SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Mỗi năm, Hội Thánh dành riêng ngày Chúa Nhật thứ III trong tháng 10 để nhắc nhở con cái mình về trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng và cầu nguyện cho việc Loan Báo Tin Mừng. Chúa nhật này còn được gọi là “Khánh Nhật Truyền Giáo”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một vài điểm về vấn đề này.

1. Truyền giáo theo Thánh Kinh và Giáo huấn của Hội Thánh

Dựa vào Thánh Kinh, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các Tông Đồ: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (x. Mt 28: 19-20). Đó là lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu truyền cho các Tông Đồ ngày xưa, nhưng cũng là lệnh của Người truyền cho mỗi Kitô hữu ngày nay.

Tại sao lệnh của Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ cũng là lệnh của mỗi Kitô hữu ngày nay? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta hãy nghe giáo huấn của Hội Thánh qua Sắc Lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes) của Công Đồng Vatican II, “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).

Chúng ta là những người thuộc “Giáo Hội lữ hành” thì chúng ta phải “Loan Báo Tin Mừng”. Trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng là trách nhiệm của mọi người. Phần đông người Công Giáo vẫn quan niệm rằng việc Loan Báo Tin Mừng là trách nhiệm của các Đức Cha, các cha, các thầy, các nữ tu, chứ không phải của giáo dân. Quan niệm sai lạc này có lẽ bắt nguồn tư vấn đề khi nói đến Hội Thánh là chỉ nói đến hàng giáo phẩm, tu sĩ chứ không phải mọi Kitô hữu. Vậy chúng ta cần phải xác định lại: mỗi người (giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) đều là thành phần của Hội Thánh. Nếu giáo dân cho mình không phải là thành phần của Hội Thánh, thì đâu là chỗ đứng của giáo dân? Hơn nữa, thành phần giáo dân lại chiếm đa số trong Hội Thánh, ai cũng có trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng.

Cần nhớ rằng Ngôi Lời đã Nhập Thể (Ga 1:14), sống thân phận con người ngoại trừ  tội lỗi (Dt 4:15), vẫn luôn thi hành sứ mạng của Người: Loan Báo Tin Mừng, rao giảng Nước Thiên Chúa cho muôn dân và chữa lành nhiều người (Mc 1:38-39). Mang danh Kitô hữu, bước chân theo Thầy Chí Thánh của mình là Đức Kitô, chúng ta cũng phải rao giảng Tin Mừng.

Loan Báo Tin Mừng là hơi thở của Hội Thánh. Mỗi người chúng ta là thành phần của Hội Thánh, chúng ta không thể ngừng thở, nghĩa là chúng ta không thể khước từ việc Loan Báo Tin Mừng. Thử nhìn vào dân số thế giới và con số được nghe Tin Mừng, nhận biết Chúa Giêsu Kitô ngày nay như thế nào. Theo thống kê năm 2000, dân số thế giới là 6 tỷ 082, và ước tính đến năm 2010, dân số thế giới sẽ là 6 tỷ 848; trong lúc đó theo thống kê năm 2002 chỉ có 1 tỷ 07 người Công Giáo, với tỷ số 17.2%. Nhìn về Á Châu, con số Công Giáo có khoảng 140 triệu trong một dân số gần 3 tỷ 5. Riêng tại Việt Nam, con số Công Giáo chỉ mới 7.04%. Vẫn còn biết bao người chưa nghe Tin Mừng và chưa tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vậy sứ mạng Loan Báo Tin Mừng rất cần thiết và khẩn cấp. Chính thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cor 9:16). Ước mong đây cũng là tâm tình của mọi Kitô hữu. Nếu được như thế, thì quả là: “Đẹp thay bước chân nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng.” (Rm 10:15)

2. Phải Hiểu Loan Báo Tin Mừng Như Thế Nào?

Sắc lệnh truyền giáo nhấn mạnh đến hai vấn đề chính yếu: “việc rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô” (AG 6:3). Vậy chúng ta phải làm thế nào? Cần phải chu toàn hai điều: Rao giảng Phúc Âm và Vun trồng Giáo Hội.

a. Rao giảng Phúc Âm 

Rao giảng ở đây có phải là lên tòa giảng trong nhà thờ để giảng hay không? Cũng đúng cho những ai có nhiệm vụ này; nhưng mỗi người tín hữu phải rao giảng Phúc Âm bằng chính đời sống của mình: trong cộng đoàn, tại gia đình, trong giáo xứ, ngoài xã hội. Rao giảng bằng chính cuộc sống được tỏ hiện qua đức bác ái. Tháng 10 năm 2006, chính Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã chọn chủ đề cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo lần thứ 80 là: “Bác ái là linh hồn của Loan Báo Tin Mừng.” Nếu mỗi Kitô hữu làm việc gì cũng với tinh thần bác ái, đó là Loan Báo Tin Mừng. Sống chính danh, không bon chen, không tị hiềm, không tranh giành quyền cao chức trọng, đó là Loan Báo Tin Mừng. Sống hy sinh cho tha nhân, đó là Loan Báo Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu đến trong trần gian để phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người (Mc 10:45).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có lần nói rằng con người ngày hôm nay cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Và thực tế vẫn được ghi nhận là cho đến hôm nay, người ta vẫn còn hằng tôn sùng và nêu cao những tấm gương sống động của cha thánh M. Kolbe, của Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcuta… là những người đã sống, đã làm chứng bằng chính cuộc đời và ngay cả mạng sống để tô đậm và minh họa cho lời rao giảng của mình.

Tục ngữ Việt Nam vẫn nói: Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo. Thật vậy, rao giảng Tin Mừng là thông truyền, là loan báo và làm chứng cho niềm tin của mình: Một niềm tin vào một Thiên Chúa tình thương đang sống và đang cùng đồng hành với con người; Ngài mời gọi mọi người chúng ta đến với Ngài để cùng chia sẻ hạnh phúc trong sự sống vĩnh cửu… thì thật là có phản chứng quá không khi những người tín hữu, các tu sĩ chúng ta, trong đời sống đức tin của mình thường biểu hiện một lối sống đạo dúm dó, đối phó, cuộc sống không được an vui, hành đạo một cách máy móc, nệ luật… thì làm sao có thể lôi kéo được ai, bởi vì chính bản thân người đang thực hiện việc hành đạo đó lại đang nêu ra một tấm gương chẳng lành?

b. Vun trồng Giáo Hội

Truyền giáo là Rao giảng Phúc Âm cho người chưa nghe, việc này thật quan trọng; nhưng quan trọng hơn là phải tiếp tục “vun trồng” và tưới bón cho những người đã nghe, đã một lần tin nhận Chúa Kitô. Có thể con người thường rơi vào tình trạng: “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” hoặc “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”; hay nghĩ rằng mình đã được rửa tội, mình là “con nhà có đạo”. Nhưng trong thế giới khoa học và tiên tiến ngày nay, với bao cám dỗ vây quanh, người Công Giáo có thể lơ đãng không sống đạo, không thi hành những gì Phúc Âm Chúa truyền dạy và đức tin yếu kém. Cũng có thể là hình ảnh Chúa Kitô bị lu mờ trong cuộc sống Kitô hữu, bởi vì có bao nhiêu hình ảnh “kitô” khác thay thế Chúa Kitô.

Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống như thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin, lúc đó lời nói của mình cũng đáng tin. Cách thức làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu ngày càng đáng tin. Như vậy, toàn bộ cuộc sống chúng ta đều phải làm chứng: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, trong gia đình, ngoài xã hội, khi giao tiếp, khi vui chơi giải trí…Đối với người có ý thức Loan Báo Tin Mừng thì bất cứ việc gì, khía cạnh nào của cuộc sống của họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với tín hữu Công Giáo có lẽ là: “Người Công giáo các anh chị không mấy đáng tin; các anh chị nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ.” Lời phê bình này như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại đời sống “chứng tá” của mình.

Một hình ảnh diễn tả việc Loan Báo Tin Mừng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề này là, Loan Báo Tin Mừng tựa như bắt cá dưới biển lên rồi bỏ vào thùng ướp lạnh. Bắt thêm cá mới là quan trọng, nhưng việc làm vảy và ướp cá bắt được còn quan trọng hơn. Nếu không, cá sẽ ươn thối. Đó chính là “vun trồng,” là lãnh nhận đức tin lãnh nhận từ khi chịu phép rửa tội. Chúng ta là những Kitô hữu, là cá đã ở trong thùng ướp lạnh, đang ở trong Hội Thánh, chúng ta cần được ướp gia vị bằng Lời Chúa và việc bác ái “linh hồn của Loan Báo Tin Mừng.”

KẾT LUẬN

Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo hàng năm là dịp để chúng ta khẳng định rằng truyền giáo là việc của mọi tín hữu, mọi thành phần của Hội Thánh (giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân). Đây cũng là dịp để chúng ta xét lại cuộc sống mình là những người đã tin nhận Chúa Kitô, để rồi hình ảnh Chúa Kitô luôn sáng tỏ trong ta, và qua đó những người chung quanh cũng được nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô từ nơi chúng ta. Loan Báo Tin Mừng không cần phải đi xa, nhưng Loan Báo Tin Mừng ngay tại hoàn cảnh địa phương. Loan Báo Tin Mừng không nhất thiết phải rao giảng, nhưng bằng cách sống Phúc Âm, làm nhân chứng cho Chúa trong hoàn cảnh riêng từng người, qua lời nói và việc làm. Nói khác đi, Loan Báo Tin Mừng chính là thực thi đức bác ái.

Bên cạnh đó, cần cầu nguyện cho việc Loan Báo Tin Mừng. Cầu nguyện đặc biệt cho các nhà truyền giáo đang bị khó khăn cách này cách khác trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Xin Chúa Thánh thần, giúp chúng ta hăng say công việc quan trọng này trong hoàn cảnh riêng của mỗi người.

[audio:http://linhthaomusic.bplaced.net/wp-content/uploads/Etc/HayDiLoanBaoTinMung.mp3|autostart=yes]
Dieser Beitrag wurde unter Bai Viet, Nhac veröffentlicht. Setze ein Lesezeichen auf den Permalink.

Die Kommentarfunktion ist geschlossen.