Đức tin là ân ban của Thiên Chúa, nhưng cũng đòi con người phải nỗ lực tìm kiếm. Chẳng phải việc Đức Giêsu sống lại mới thật khó tin trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như ngày nay, thời các tông đồ cũng thế.
Mác cô không ngần ngại nhấn mạnh đến thái độ không tin của họ trong sáchTin mừng, dù nhiều lần, họ được chính các bạn hữu, là bà Maria Magdala và hai môn đệ làng Emmau, những kẻ cũng chẳng dễ tin, làm chứng việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra với mình.
Vì thế, lần hiện cho nhóm Mười Một, Đức Giêsu đã khiển trách họ. Họ đáng trách nhưng cũng thật đáng thương trước sự dốt nát, chậm tin vào lời Kinh thánh, đã bỏ qua những lần tiên báo của Đức Giêsu về cái chết và sự phục sinh của Người, để lao theo những khát khao về một Đấng giải thoát mang sắc thái trần tục.
Hiện ra với những môn đệ, Đức Giêsu cho thấy, Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Người không phải là một đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã được biến đổi. Người đang sống và luôn hiện diện với họ trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Các môn đệ là những người đã quen nhìn Đức Giêsu với cái nhìn trần tục. Giờ đây, họ phải tập nhìn ra sự hiện diện khác của Người qua các dấu chỉ, nhất là những lời dạy dỗ bằng Kinh thánh và hành vi “Bẻ Bánh”. Vì thế rất cần được Đức Giêsu mở mắt, mắt tai, mở lòng để nhận ra Người.
Khiển trách thái độ cứng tin, bất chấp những chứng tá của những chứng nhân, cho thấy Đức tin là ơn Chúa ban, ban trực tiếp hay qua nhiều trung gian, cũng phải đón nhận trong thái độ khiêm nhường và biết lắng nghe.
Sự cố chấp không mở lòng ra để tin, sẽ đưa đến việc đánh mất ơn cứu rỗi. Điều cao cả đáng quý nhất, là Đấng Phục Sinh vẫn tin cậy, vẫn hiện ra và giao sứ mạng cho họ, nghĩa là Người đã tha thứ cho họ, để với kinh nghiệm được biến đổi ấy, họ sẽ kiên trì làm chứng cho Người qua niềm vui rao truyền Ơn Cứu Độ với sự nhiệt thành, can đảm.
Sự biến đổi của các môn đệ là chứng cớ mạnh nhất cho sự sống lại của Đức Giêsu và sự hiện diện của Hội Thánh với sứ vụ rao giảng tin mừng là sự kiện trung tâm cho toàn thể đức tin và là niềm hy vọng duy nhất của nhân loại.
Đức Giêsu Phục Sinh không phải là một nhân vật trong quá khứ, một kỷ niệm trong ký ức, nhưng Người là một Hiện Diện sống động đầy quyền năng, để bất cứ ai ở mọi nơi, mọi thời cũng có thể gặp gỡ Người. Thánh Phaolô nói thật chí lý: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT