“Xin mời Ngài ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đây là một lời mời tha thiết của hai môn đệ trên đường Emaus và cũng rất thích hợp cho chúng ta luôn lặp lại trong từng ngày sống. Nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta không được nhiệt tình và đon đả như hai môn đệ Emaus, vì ngại cuộc sống bị xáo trộn và không được nghỉ ngơi.
Cuộc sống vốn phức tạp với nhiều mối quan hệ, đòi chúng ta phải ra khỏi nhà để chia sẻ tình cảm, tiền bạc và thời giờ cho những cuộc hẹn – và cả những người bị bỏ rơi. Mỗi lần ra đi như thế, đòi ta phải xáo trộn giờ giấc, từ bỏ ý riêng và bớt đi một chút của cải. Nhưng nếu ta từ bỏ hết những quan hệ xa gần, nếu ta không có một chút hăng say để đón nhận những dòng đời khác vào với đời mình, thì có lẽ tâm hồn ta không được tận hưởng những niềm vui huynh đệ. Biết bao gia đình các thành viên tẩy chay nhau vì những lý do thật nhỏ nhen và ích kỷ; nhưng nhiều khi chúng ta làm khổ nhau khi tổ chức ‘ma chay cưới hỏi’ quá rình rang.
Các bậc cha mẹ luôn lo lắng cho con cái: con trai cũng lo mà con gái cũng lo, nhỏ cũng lo mà lớn càng lo hơn, hiền quá cũng lo mà nghịch ngợm cũng lo, con ra cửa nhà rồi cũng chỉ mới giảm nỗi lo. Ai cũng nghiệm ra rằng: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; và dù mình có tài giỏi đến đâu cũng không thể quản và yên tâm về con cái… chỉ biết chạy đến với Chúa để Chúa lo liệu cho chúng thôi. Trong tác phẩm Đường hy vọng có kể câu chuyện một bà mẹ với một đàn con đông đến 10 đứa phải nuôi, vậy mà bà vẫn đến cầu nguyện một giờ vào mỗi buổi trưa và gia đình bà có đến 4 linh mục và 3 nữ tu. Chân phước GioanPhaolô II luôn chìm sâu trong cầu nguyện: Ngài cầu nguyện cho những người Ngài vừa tiếp xúc và cầu nguyện theo những ý chỉ được vị thư ký ghi sẵn trên bàn… Để Chúa ở lại trong lòng mình và trong đời con cái mình, để Chúa thực hiện những kỳ công trên vũ trụ nầy, chúng ta phải luôn cầu nguyện: “Xin cho ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và phải dành thời giờ cho công việc quan trọng nầy.
Khi đến với bàn tiệc Thánh Thể, không phải chỉ là Chúa vào nhà sống bên cạnh ta, mà là Chúa sống trong ta và trở nên một với ta. Ấy vậy mà nhiều khi ta vẫn ngại đến với Thánh Thể, vì ta chưa nhận ra đó là chính Chúa. Ta vẫn sợ được Chúa yêu, vì sợ Chúa ban đau khổ – như là quà tặng của tình yêu để ta nên giống Ngài. Xin trích một đoạn suy niệm ngắn của Chân phước Gioan Phaolô II: “Khi những môn đệ trên đường đi Emaus mời Chúa Giêsu ở lại với họ, Ngài đáp lại bằng cách trao ban cho họ một món quà còn lớn lao hơn nhiều: qua bí tích Thánh Thể, Ngài hiện diện trong họ. Khi đón nhận Thánh Thể, ta đi vào mối kết hiệp sâu xa với Chúa Giêsu. “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Jn 15:4). Mối tương quan sâu xa và ở lại trong nhau nầy cho phép ta nếm cảm trước một chút về Thiên đàng, ngay lúc còn ở nơi dương thế. Đó không phải là ao ước lớn lao nhất của con người hay sao? Đó không phải là điều Thiên Chúa đã dự liệu cho lịch sử cứu độ hay sao? Thiên Chúa đã để lại trong quả tim con người một cơn đói khát Lời Chúa (Am 8:11), và nó chỉ được thỏa mãn bởi sự kết hợp với Ngài. Sự kết hợp trong bí tích Thánh Thể cho ta được no thỏa Thiên Chúa ngay trên quả đất nầy, trong khi mong chờ sự kết hợp trọn vẹn trên nước Trời”.
Các môn đệ Emaus đã bừng cháy cõi lòng và đã nhận ra Chúa, vì họ đã lắng nghe một cách khiêm tốn và để cho lòng mình lắng đọng. Chúa vẫn đến thăm ta trong cuộc sống sôi động và tất bật nầy, Ngài luôn muốn ta mời vào nhà cho được giãn cơn khát tình yêu; thế nhưng ta có biết hồi tâm trong giây lát, suy niệm một vài câu Kinh Thánh và giục lòng yêu mến Ngài hay không – đó mới là những điều kiện cần thiết để tiếng Chúa vang vọng trong lòng ta.
Hai môn đệ làng Emaus đã tha thiết mời Chúa vào nhà mình và lòng họ đã cháy bừng lửa mến. Còn chúng ta, khi vẫn còn ngại đến với bí tích hòa giải và Thánh Thể, khi vẫn ngại hòa đồng với anh em, khi vẫn dành ít giờ cầu nguyện và hồi tâm… ấy là chúng ta đã bỏ qua những cơ hội để nhận ra Chúa nơi anh em, trong lòng mình và trong cuộc đời nầy.
1. Xin ở lại với con