Mt 13:47 Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá.
Chúa Giêsu ví Nước Trời như một chiếc lưới thả xuống biển. Chiếc lưới (σαγηνη) là lưới kéo chứ không phải lưới quăng. Chiếc lưới này thả sâu xuống biển và được kéo bởi hai chiếc thuyền. Khi kéo như thế thì bắt được đủ mọi thứ. Nhiều bản dịch là bắt được đủ thứ cá. Nhưng đáng lẽ dịch là gom lại được đủ mọi thứ theo các bản Hy Lạp và La Tinh (εκ παντος γενους συναγαγουση – ex omni genere congreganti). Nghĩa là lưới này gom lại được đủ mọi thứ, trong đó có cả cá. Nước Trời tức là Hội Thánh Chúa. Bao lâu Hội Thánh còn ở dương thế thì bấy lâu chúng ta còn kéo lưới. Trong khi kéo lưới Hội Thánh cũng gom lại đủ mọi thứ người, to, nhỏ, sang, hèn, tốt, xấu…
Mt 13:48-50 (48) Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. (49) Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, (50) rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.
Giống như dụ ngôn cỏ lùng tuần trước, một lần nữa Chúa nhắc đến ngày tận thế và phán xét. Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người. Người lành sẽ được vào Nước Trời, còn kẻ dữ sẽ bị trầm luân trong Hỏa Ngục. Ngày này nhiều người lý luận rằng Thiên Chúa nhân lành vô cùng nên Ngài sẽ không tàn ác đến nỗi phạt người ta xuống Hoả Ngục đời đời. Thực ra Thiên Chúa không phạt ai xuống Hỏa Ngục cả, nhưng người ta đã tự chọn lấy Hoả Ngục bằng cách chối từ tình yêu của Thiên Chúa và không muốn làm theo Thánh Ý của Ngài ở đời này, nên đời sau họ vẫn được sống như họ đã chọn là sống trong tình trạng xa lìa tình yêu Thiên Chúa, là tình trạng Hỏa Ngục. Sở dĩ Chúa nói đi nói lại về Hỏa Ngục, không phải để đe dọa chúng ta, nhưng để xác định cho chúng ta rằng Hỏa Ngục có thật. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng, “Tất cả những điều này được Chúa nói ra để chắc ăn rằng không ai có thể tự biện hộ rằng mình không biết những điều đó: sự bào chữa này chỉ hợp lệ nếu hình phạt đời đời chỉ được Chúa nói đến cách mập mờ.” (In Evangelia homiliae,11).
Mt 13:51 Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa cũng chỉ cho chúng ta ba phương pháp sư phạm rất quan trọng. Trước hết Người dùng những gì quen thuộc với người nghe để giải thích những mầu nhiệm khó hiểu là Nước Trời qua dụ ngôn. Thứ đến là Người nhắc đi nhắc lại những điểm quan trọng bằng những cách khác nhau. Và giờ đây Người đặt câu hỏi để xem người nghe có hiểu những gì Người đã nói không. Ba điểm trên cũng rất quan trọng đối với một bài học hay một bài Giáo Lý của chúng ta.
Mt 13:52 Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình.”
Luật sĩ là những người biết và dạy về Lề Luật Môsê. Chúa dùng luật sĩ đã được dạy về Nước Trời để chỉ các Tông Ðồ, là những người sẽ đóng vai trò thầy dạy trong Hội Thánh của Người. Cho nên các Tông Ðồ và các Giám Mục là những vị thầy trong Hội Thánh. Các ngài có quyền và nhiệm vụ giáo huấn. Các Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục thực thi quyền này cách trực tiếp. Các linh mục, phó tế và các giáo lý viên là những người được các Ðức Giám Mục trao quyền cộng tác với các ngài trong nhiện vụ giáo huấn.
Tuy nhiên, mọi tín hữu đã được thụ huấn Giáo Lý của Ðức Kitô đều là môn đệ, và có nhiệm vụ truyền giáo huấn này lại cho người khác. Vì thế các tín hữu có nhiệm vụ học cho biết rõ giáo huấn của Ðức Kitô, tức là Giáo Lý. Kho tàng mặc khải của Thiên Chúa quá phong phú và không bao giờ lỗi thời. Những người rao giảng Lời Chúa phải biết áp dụng những chân lý bất di bất dịch của Thiên Chúa trong Kho Tàng Ðức Tin sao cho phù hợp với thời đại của mình, nhưng không được thay đổi chân lý.
Đặc biệt đối với người Công Giáo Việt Nam chúng ta Thiên Chúa đã ban cho hai kho tàng là kho tàng văn hóa và kho tàng đức tin. Chúng ta cũng phải biết biết cách hội nhập văn hóa và đức tin. Biết lấy ánh sáng Phúc Âm mà làm sáng tỏ và thanh lọc nền văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên, để làm sao đức tin của chúng ta thích hợp với văn hóa, và văn hóa không trái ngược với đức tin. Làm được như thế là chúng ta biết dùng “những cái cũ và mới trong kho tàng của mình.”
Lạy Chúa, Chúa chính là kho tàng mà con đã gặp, Chúa chính là viên ngọc quý mà con đang tìm, bởi vì Chúa là ngồn mạch mọi sự thiện hảo. Xin ban cho con có can đảm từ bỏ ý riêng mình để luôn luôn biết tìm và làm theo Ý Chúa. Lạy Mẹ, là Đấng luôn ấp ủ Lời Chúa và suy niệm trong lòng, xin giúp con biết sống một đời thấm nhuần Lời Chúa. Lạy Thánh Phaolô, xin cầu bầu cho con để con có can đảm bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Kitô. Amen
Phaolô Phạm Xuân Khôi