Đọc câu chuyện dụ ngôn về ‘nhà phú hộ lo thu tích’, tôi trộm nghĩ Đức Giê-su đúng là một hiền triết thứ thiệt. Từ cổ chí kim, các nhà hiền triết đều dạy các điều tương tự. Không ai còn lạ gì với tư tưởng uyên thâm: mọi của cải vật chất chỉ là phù phiếm, có những của cải khác còn đáng giá hơn nhiều. “Phù vân, mọi sự chỉ là phù vân!”… Tư tưởng này biện minh cho thái độ khinh chê giàu sang phú quí được đề cao, để có được tâm hồn thanh thoát chuyên chăm vào các việc khác cao thượng hơn, như thu thập kiến thức, sống lịch lãm quân tử, luyện đắc đạo chân tu… hầu lưu danh lâu dài cho hậu thế. Nhưng, theo tôi hiểu, Đức Giê-su đâu có tới trần gian để chỉ dạy một triết lý sống, và cũng không cần Người phải làm điều đó, vì chẳng có gì là mới mẻ cả, biết bao người khác cũng đã từng dạy môn sinh của mình như thế. Tôi rất mừng vì Người đã từ chối trở thành người cầm cân nảy mực cho công lý: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”, cho dầu vào thời đại của Người có lẽ xã hội cũng đang rất cần những con người như thế (thử nghĩ tới sự bóc lột, áp chế của đế quốc Rô-ma thống trị… , hay chế độ nô lệ bất nhân và hà khắc rất phổ biến vào thời đó). Không, Đức Giê-su không muốn được ai coi mình là thày dạy luân lý; vì sứ mệnh của Người là hoàn toàn khác.
Cái ‘triết lý’ mà xem ra Người muốn diễn đạt qua bài dụ ngôn lại theo một định hướng hoàn toàn khác. Người muốn dẫn đưa con người tiến vào tương quan đích thực với Thiên Chúa là Cha của Người. Theo Người, bất cứ của cải nào cản trở mối tương quan đó đều phải dứt khoát loại bỏ. Dầu không sử dụng thành ngữ ‘làm nghèo trước mặt Thiên Chúa’, nhưng rõ ràng Đức Giê-su muốn ám chỉ điều đó khi Người nói: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Trong nội dung này thì ‘của cải’ ở đây phải bao gồm luôn cả kiến thức, thanh danh, đạo đức… mà các triết lý sống khác thường đề cao. Ngoài việc nhắc nhở phải tránh lòng tham, hình như Đức Giê-su còn dạy một điều gì khác nữa tích cực hơn nhiều về ‘làm nghèo và làm giầu’ trước mặt Thiên Chúa. Rất tiếc là bài Tin Mừng Chúa Nhật XVIII dừng lại ở câu 21; lẽ ra nó còn phải tiếp tục tới đoạn sau, là nội dung chính của bài huấn dụ: sống hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Qua hình ảnh người phú hộ lo thu tích, nội dung ‘làm nghèo trước mặt Thiên Chúa’ đã lộ rõ. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?… Vì không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Thế nhưng thế nào là ‘làm giầu’ trước mặt Thiên Chúa thì đoạn văn trên vẫn chưa làm sáng tỏ đủ? Ai có thể được coi là ‘giầu có’ trước mặt Thiên Chúa, phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị đạo sĩ chân tu…?
Nếu đối với một thương nhân ‘giầu’ sẽ có nghĩa là lắm của nhiều tiền, đối với một nghệ nhân thì là tài năng thiên phú mới là chính, đối với một nhà thông thái thì lại là học thức uyên thâm v.v…, thì ‘giầu trước mặt Chúa’ còn tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh… thế là ta có các mẫu ‘người giầu’ trước mặt Thiên Chúa như Mô-sê hùng mạnh, Ê-li-a thánh thiện, Sa-lô-môn khôn ngoan, Da-vít công minh…. Thế còn Đức Giê-su, khi kêu gọi ta ‘lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa’, Người đang có trong đầu một hình ảnh Thiên Chúa nào? Thiên Chúa mà Đức Giê-su phác họa chắc chắn không thiếu các nét trên, tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là một nét độc đáo mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc chỉ mới được các ngôn sứ phác thảo mờ mờ tiệm tiến, chưa có gì là rõ ràng:Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương – Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là bức chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Ki-tô Giê-su – và chỉ duy nhất mình Người mà thôi – có thể vẽ lên. Đó cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giầu sang mà Người công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được (Lc 12,30).
Hiểu như thế, làm giầu trước mặt Thiên Chúa, theo cách nói của Đức Giê-su, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ… Nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Ki-tô hữu. Đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô biên của Thiên Chúa, và rồi thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. Đời Ki-tô hữu đương nhiên không thua kém luật pháp Do Thái trong các khía cạnh luân lý đạo đức …, tuy nhiên nó không dừng lại ở đó. Trong số các giá trị Tin Mừng thì đón nhận và sống lòng xót thương là cao trọng hơn hết. Ki-tô hữu phải đặt điều này lên tầm cao tuyệt đối, và rồi toàn tâm toàn lực thực thi. Đó là mục tiêu cao cả nhất mà chỉ những ai dám dứt bỏ mọi thứ thu tích (=làm nghèo) mới có thể thực hiện nổi. Thế nhưng ngay trong công tác ‘làm giầu trước mặt Thiên Chúa’ này, Đức Giê-su không quên khuyến cáo: không có gì phải lo lắng, phải gò ép, phải luyện tập…; chỉ cần một điều kiện duy nhất là tín thác trọn vẹn vào lòng nhân ái của Thiên Chúa: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32).
Lạy Thiên Chúa từ nhân, cảm tạ Chúa đã đưa con vào vương quốc yêu thương của Chúa. Ngay từ khi trở thành Ki-tô hữu, con đồng thời đã trở nên giầu có vô song vì được sở hữu cách trọn vẹn lòng Chúa xót thương. Xin đừng bao giờ để con bị rơi trở lại vào tình trạng nghèo nàn cố hữu, khi chỉ chuyên lo thu tích các của cải vật chất cũng như tinh thần mong làm cho đời mình thêm phong phú. Xin cho con biết ngày càng làm cho mình nên giầu sang hơn cho ‘vương quốc Nước Trời’, nhờ thủ đắc ngày càng trọn vẹn hơn lòng nhân tuất vô biên của Thiên Chúa cứu độ. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB