đau thể xác lẫn tinh thần của nhân thế, của anh chị em đồng loại.

Tất cả chúng ta được mời gọi ‘đi ra’ như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại… Điều này lại càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang cần được giải quyết. Từ kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình.

Vì lẽ đó, mỗi chúng ta, dù ở vai trò, địa vị nào, tất cả đều được mời gọi “lên đường” vâng theo tiếng gọi của Chúa, đi ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng. 

Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.