Anh Chị Em Thân Mến, xin chào buổi sáng!
Đoạn Tin Mừng Luca hôm nay (7:11-17) trình bày cho chúng ta một phép lạ lớn lao của Chúa Giêsu: phục hồi sự sống cho một thanh niên. Nhưng, trọng tâm của đoạn này không phải là phép lạ mà là sự dịu dàng của Chúa Giêsu đối với mẹ của người thanh niên. Ở đây phép lạ lấy danh của một lòng thương cảm lớn lao dành cho người phụ nữ đã mất chồng và giờ đây đồng hành với người con trai duy nhất của bà ra nghĩa trang. Chính nỗi sầu khổ lớn lao này của người mẹ, điều đánh động Chúa Giêsu và khơi gợi Ngài thực hiện phép lạ về việc làm cho người chết sống lại.
Khi giới thiệu cảnh tượng này, Thánh Sử đi sâu vào nhiều điều cụ thể. Gặp gỡ tại cửa của thành nhỏ Nain, một ngôi làng, là hai nhóm người đông đạo khác nhau đi về hai hướng ngược nhau và chẳng có điêm chung nào. Chúa Giêsu, có các môn đệ đi cùng và một nhóm đông lớn khác, thì lại đang đi vào trong thành, trong khi đó cuộc đưa tiễn buồn cũng đang diễn ra, đang đồng hành với người quá cố, với người mẹ goá bụa và nhiều người khác. Gần cửa hai nhóm đang đi qua mặt nhau, mỗi nhóm theo hướng của mình, nhưng rồi Thánh Luca nhấn mạnh đến tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại”. Lòng thương cảm lớn lao dẫn dắt hành động của Chúa Giêsu: Ngài đã dừng lại cuộc đưa tiễn và chạm vào hòm và, được thôi thúc bởi lòng thương xót sâu xa dành cho người mẹ, Ngài quyết định đối diện với cái chết, có thể nói, diện đối diện. Và Ngài đã đối diện, một cách quyết đoán, diện đối diện, trên Thập Giá.
Trong Năm Thánh này, thật là một điều tốt lành khi, bước qua Cửa Thánh, Cửa Lòng Thương Xót, những người hành hương được gợi nhắc lại cảnh tượng này của Tin Mừng, cảnh tượng đã xảy ra tại cổng thành Nain. Khi Chúa Giêsu gặp người mẹ ấy đang trong nước mắt, bà đã đi vào trong trái tim của Ngài! Mỗi người đến Cửa Thánh mang theo cuộc sống của mình, với những niềm vui và những khổ đau, những kế hoạch và thất bại, những hoài nghi và sợ hãi, trình bày chúng lên cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta chắc chắn rằng, tại Cửa Thánh, Chúa đến gần để gặp gỡ mỗi người chúng ta, để mang lại cho chúng ta và ban cho chúng ta lời an ủi đầy quyền năng của Ngài: “Đừng than khóc!” (c. 13). Đây là Cửa của sự gặp gỡ giữa nỗi đau của con người và lòng thương cảm của Thiên Chúa. Bằng việc bước qua ngưỡng cửa chúng ta chu toàn cuộc hành hương của chúng ta trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng lặp lại với tất cả chúng ta, như Ngài đã nói với người thanh niên: “Tôi bảo anh: ‘hãy trỗi dậy!’” (c. 14). Hãy chỗi dậy! Thiên Chúa muốn chúng ta hãy đứng lên. Ngài tạo nên chúng ta để đứng lên: do đó, lòng thương cảm của Chúa Giêsu dẫn đến cử chỉ của sự chữa lành ấy, để chữa lành chúng ta, từ khoá ở đây là: “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo nên bạn!” – Hãy đứng lên. “Nhưng thưa cha, chúng con ngã quá thường xuyên” – “Cứ tiến bước, hãy đứng lên!”. Đây luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta hãy tìm kiếm để nghe lời này trong tâm hồn chúng ta: “Hãy chỗi dậy!” Lời đầy quyền năng của Chúa Giêsu có thể giúp chúng ta đứng lên và hoạt động ở nơi chúng ta cũng trên hành trình từ cõi chết đến sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, mang lại niềm hy vọng, làm khơi dậy những tâm hồn, mở ra một tầm nhìn mới về thế giới và cuộc sống vốn vượt ra khỏi nỗi khổ đau và sự chết. Được khắc khi trên Cửa Thánh đối với mỗi người là một kho tàng không bao giờ cạn vơi của lòng thương xót của Thiên Chúa!
Được chạm đến bởi lời của Chúa Giêsu “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ” (c. 15). Câu này quá tuyệt vời: nó cho thấy sự dịu dàng của Chúa Giêsu: “Ngài trao anh ta cho bà mẹ”. Người mẹ tìm lại được người con trai của mình. Nhận con từ đôi bàn tay của Chúa Giêsu, bà trở thành bà mẹ lần thứ hai, nhưng người con trai giờ đây được phục hồi cho bà không lãnh nhận sự sống từ bà. Do đó bà mẹ và người con nhận được căn tính đáng giá của họ nhờ vào lời quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Vì thế, đặc biệt trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội đón nhận hết con cái của mình, nhận ra ở nơi họ sự sống được trao cho họ nhờ bởi ân sủng của Thiên Chúa. Chính bởi ân sủng này, ân sủng của Phép Rửa, mà Giáo Hội trở thành Mẹ và mỗi người chúng ta trở thành con.
Khi đối diện với người trẻ trở lại với đời sống và đã được khôi phục lại cho mẹ của anh, “mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’”. Do đó, điều mà Chúa Giêsu đã thực hiện không chỉ là một hành động cứu độ dành cho người đàn bà goá và con trai của bà, hoặc một cử chỉ của sự dịu dàng chỉ giới hạn cho thành ấy. Trong sự cứu đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến để gặp gỡ dân của Người; ở nơi Chúa Giêsu xuất hiện và sẽ xuất hiện với nhân loại, tất cả mọi ân sủng của Thiên Chúa. Vui mừng cử hành Năm Thánh này, năm mà tôi muốn được sống ở nơi tất cả mọi Giáo Hội địa phương, có nghĩa là ở nơi mọi Giáo Hội trên khắp thế giới, không chi ở Rôma, điều đó như thể là toàn thể Giáo Hội lan toả khắp thế giới hoà cùng một bài ca ngợi Thiên Chúa. Hôm nay cũng thế, Giáo Hội nhận ra chính mình được Thiên Chúa viếng thăm. Do đó, khi đi vào Cửa Lòng Thương Xót mỗi người chúng ta biết rằng mình đang đi vào trong trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu: thực ra, Ngài là Cửa thật dẫn đến ơn cứu độ và khôi phục cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, ở nơi Chúa Giêsu và ở nơi chúng ta, là một con đường bắt đầu từ trái tim đến đôi bàn tay. Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu đang nhìn vào chúng ta, Ngài chữa lành bạn bằng lòng thương xót của Ngài, Ngài nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” – và tâm hồn bạn hoàn toàn mới. Đi trên con đường từ trái tim đến đôi bàn tay có nghĩa là gì? Có nghĩa là bằng một tâm hồn mới, bằng một tâm hồn đã được Chúa Giêsu chữa lành tôi có thể thực thi các công việc của lòng thương xót ngang qua đôi bàn tay của tôi, nỗ lực để giúp, quan tâm đến hết mọi người đang cần giúp đỡ. Lòng thương xót là một con đường bắt đầu từ trái tim đi đến bàn tay, có nghĩa là, công việc của lòng thương xót.
ĐGH Phanxicô (Joseph C. Pham chuyển ngữ từ ZENIT)